Ở làng võ Việt Nam có một tuyệt kỹ được hình thành từ hàng ngàn năm mà đến nay rất ít người luyện thành, đó là Ma quyền của môn phái Nhất Nam.
Scandal võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông sau khi hạ gục võ sư Thái Cực quyền Ngụy Lôi chỉ sau khoảng 10 giây rồi lên tiếng chê bai võ cổ truyền Trung Quốc đã tạo ra rất nhiều tranh cãi.
Lúc này, người ta cũng đang xem xét xem, sức mạnh thực sự của võ cổ truyền như thế nào và đâu là phần thật, đâu là phần "hư ảo".
Ở Việt Nam, võ cổ truyền cũng vô cùng phong phú, với rất nhiều môn phái lợi hại. Ở môn phái Nhất Nam, có thứ Ma quyền được truyền tụng đã lâu. Vậy đích thực nó là gì và lợi hại ra sao?
[mecloud]XHwJynbsog[/mecloud]
Tuyệt kỹ biến ảo khôn lường
Ma quyền là thứ võ công độc đáo của làng võ cố truyền Việt Nam nhưng lại rất ít được miêu tả trong những tài liệu hiện nay, đặc biệt là trên mạng internet. Để tìm hiểu kỹ hơn về tuyệt kỹ này, chúng tôi tìm đến gặp võ sư Trịnh Hồng Minh, một cao đồ của môn phái Nhất Nam tại Hà Nội.
Theo võ sư Trịnh Hồng Minh (trưởng ban vận động thành lập Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam), môn phái Nhất Nam có nhiều bài quyền, trong đó tiêu biểu nhất có các bài Ảo quyền, Xảo quyền và Ma quyền.
"Ma quyền bị một số người lầm tưởng rằng đây là thứ quyền thuật của "ma quỷ" nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Thực chất, chữ "Ma" ở đây hàm chứa ý nghĩa là sự biến ảo khôn lường, luôn luôn bất định, không có hình thể, không tuân theo những quy luật thông thường" – võ sư Hồng Minh lý giải.
Căn nhà nhỏ của võ sư Trịnh Hồng Minh có rất nhiều sách. Ngoài võ thuật, võ sư còn nghiên cứu rất sâu về lịch sử và văn hóa.
Nhất Nam có các dòng cơ bản như Khai tông quyền, Chân lực… là những kỹ pháp cơ bản, bất kể môn sinh nào cũng phải học. Đây là hệ thống đơn giản, hiệu quả, dùng sức mạnh của cơ thể để áp dụng vào chiến đấu.
Còn Ma quyền, hay kể cả một số bài như Ảo quyền, Xảo quyền, Hoa long quyền… là những tuyệt kỹ mang nặng tính kỹ thuật, luôn thể hiện hai yếu tố: đấu pháp và kỹ pháp.
Ma quyền có thể là phương pháp di chuyển, tự làm mình mất trọng tâm hoặc trọng tâm của mình luôn thay đổi rất nhanh trong quá trình chuyển động. Ma quyền thường dùng để đánh lừa cảm giác của địch thủ bằng sự biến ảo của đòn thế.
Đây là tuyệt kỹ có độ khó cao, đòi hỏi người tập phải tập luyện công phu. Muốn thành thục Ma quyền, người tập phải thể hiện được sắc diện, bộ pháp phải rất linh hoạt. Thường trong lúc giao đấu, Ma quyền sẽ chuyển động theo kiểu vặn, xoắn một cách bất thường.
"Ma quyền có điểm na ná như Túy quyền nhưng lại hoàn toàn khác so với thứ quyền thuật này của Trung Hoa.
Túy quyền của Trung Hoa là thứ võ bắt chước của người say rượu, cũng khó đoán định phương hướng, hình say nhưng tâm không say. Còn Ma quyền lại thích ứng một cách biến ảo hơn.
Ma quyền hòa quyện giữa sự mạnh bạo, cương mãnh, dồn dập giống như bài Đả sơn quyền (quyền đánh núi) của Nhất Nam, nhưng lại kết hợp với thủ thuật bám dính đối phương, không cho đối phương chạy…
Các đòn của Ma quyền luôn sử dụng nội lực từ bên trong, với nhiều đòn hiểm hóc nên hoàn toàn có thể gây chí mạng chỉ với một hai động tác.
Ma quyền là thứ võ công cực kỳ thực chiến trong kho tàng võ cổ truyền Việt Nam nhưng đến nay rất ít người có thể tập được một cách thuần thục, đặc biệt là các võ sĩ trẻ" – võ sư Hồng Minh cho biết thêm.
Võ sư Trịnh Hồng Minh (áo trắng) cùng các môn sinh (ảnh: NVCC)
Ma quyền so với võ thuật hiện đại
Biến ảo khôn lường là vậy, nhưng nếu so sánh với các môn võ thuật hiện đại, liệu Ma quyền có thể áp dụng được hay không và mức độ hiệu quả của nó lớn đến đâu?
Nói về điều này, võ sư Trịnh Hồng Minh cho rằng, điểm đặc sắc của Ma quyền là luôn đánh theo kiểu luồn lách, né tránh, nghi binh, tạo ảo giác cho đối phương, đưa đối phương đến sai lầm hoặc sơ hở để tiêu diệt.
Giống như Ảo quyền, Xảo quyền thì Ma quyền không đánh nhiều, đặc biệt không đánh vào các bộ phận khó hạ gục đối thủ mà tập trung đánh ít nhưng đánh vào những yếu điểm như hõm quai xanh, cổ họng, hõm nách, hạ bộ… để vừa nhanh gọn, hiệu quả lại đỡ mất sức.
Võ sư Minh thi triển một số động tác võ thuật (ảnh: NVCC)
Theo vị cao đồ của phái Nhất Nam, thực chất mục đích của Ma quyền rất khác so với các môn phái võ thuật hiện đại. Trong khi các môn võ hiện đại tập luyện để thi đấu thể thao giải trí, có luật lệ rõ ràng (như các giải võ MMA) thì Ma quyền của Nhất Nam là thứ võ để sinh tồn.
Cách đây hàng ngàn năm, người Việt đã sáng tạo ra Nhất Nam với đỉnh cao là Ma quyền để khắc chế thú dữ và giặc ngoại xâm. Trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, thứ võ công ấy được hun đúc để trở nên đặc biệt hiệu quả trước sự xâm lăng của giặc.
"Ở Việt Nam hiện nay chưa có các võ đài chuyên nghiệp. Hơn nữa một võ sĩ chiến đấu giỏi chưa chắc đã đánh đài giỏi và ngược lại. Như MMA họ có quy tắc luật lệ rõ ràng còn một người giỏi Ma quyền, họ giống như một chiến sĩ tiêu diệt đối thủ ngoài chiến trường.
Ma quyền của Nhất Nam có thể thể đánh vào mắt, đánh hạ bộ, đánh vào hốc quai xanh thì làm sao áp dụng được trên sàn MMA? Ngày nay đánh MMA đều na ná như kickboxing cả. Còn Nhất Nam lại đánh theo cách hoàn toàn khác.
Ma quyền hay các bài quyền khác của Nhất Nam có thể được áp dụng trong các lực lượng quân sự, công an, các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ nhưng những lực lượng này chẳng ai đi thi đấu đài quốc tế cả.
Nếu mang họ đi thi đấu, chắc chắn sẽ "ra vấn đề" đấy chứ chẳng đùa. Nhưng đơn giản, chúng ta không đi theo con đường đó. Ma quyền của Nhất Nam là để áp dụng trong một cuộc thực chiến để sinh tồn chứ không phải để thi đấu võ đài" – võ sư Hồng Minh khẳng định.
Bên cạnh việc đề cao tính thực chiến của Ma quyền, võ sư cũng chú thích rằng, đây hoàn toàn không phải là một thứ quyền thuật thần thánh, có thể đánh bại mọi sự nguy hiểm.
"Ví dụ kể cả một đại võ sư dù có giỏi tới mấy nhưng khi đối diện với một đối thủ cầm súng ở cự ly khoảng ngoài 2 mét trở đi thì tất nhiên, đều có thể mất mạng.
Nhưng trong nhiều tình huống nếu địch thủ cầm súng ở cự ly ngắn hơn (ở tầm 1 mét hoặc dưới 1 mét) thì một cao thủ hoàn toàn có thể dùng đấu pháp, kỹ pháp của mình để nhập nội khống chế và giành chiến thắng trước khi đối thủ kịp bóp cò" – võ sư Trịnh Hồng Minh kết luận.
(Còn nữa)