Tin mới

Tịch thu phương tiện:Dễ gia tăng nạn “lót tay”?

Chủ nhật, 08/03/2015, 14:02 (GMT+7)

"Người dân sẵn sàng mất một khoản “lộ phí” cho cơ quan có thẩm quyền còn hơn mất hẳn phương tiện giao thông. Điều này khiến việc hối lộ CSGT sẽ tăng cao hòng “nhờ” xử phạt tắt".

"Người dân sẵn sàng mất một khoản “lộ phí” cho cơ quan có thẩm quyền còn hơn mất hẳn phương tiện giao thông. Điều này khiến việc hối lộ CSGT sẽ tăng cao hòng “nhờ” xử phạt tắt".


Đề xuất tịch thu phương tiện giao thông đối với tài xế có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu của  Ủy ban ATGTQG đã vấp phải nhiều tranh cãi. Để phân tích kỹ hơn những được - mất, VietQ.vn đã có cuộc tra đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về vấn đề này.

 

Theo LS Nguyễn Hồng Bách, đề xuất tịch thu phương tiện GT của UB ATGTQG quá mạnh tay.

Trước tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, đặc biệt là số người tử vong dịp Tết vừa qua tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, Ủy ban ATGTQG vừa đề xuất Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện đối với tài xế có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu. Theo ông biện pháp này có quá “nặng tay” với người tham gia giao thông?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Ngày 4/3/2015, Ủy ban ATGTQG có công văn số 58/CV-UBATGTQG trình Chính Phủ với đề xuất cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm giảm Tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thời điểm áp dụng thí điểm từ ngày 15/3/2015. Trong đề xuất lần này, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia kiến nghị tăng nặng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm; Điều đặc biệt, theo đề nghị của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, người điều khiển ô tô, mô tô và xe gắn máy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 24 tháng và bị tịch thu phương tiện nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở. 

Đề xuất này xuất phát từ thực trạng số vụ tử vong do TNGT trong dịp Tết Nguyên đán 2014 tăng cao so với năm 2014 mà nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia an toàn giao thông không đội mũ bảo hiểm và sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.

Mục đích đề xuất của UBATGTQG là nhằm hạn chế tình trạng vi phạm giao thông đồng thời hạn chế, ngăn chặn và xóa bỏ việc sử dụng bia rượu khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Việc làm này thể hiện sự quan tâm tích cực của Bộ GTVT đối với tính mạng của người dân, đối với vấn đề giảm thiếu tai nạn giao thông trên cả nước.

Tuy nhiên, tôi cho rằng biện pháp này chưa thực sự phù hợp với quy định của pháp luật và có phần nặng tay khi xử lý bởi:
-Thứ nhất: Đề xuất UBATGTQG áp dụng hình thức xử phạt nhiều hơn

Hiện nay, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt đang có hiệu lực thi hành, theo đó, đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên đường mà trong máu  hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì áp dụng xử phạt: 

+ đối với người điều khiển xe ô tô, mức phạt từ 8.000.000 đ đến 10.000.000 đồng (Khoản 8 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP);

+ đối với người điều khiển xe mô tô, mức phạt là 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Khoản 6 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP). 

Cũng theo nghị định này tại Khoản 10 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP: “9. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

Khoản 9 Điều 6 nghị định 171/2013/NĐ-CP: “10. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.”

Như vậy, chỉ đối với trường hợp trong người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy thì pháp luật sẽ xử phạt một trong hai cách: Một là: tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng đối với trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy mà có giấy phép lái xe; Hai là: Phạt tiền đối với trường hợp người điều khiển không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép nhưng đang bị tước Giấy phép lái xe. Điều này đồng nghĩa với việc người vi phạm chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt hoăc tước quyền sử dụng giấy phép hoặc phạt tiền. Còn theo đề xuất của UBATGTQG thì người điều khiển phương tiện trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị áp dụng 2 hình thức xử phạt: vừa bị tước giấy phép 24 tháng, vừa bị tịch thu tài sản là phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, việc sử dụng rượu, bia lại là trường hợp ít nguy hiểm hơn so với trường hợp trong người điều khiển phương tiện có nồng độ chất ma túy. Sử dụng ma túy có thể gây ra ảo giác mạnh hơn cho người điều khiển nên việc gây tai nạn sẽ cao hơn so với việc sử dụng bia rượu mà điều khiển phương tiện. Như vậy, theo đề xuất của UBATGTQG thì hành vi vi phạm ít nguy hiểm hơn lại chịu cùng một lúc nhiều hình thức xử lý.

Tôi cho rằng biện pháp xử phạt như vậy là nặng đối với người tham gia giao thông.

- Thứ hai: Đề xuất áp dụng tịch thu phương tiện ngay lần vi phạm đầu tiên.

Điều 254 BLDS 2005 quy định “Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Toà án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.” 

Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng

“Điều 40: Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung quỹ nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp do Bộ luật này quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống".
Pháp luật ghi nhận tài sản của chủ sở hữu có thể bị tịch thu khi chủ sở hữu phạm tội hoặc vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định hướng dẫn thi hành, việc tịch thu phương tiện chỉáp dụng trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật nhiều lần. Mức phạt tịch thu phương tiện mà UBATGTQG đề xuất không phụ thuộc vào số lần vi phạm của ngườiđiều khiển phương tiện, chỉ cần ngườiđiều khiển có nồng độ cồn quá mức cho phép là họ sẽ bịáp dụng hình thức phạt tịch thu phương tiện. Vậy, rõ ràng mức phạt mà Ủy ban ATGTQG đề xuất, vừa tịch thu phương tiện, vừa phạt tiền và áp dụng tịch thu ngay phương tiện khi lần đầu vi phạm là quá nặng đối với người tham gia giao thông.

Phương tiện cá nhân là một tài sản được pháp luật bảo hộ. Ngay cả Hiến pháp và Luật Dân sự quy định rõ ràng về quyền sở hữu tài sản của công dân, theo đó không ai có quyền tước đoạt tài sản của người khác. Vậy, đề xuất tịch thu phương tiện của tài xế say xỉn có được cho là trái hiến pháp hay không?

 

Việc tịch thu xe vi phạm dễ gia tăng nạn "lót tay"? Ảnh: VOV

Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định:“Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.Pháp luật quy định rõ ràng về quyền sở hữu tài sản. Theo đó, người sở hữu hợp pháp sẽ có đủ 3 quyền: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt (Điều 164 BLDS 2005).

Theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự 2005 thì pháp luật ghi nhận chủ sở hữu hợp pháp của tài sản sẽ có đủ 3 quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt trong đó quyền định đoạt là quyền quyết định số phận đối với tài sản của mình. Quyền định đoạt chỉ chấm dứt khi chủ sở hữu phạm tội hoặc vi phạm hành chính có quyết định, bản án của Tòa án hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành.

 “Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Toà án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.” (Điều 254 BLDS 2005)

Như vậy, về nguyên tắc, tài sản bị tịch thu thì quyền sở hữu đối với tài sản đó sẽ chấm dứt  theo quy định pháp luật. Điều này có nghĩa là: nếu người điều khiển phương tiện giao thông là chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện vi phạm pháp luật mà pháp luật quy định biện pháp xử lý là tịch thu tài sản, phương tiện thì đương nhiên quyền định đoạt đối với tài sản của người chủ sở hữu sẽ chấm dứt khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc bản án quyết định của Tòa án. Do đó, việc xử lý đối với tài sản bị tịch thu của người vi phạm pháp luật như bán đấu giá, sung công quỹ nhà nước sẽ không vi phạm quyền sở hữu của chủ sở hữu. Vì vậy, việc tịch thu là không sai, không trái Hiến pháp.

Tuy nhiên, nếu chủ điều khiển phương tiện giao thông vi phạm pháp luật không đồng thời là chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện giao thông (như người đi mượn, người trộm cắp….) thì việc tịch thu tài sản mà người sử dụng rượu bia điều khiển là hành động gây thiệt hại cho chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện. Điều 254 BLDS chỉ quy định đối với chủ sở hữu, cho nên, mặc dù chủ điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu là sai nhưng người có quyền định đoạt đối với tài sản là chủ sở hữu hợp pháp chứ không phải người điều khiển phương tiện vi phạm. Do đó, nếu sau khi tịch thu phương tiện, cơ quan nhà nước xử lý đối với tài sản bị tịch thu trong trường hợp này sẽ gây tổn thất, thiệt hại cho chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện, là vi phạm quyền sở hữu tài sản được Hiến pháp 2013 và Bộ luật dân sự 2005 quy định.

Ô tô, xe máy không chỉ là phương tiện lưu thông trên đường mà còn là “cần câu cơm”, tài sản lớn của người dân. Ông có lo ngại nhiều hệ lụy sẽ phát sinh nếu xe của dân bị tịch thu?

Nếu thực hiện theo đúng đề xuất của UBATGTQG mà không phân ra các trường hợp xử lý khác nhau thì chắc chắn việc tịch thu tài sản của người dân sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, thậm chí là cho chính cơ quan nhà nước. 

Về phía cơ quan nhà nước, hệ lụy đầu tiên đó chính là việc cơ quan nhà nước vi phạm quyền, lợi ích của người dân trong trường hợp chủ sở hữu hợp pháp không là người gây ra vi phạm nhưng lại bị tịch thu tài sản. Việc này sẽ gây làn sóng phản đối lớn của người dân, gây mất lòng tin của người dân vào cơ quan nhà nước; Thêm nữa, theo ước tính, một ngày có đến 35 vụ tử vong do TNGT mà chủ yếu liên quan đến rượu, bia. Vậy nếu cứ vi phạm mà tịch thu tài sản thì một năm cả nước phải chi bao nhiêu kinh phí để xây dựng điểm chứa xe vi phạm do điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn cao như UBATGTQG đề xuất?
Còn đối với người dân, việc tịch thu tài sản có thể khiến cho họ rơi vào tình trạng “mất công ăn việc làm”, một số trẻ nhỏ được ba mẹ đón đưa có thể bị trễ giờ học, giờ lên lớp, làm ảnh hưởng đến tình hình học tập của các cháu, ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của người bị tịch thu. 

Nếu Pháp luật không phân chia các trường hợp để áp dụng biện pháp xử lý cho phù hợp thì việc kiện tụng, khiếu nại của chủ sở hữu hợp pháp đối với người điều khiển phương tiện vi phạm trong trường hợp cho mượn, thuê xe trở nên ùn ứ, kéo dài. Điều này sẽ khiếp cho bộ phận thụ lý giải quyết kiếu nại, kiện tụng bị dồn nén vụ việc.

Việc xử lý mạnh tay quá lại càng tạo điều kiện cho việc hối lộ CSGT sẽ tăng cao để hòng “nhờ” xử phạt tắt, xử nhanh, có vi phạm coi như không vì phương tiện giao thông còn là công cụ kiếm tiền, công cụ hỗ trợ đắc lực cho người dân trong cuộc sống. Người dân sẵn sàng mất một khoản “lộ phí” cho cơ quan có thẩm quyền còn hơn mất hẳn phương tiện giao thông. Và đương nhiên, việc làm này sẽ còn gây tác động xấu đến thái độ, đến việc tham nhũng của các cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ.

Trà Phương (VietQ)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news