Tin mới

Tịch thu phương tiện người say rượu: Xe đi mượn xử lý thế nào?

Thứ hai, 09/03/2015, 10:29 (GMT+7)

Với trường hợp người vi phạm không phải là chủ phương tiện sẽ xảy ra tình trạng "quýt làm" mà "cam chịu". Như vậy, có chấp nhận được hay không?    

Với trường hợp người vi phạm không phải là chủ phương tiện sẽ xảy ra tình trạng "quýt làm" mà "cam chịu". Như vậy, có chấp nhận được hay không?

  • Hình ảnh Tranh cãi “nảy lửa” việc tịch thu phương tiện người say rượu số 2

    "Trường hợp người điều khiển phương tiện chưa hẳn đã là chủ sở hữu, vậy là sẽ xảy ra tình huống 'quýt làm mà cam chịu", Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh.

    Tránh tình trạng “quýt làm cam chịu”

    Trước hết tôi cho rằng không chỉ riêng tôi mà đại đa số người dân đều đồng tình với các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý người vi phạm luật giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn, qua đó từng bước hạn chế, giảm thiểu Tai nạn giao thông. Và cũng cần phải hiểu rằng, các biện pháp này nhằm phục vụ cho lợi ích của chính những người tham gia giao thông.

    Đối với đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có biện pháp tịch thu xe ô tô đối với người điều khiển có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, nếu như có ai đó cho rằng đề xuất này là trái luật thì tôi chưa đồng tình.

    Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

    a) Cảnh cáo;

    b) Phạt tiền;

    c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

    d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

    đ) Trục xuất.

    Như vậy, Luật là văn bản pháp lý được Quốc hội ban hành đã cho phép tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Trên thực tế, pháp luật đã có quy định tịch thu phương tiện đối với hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác. Vậy thì làm sao có thể nói rằng đề xuất tịch thu ô tô của người vi phạm là trái luật?

    Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, đã cần thiết phải áp dụng biện pháp xử lý này với lỗi vi phạm đó, nhất là với người vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả gì hay chưa? Tôi cho rằng cần phải cân nhắc bởi lẽ theo quan điểm của tôi, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi điều khiển phương tiện mà người điều khiển có nồng độ cồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép không lớn bằng hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác. Ô tô lại là tài sản có giá trị lớn. Nếu chỉ vi phạm lần đầu, chưa gây hậu quả gì mà lại bị tịch thu phương tiện thì e rằng người bị xử lý sẽ phản ứng gay gắt, quyết liệt và như vậy thì dư luận cũng sẽ không đồng tình.

    Hơn nữa người điều khiển phương tiện chưa hẳn đã là chủ sở hữu. Vậy thì "quýt làm" mà "cam chịu" có chấp nhận được hay không?

    Nhiều ý kiến cho rằng nên có chế tài phạt thật nặng hoặc tịch thu bằng lái vĩnh viễn với trường hợp vi phạm, thay vì tịch thu phương tiện.

    Chưa nên tịch thu xe máy, xe thô sơ, Xe máy điện đi vào đường cao tốc

    Với đề xuất tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện khi đi vào đường cao tốc, Ls. Thanh kiến nghị chưa nên áp dụng hình thức này mà có thể áp dụng các biện pháp khác phù hợp hơn.

    Các phương tiện nói trên khi đi vào đường cao tốc sẽ gây nguy hiểm cho những phương tiện được phép đi cũng như gây nguy hiểm cho chính mình. Tuy nhiên đôi lúc người vi phạm lại chỉ là vô ý, thiếu quan sát hoặc do nhầm lẫn chứ không hoàn toàn do cố ý. Việc tịch thu phương tiện của họ chắc chắn cũng sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực.

    Có thể thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn

    Một là thu hồi vĩnh viễn bằng lái xe của người điều khiển phương tiện vi phạm, ngoài việc phạt tiền.

    Hai là đối với đề xuất tịch thu ô tô, theo tôi nên xử lý từng bước như sau: Khi người điều khiển phương tiện vi phạm, nếu họ là chủ sở hữu thì ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, còn có thể yêu cầu người vi phạm phải ký cam kết trong thời hạn bao nhiêu lâu không được tái phạm. Nếu họ không chấp hành sẽ áp dụng hình phạt tịch thu phương tiện. Còn nếu người điều khiển không phải là chủ sở hữu, yêu cầu chủ sở hữu phải cam kết quản lý phương tiện của mình. Nếu đến lần thứ hai, thứ ba mà phương tiện đó vẫn tái phạm thì bị tịch thu.

    Đối với đề xuất tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện, theo tôi chỉ cần phạt tiền thật nặng, cao hơn nhiều so với mức phạt hiện nay. Như vậy là hợp lý.

    Bộ Giao thông vận tải vẫn quyết thực hiện

    Bộ GTVT vừa gửi Chính phủ văn bản về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 

    Theo đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất Chính phủ cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3/2015. Với đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc đang gây tranh cãi, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

    Cụ thể, đối với người điều khiển ôtô, phạt tiền 8-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 6 tháng đối với hành vi điều khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở;Phạt tiền 15-20 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX 12 tháng nếu nồng độ cồn trong máu 50-80 mg/ml hoặc 0,25 mg-0,4mg/lít khí thở; đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX.

    Tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu có nồng độ cồn trên 80 mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX.

    Tương tự, với người điều khiển xe máy, phạt tiền 4-5 triệu đồng và tước GPLX 12 tháng, nếu trong máu có nồng độ cồn từ 50-80 mg/ml máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 50 mg đến 80mg/1 lít khí thở.Với hành vi chủ xe, lái xe cố tình bỏ phương tiện không hợp tác trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện, lực lượng chức năng sẽ khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cẩu, kéo đến nơi tập kết.

    Chủ và người điều khiển phương tiện chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí phát sinh và trông giữ cũng như hàng hóa trên xe.Với hành vi chở hàng vượt tải trên 150%, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt 25 triệu đồng và tước GPLX 12 tháng, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX.

    Nếu chủ phương tiện có hành vi giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe vi phạm thì có hai khả năng tương ứng với chủ phương tiện là cá nhân/tổ chức: phạt 40 hoặc 80 triệu đồng; tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.

    Đức Thuận (ghi)

     

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news