Tin mới

Tử vong vì ăn tiết canh ngày Tết

Thứ sáu, 03/02/2017, 19:48 (GMT+7)

Sau khi ăn tiết canh ngày Tết, một người đàn ông ở Nam Định đã bị sốt cao, tiêu chảy và không qua khỏi.

Sau khi ăn tiết canh ngày Tết, một người đàn ông ở Nam Định đã bị sốt cao, tiêu chảy và không qua khỏi.

Theo tin tức báo Tri Thức Trực Tuyến, Vietnamnet, VOV đăng tải, trong vòng 1 tuần nghỉ Tết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận và điều trị 3 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn do ăn tiết canh lợn. Trong đó có một trường hợp nặng nhất là nam bệnh nhân Q. 60 tuổi ở Nam Định.

Trước đó vào ngày 30 Tết, ông Q. có ăn tiết canh lợn. Sau đó ông Q. bị tiêu chảy, sốt cao, trên người có nhiều nốt xuất huyết hoại tử. Ngày mùng 2 Tết, ông Q. được chuyển từ BV Đa khoa tỉnh Nam Định lên BV Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng nguy kịch, bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Dù được dùng kháng sinh, thở máy, lọc máy tích cực...nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Ngoài ông Q. còn 2 trường hợp nhập viện do ăn tiết canh lợn vào ngày cận Tết. Hai bệnh nhân này đều gần 40 tuổi ở Bắc Ninh và Ninh Bình, nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, được chẩn đoán viêm màng não mủ do liên cầu khuẩn. Hiện 2 bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.

Tử vong vì ăn tiết canh Tết. Ảnh minh họa

Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, với tỷ lệ tử vong cao.

Người mắc bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân, dẫn đến tử vong rất nhanh.

Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ.

Để phòng bệnh, người dân không được ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống…; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, thịt có xuất huyết hoặc phù nề. Bên cạnh đó, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng./.

H.Yên (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news