"Nước giếng nóng bất thường lên tới 80°C có thể do sự di chuyển của nguồn nhiệt tàn dư ở khu vực núi lửa cổ đã tắt gây nên" - GS. TS. Địa chất Phan Trường Thị cho biết.
Vừa qua, báo Gia Lai đưa tin, giếng nước của một hộ dân trên địa tỉnh trở nên nóng bất thường. Nhiệt độ nước trong giếng cao nhất là vào thời điểm sáng sớm và tối muộn, khoảng 80°C và có thể làm chín được mì gói. Thời điểm còn lại, nguồn nước có nhiệt độ 30-35°C. Hiện tượng "lạ" này kéo dài đã hai tuần khiến gia chủ không dám sử dụng nguồn nước trong giếng mà phải đi xin nước về để sinh hoạt.
Trao đổi về hiện tượng trên, GS.TS. Địa chất Phan Trường Thị cho biết, việc nước giếng bị nóng lên bất thường ở vùng Gia Lai, Kon Tum không phải là hiện tượng kỳ bí. Đó có thể là hệ quả của việc dòng nhiệt tàn dư của những núi lửa cổ đã tắt ẩn sau trong lòng đất bất ngờ di chuyển và làm cho nước ngầm ở khu vực đó nóng lên.
Theo GS. Phan Trường Thị, cách đây hàng nghìn năm, vùng Gia Lai, Kon Tum từng có núi lửa hoạt động. Hiện nay, những núi lửa này đã tắt. Tuy nhiên, ẩn sâu dưới lòng đất vẫn còn lại "hơi" của núi lửa cổ. Đó chính là những dòng nhiệt tàn dư. Khi lòng đất có biến động địa chất hoặc xuất hiện đường nứt, dòng nhiệt sẽ di chuyển. Đối với trường hợp nước giếng ở Gia Lai, khi mạch nước ngầm dưới lòng giếng gặp dòng nhiệt này thì nước ngầm sẽ nóng lên so với bình thường.
Nước giếng của gia đình một hộ dân ở Gia Lai bỗng nhiên nóng lên bất thường, có thể nấu chín mỳ gói. Ảnh: báo Gia Lai |
"Về bản chất, hiện tượng nước giếng đột nhiên nóng lên không hàm chứa những mối hiểm nguy khẩn cấp về địa chất, cũng như không phải là hiện tượng dự báo sắp có động đất hay núi lửa có nguy cơ hoạt động trở lại... Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi quan sát thấy hiện tượng trên, người dân cần theo dõi biến động nhiệt của nước giếng một cách liên tục, tốt nhất là cách 2 giờ kiểm tra một lần, không nên kiểm tra cách buổi; đồng thời nên báo cáo với chính quyền sở tại. Bởi sau khi nắm thông tin, các cơ quan địa - vật lý sẽ có các phương pháp đo đạc, theo dõi hiện tượng cụ thể hơn và có những nghiên cứu chi tiết hơn về biến động trong lòng địa chất khu vực" - GS. Phan Trường Thị cho biết.
Theo tìm hiểu, trước đây, hiện tượng dòng nhiệt tàn dư của núi lửa cổ cũng đã từng xảy ra tại vùng cửa biển Nha Trang vào năm 1923. Thời điểm đó, dòng nhiệt còn sót lại trong lòng núi lửa cổ đã tắt ở khu vực đảo Hòn Tro bất ngờ di chuyển, làm cho nước ngầm dưới lòng biển nóng lên đột ngột, tạo thành cột xoáy phun bùn đất lên khỏi mặt nước biển. Tuy nhiên, những bùn tro này sau đó bị sóng biển đánh tan.
Trước đó, hiện tượng nước giếng trở nên nóng bất thường xảy ra tại nhà anh Rơ Châm De (ở làng Klăh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai).
Cụ thể, khi gia đình anh De thả máy bơm xuống giếng để bơm nước thì thấy nước bất ngờ bốc lên hơi nóng. Thấy lạ, anh kéo máy bơm lên thì máy bơm cũng nóng bất thường. Lúc múc nước lên kiểm tra, anh thấy nước giếng nóng đến bỏng tay. Khi dùng nước này để pha mì gói thì mì chín chỉ sau vài phút. Thấy hiện tượng lạ, sợ nước giếng có độc, gia đình anh phải đi xin nước của một hộ gần nhà để sinh hoạt, đồng thời dùng ván đậy nắp giếng lại và báo cáo vụ việc với chính quyền xã.
Chủ tịch xã Ia Băng cũng cho biết, sau khi nhận được phản ánh của gia đình anh De, cán bộ xã đã trực tiếp xuống kiểm tra, sau đó xác nhận nguồn nước trong giếng nhà anh De ấm hơn so với bình thường. Chính quyền xã đã phối hợp với gia đình dùng máy bơm bơm cạn nước trong giếng, sau đó kiểm tra nguồn nước mới. Tuy nhiên, nguồn nước mới vẫn ấm hơn so với nước giếng thông thường. Trước tình hình trên, xã đã báo cáo sự việc lên huyện để tìm hướng giải quyết.
Vũ Đậu