Thương lái Trung Quốc bất ngờ ngừng mua vải thiều khiến nông dân Lục Ngạn đang chịu cảnh giá vải rớt giá thê thảm.
Tin tức trên báo Vietnamnet cho hay, mặc dù còn gần nửa tháng nữa mới hết mùa vải nhưng hầu hết các điểm cân vải của thương lái Trung Quốc tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đóng cửa, thương lái Trung Quốc đồng loạt rút hết về nước khiến vải thiều rớt giá thê thảm, chín rụng đầy vườn do không có người mua.
Người dân Lục Ngạn đang chịu cảnh giá vải rớt giá. Ảnh minh họa |
Vietnamnet dẫn tin từ ông Giáp Văn Huy (xã Hồng Giang, Lục Ngạn) cho hay, 4 ngày nay thương lái Trung Quốc bất ngờ ngừng mua vải về rút hết về nước. Người dân chở vải ra thị trấn bán chỉ thấy có một số ít thương lái thu mua vải để đưa vào các tỉnh phía Nam bán, còn thương lái Trung Quốc đã biệt tăm, không thấy đâu.
Theo ông Huy, vì thương lái Trung Quốc ngừng mua, rút hết khỏi Lục Ngạn nên giá vải thiều rớt thê thảm.
Hiện nay vải thiều loại 1 chỉ bán được khoảng 12.000-14.000 đồng/kg, vải loại 2 giá chỉ 3.000-6.000 đồng/kg. Trong khi đó, vào chính vụ giá vải loại một bán ở mức 25.000-35.000 đồng/kg, loại hai cũng bán được giá 15.000-16.000 đồng/kg.
Như vậy giá vải đã giảm đi một nửa so với trước, thậm chí có loại giá giảm chỉ còn 1/3 so với trước.
“Không có người mua lại vào cuối mùa thời tiết nắng nóng nên vải chín rụng, héo khô đầy vườn. Tính ra thiệt hại cả chục triệu đồng/tấn vải chứ không ít”, ông Huy than thở.
Tin tức trên Vnexpress cho hay, ciệc Trung Quốc ngừng thu mua cũng khiến nông dân Lục Ngạn không khỏi thắc mắc. Mọi năm, các điểm cân của Trung Quốc đều duy trì cho đến hết vụ, khác hẳn với việc đóng cửa khi mùa vải mới được 2/3 chặng đường. Đây cũng là lý do chính khiến giá vải thiều rớt 50-70% chỉ trong vài ngày qua.
. Trao đổi với VnExpress, ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn xác nhận việc thương lái Trung Quốc rút về nước sớm hơn dự kiến. Song, qua tìm hiểu, vị này cho biết là do vùng trồng vải Quảng Châu đang vào chính vụ thu hoạch. Mặt khác, thị trường tiêu thụ vải lớn nhất của Việt Nam là Phúc Kiến và Tứ Xuyên đang rơi vào cao điểm nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ vải giảm đáng kể.
"Họ về nước để ưu tiên giải quyết thị trường nội địa cũng là điều dễ hiểu", lãnh đạo huyện cho hay.
Nam Nam (Tổng hợp)