Mùa vải thiều đang vào thời gian thu hoạch rộ và dự kiến còn khoảng 2 tuần nữa mới kết thúc. Những ngày này có tới hàng nghìn thương lái ở khắp nơi đổ xô về Hải Dương và Bắc Giang buôn vải.
Giá vải thiều loại 1 (quả đều, đẹp mã hoặc trồng theo chuẩn Vietgap) hiện vẫn giữ ở mức cao từ 13.000 – 15.000 đồng/kg trong khi đó vải thiều loại 2, loại 3 đạt chưa đến 10.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ được thu mua giá 5.000 đồng/kg.
Trong khi vải thiều giá thấp thì các vật dụng dùng trong bảo quản, chuyên chở vải lại tăng giá chóng mặt từng ngày.
A Quảng, một thương lái Trung Quốc đang mua vải ở thị trấn Chũ của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết, giá mỗi chiếc thùng xốp hiện đã lên tới 80.000 đồng, đắt gần gấp đôi so với những ngày trước.
Trong khi đó đá cây – dùng thả vào bể nước sạch để nhúng vải trước khu đưa vào thùng xốp để giữ cho vải được tươi lâu và giữ màu - giá 50.000 đồng. Tuần trước, mỗi cây đá giá chỉ 30.000 - 40.000 đồng.
Bên cạnh đó, giá nilon, băng keo cũng tăng theo từng ngày, mức tăng trên dưới 30% so với tuần trước và tùy từng địa điểm thu mua.
"Một thùng xốp chứa được khoảng 16 – 18 kg vải mà một chiếc thùng giá đã 80.000 đồng, rồi còn thêm tiền đá cây để ướp vải mang đi nữa, tính ra tiền vỏ đắt ngang tiền ruột rồi" – A Quảng nói.
Vải thiều được thương lái đóng quy cách vào hộp xốp tiện cho việc bảo quản và xuất khẩu (ảnh Tuệ Anh)
Ngoài tiền thùng xốp và phụ liệu đi cùng, các thương lái chuyển vải về Trung Quốc tiêu thụ như A Quảng còn phải mất thêm chi phí vận chuyển bằng ô tô hoặc xe container, rồi còn trừ đi những quả dập nát, tính ra chi phí đội lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với giá vải thu mua.
"Bây giờ hàng nhiều, Trung Quốc cũng có hàng, nhưng giá phụ kiện đi kèm đắt đỏ thế này, về bán không cẩn thận là lỗ nặng ấy" – thương lái này cho hay.
Giá thùng xốp đắt đỏ ngang tiền vải khiến nhiều thương lái lo lỗ nặng (ảnh Tuệ Anh)
Trong khi đó theo ông Nguyễn Văn Vệ, một thương nhân ở Hà Nội, chuyên đi thu mua trái cây và nông sản ở các tỉnh phía Bắc để xuất bán sang Trung Quốc, sức mua ở thị trường trong nước tăng mạnh thời gian qua do giá rẻ, nhưng chủ yếu các thương lái vẫn gom hàng để xuất sang Trung Quốc. Bởi lẽ thị trường Trung Quốc rất thích trái vải Việt Nam nên tiêu thụ rất mạnh và với lượng lớn, dù lãi có thể không cao bằng bán ở trong nước nhưng độ rủi ro ít hơn.
Ông Vệ cho biết thêm, mùa vải thiều năm nay ngoài các thương lái thường xuyên trên thị trường thì còn xuất hiện thêm nhiều nhà buôn "nghiệp dư", nên việc thu mua vải có phần khó khăn hơn. Giá vải thu gom môci ngày cũng biến động nhiều theo nhu cầu đóng hàng của các chủ xe. Và do nhu cầu mạnh nên việc giá các phụ liệu đi kèm để đóng gói vận chuyển biến động cũng là điều khó tránh khỏi.
Tuệ Anh