Tin mới

Tiết lộ độc chiêu đào tạo một bước thành... "thám tử tư"

Chủ nhật, 13/09/2015, 09:55 (GMT+7)

Để có thông tin toàn diện về dịch vụ cung cấp thông tin và những “lớp học” đào tạo “thám tử”, PV đã nhập vai người có nhu cầu và không khỏi ngỡ ngàng...

Để có thông tin toàn diện về dịch vụ cung cấp thông tin và những “lớp học” đào tạo “thám tử”, PV đã nhập vai người có nhu cầu và không khỏi ngỡ ngàng...

Nhiều khách hàng đã “tiền mất, tật mang” khi tìm đến “công ty thám tử” và nhiều “thám tử tư” cũng phải gánh trái đắng từ chính nghề nghiệp của mình...

Thuê “thám tử tư” dưới dịch vụ cung cấp thông tin

Những năm gần đây, các công ty hoạt động dịch vụ “thám tử tư” đang mọc lên như nấm. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ của các công ty “thám tử tư” này đều núp bóng dưới dạng cung cấp hợp đồng cung cấp thông tin và giá trị khai thác thông tin cá nhân, càng mật thì giá trị hợp đồng càng cao. Trong vai khách hàng có nhu cầu thuê “thám tử tư” theo dõi vợ Ngoại tình, chúng tôi đã đặt vấn đề với 3 công ty “thám tử tư” khác nhau, các dịch vụ cung cấp thông tin và giá cả cũng hoàn toàn khác.

Hợp đồng “thám tử tư” được lách luật dưới dạng hoạt động cung cấp thông tin.

Tại công ty “thám tử” V.E., giá dịch vụ theo dõi dành cho khách hàng từ bắt đầu ra khỏi nhà đến lúc về đến nhà là 900.000 đồng/ngày. Nếu muốn khai thác sâu hơn như tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, mật khẩu email... sẽ có một gói khác và giá lên tới cả chục triệu đồng cho nhu cầu này. Các “công ty thám tử” khác như T.A. (trên đường Lê Văn Lương) giá dịch vụ là 1 triệu đồng/ngày và nếu thuê theo giờ là 100.000 đồng/giờ. Những công ty này cam kết thực hiện giá dịch vụ trọn gói và cung cấp thông tin đến đâu thanh toán đến đó(?). Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thực tế, có nhiều vụ án, luật sư cũng phải thuê “thám tử tư” thu thập thông tin hoặc tìm hiểu về tài sản của người phải thi hành án, phục vụ cho yêu cầu thi hành án của thân chủ.

Chính vì sự tiện lợi nói trên mà dịch vụ “thám tử tư” vẫn đang tồn tại, mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này nhưng lại không chịu sự quản lý của cơ quan nào và cũng không mất một xu tiền thuế. Đây là kẽ hở trong quản lý Nhà nước với một lĩnh vực khá nhạy cảm khi liên quan đến bí mật đời tư, quyền công dân...

Học làm thám tử, quá đơn giản

Cũng chính vì nhu cầu về theo dõi đời tư đang nở rộ nên nhân lực cho “ngành” này đang có vẻ thiếu trầm trọng. Trong vai người có nhu cầu học làm thám tử, chúng tôi đã đến 3 công ty xin “thỉnh giáo”. Tuy nhiên, đến 3 công ty thì 3 công ty đều sẵn sàng nhận chúng tôi vào làm luôn, đồng thời trong quá trình vừa làm vừa “training” (huấn luyện). Các công ty này nhận nhân lực hết sức qua loa, không cần bằng cấp, chỉ cần trình độ 12/12, phương tiện đi lại là có thể nhận việc đi làm ngay.

Tại công ty cung cấp thông tin V.D. (trên đường Lê Văn Lương), khi vừa đến dù chưa có hồ sơ xin việc nhưng chúng tôi vẫn được trưởng phòng nhân sự mời vào phòng và “training” luôn. Sau vài câu hỏi về lý lịch và nhà ở, chúng tôi được thông báo luôn về khoản thù lao được hưởng. Theo đó, chúng tôi có thể đi làm ngay sau khi hoàn thiện hồ sơ, với một nhân viên mới như chúng tôi (nếu đi làm) sẽ được hưởng mức lương 1 triệu đồng/tháng cho 1 năm đầu tiên, mức lương sẽ được tăng lên 2 triệu đồng nếu bước vào năm thứ 2, tăng lên 3 triệu đồng cho 3 năm, bên cạnh đó, chúng tôi sẽ được hưởng mức thù lao theo giờ, mỗi giờ làm việc, “thám tử tư” sẽ được trả 20.000 – 25.000 đồng/giờ, mỗi ngày trung bình sẽ làm 10giờ/ngày, mức thù lao này sẽ tăng lên 25.000 – 30.000 đồng/giờ. Với mức thù lao này, mỗi “thám tử tư” sẽ nhận được trung bình 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng/tháng.

Sau khi được cung cấp về mặt thù lao, vị trưởng phòng nhân sự này cũng cho biết, với nhân viên mới, chúng tôi sẽ được đi làm kèm và được dạy về các “thủ thuật” ẩn mình để không bị phát hiện. Các phương tiện để “tác nghiệp” như máy ảnh, máy quay, sổ ghi chép được công ty này cung cấp đầy đủ. Việc của chúng tôi là thu thập thông tin, ghi chép lịch theo dõi các đối tượng cần giám sát và gửi về công ty. Như vậy, với thông tin thu thập được về đối tượng, sau khi gửi về công ty, chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng để làm những mục đích khác. Và trên thực tế, nhiều “thám tử tư” đã sử dụng chiêu bài này để tống tiền lại chính đối tượng khách hàng mà những “thám tử tư” này theo dõi.

Khi đã quen với công việc và có trình độ “cao cấp” hơn (theo vị này là sau 2 năm), chúng tôi sẽ được huấn luyện về các kỹ năng siêu việt hơn như cài phần mềm thám tử, kỹ năng điều tra, huấn luyện về luật, thậm chí có thể hợp tác với Cơ quan điều tra để tham gia các... vụ án(?).

Có thể thấy, dù có những quy định pháp luật nhưng thực tế cuộc sống vẫn tồn tại hoạt động dịch vụ nhạy cảm kiểu này. Còn người dân – những người sử dụng dịch vụ “thám tử” cũng đang chấp nhận bỏ tiền mua dịch vụ “chui”, không biết nơi nào cung cấp dịch vụ đáng tin cậy, nơi nào không.


Lại Cường – Nguyễn Nhinh – Thành Long

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news