Bố chồng Hà Tăng lên tiếng đính chính về số tiền ủng hộ
Mới đây, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đã xuất hiện ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM để ủng hộ quyên góp phòng chống dịch bệnh Corona (Covid-19) và hạn mặn tại miền Tây. Số tiền quyên góp được cho biết lên đến 30 tỷ đồng.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn giải thích số tiền 30 tỷ đồng này được chia thành ba phần, một phần 15 tỷ gửi đến Mặt trận Tổ quốc TP.HCM để ủng hộ chiến dịch chống COVID-19 cùng các ban ngành, đoàn thể, một phần 5 tỷ, ủng hộ các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước sạch để sinh hoạt do hạn mặn kéo dài. Phần còn lại, với giá trị 10 tỷ, sẽ chi trả cho trang thiết bị sử dụng tại bệnh viện nơi Tiên Nguyễn – con gái ông Johnathan Hạnh Nguyễn – điều trị trong thời gian qua.
Ngoài ra, doanh nhân được mệnh danh ‘vua hàng hiệu’ ở Việt Nam đính chính thông tin ông ủng hộ 30 tỷ, vợ ủng hộ 6,2 tỷ là không đúng. Số tiền 6,2 tỷ đó cũng nằm trong 30 tỷ mà truyền thông đưa tin.
Thêm một thông tin nữa là, sau khi con gái là Tiên Nguyễn thông báo kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ nhất, vợ chồng “vua hàng hiệu” này đã hỗ trợ 9 máy áp lực âm với giá trị tương đương hơn 6 tỷ đồng.
Cổ phiếu giảm sàn la liệt, VN-Index tiếp tục mất gần 45 điểm
Những phút đầu phiên chiều tiếp tục diễn ra khá tiêu cực. Áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường khiến hàng loạt mã giảm sàn. Chỉ số VN-Index tính tới 13h25’ mất 44,13 điểm (6,22%) xuống 665,6 điểm.
Số mã giảm sàn điểm trên HOSE hiện lên tới 364 mã, bao gồm 157 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 28 mã tăng điểm.
Khối ngoại bán ròng có phần "hạ nhiệt" so với những phiên gần đây khi giá trị bán trên cả 3 sàn hiện chưa tới 300 tỷ đồng.
Càng về cuối phiên sáng, diễn biến thị trường càng trở nên ảm đạm với áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường. Giao dịch cuối phiên sáng có phần chậm lại, tuy vậy điều này chủ yếu đến từ việc nhiều cổ phiếu đã giảm hết biên độ và không thể giảm thêm.
Hàng loạt Bluechips như HPG, VIC, SAB, HVN, VRE, PNJ, MWG, POW, VHM, FRT…hay các cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, MBB, VCB, VPB, TCB, HDB…đồng loạt giảm sàn "trắng bên mua" đang tác động tiêu cực tới thị trường.
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 42,55 điểm (6%) xuống 667,18 điểm; HNX-Index giảm 4% xuống 97,72 điểm và UPCom-Index giảm 3,52% xuống 48,09 điểm. Số mã giảm trên 3 sàn lên tới 593 mã, trong đó có 191 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 91 mã tăng điểm.
Giá USD tự do lên xấp xỉ 24.000 đồng/USD
Mở cửa ngày 23-3, các ngân hàng thương mại đều thay đổi biểu niêm yết giá USD theo hướng tăng cao so với cuối tuần. Vietcombank giao dịch giá USD mua vào 23.480 đồng/USD, bán ra 23.650 đồng/USD, tăng thêm 120 đồng mỗi USD so với cuối tuần.
Tại Sacombank, giá USD được niêm yết mua vào 23.400 đồng/USD, bán ra 23.620 đồng/USD. Chỉ trong buổi sáng, các ngân hàng đã thay đổi bảng giá USD tới gần 20 lần.
Giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng tăng từ tuần trước đến nay, do ảnh hưởng từ sự lên giá của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do cũng tăng cao. Sáng 23-3, một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM báo giá USD mua vào 23.780 đồng/USD, bán ra 23.900 đồng/USD tăng thêm khoảng 50 đồng/USD so với giá cuối tuần. Giá USD tự do cũng đang cao hơn trong ngân hàng khoảng 250 đồng.
Tin tức giá xăng dầu mới nhất hôm nay 23/3
Tin tức giá xăng dầu mới nhất hôm nay, giá xăng dầu hôm nay, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 đứng ở mức 21,37 USD/thùng, giảm 1,26 USD/thùng trong phiên. Và nếu so chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, Giá dầu WTI giao tháng 5/2020 cũng giảm tới 2,27 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao vào tháng 5/2020 đứng ở mức 25,10 USD/thùng, giảm 1,88 USD/thùng trong phiên và giảm tới 2,31 USD so với giá chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.
Ngày 23/3, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường trong nước không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 16.056 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 16.812 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 13.035 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 11.846 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 10.501 đồng/kg.
Thế giới đóng cửa, Trung Quốc đối mặt cơn bão kinh tế thứ 2
Theo South China Morning Post, cuối tháng 2, các ông chủ của một công ty đường ống công nghiệp Trung Quốc lo lắng vì số lượng đơn đặt hàng trong nước sụt giảm sau khi hoạt động sản xuất và bán lẻ bị ngưng trệ do dịch Covid-19.
Chưa đầy một tháng sau, số lượng đơn đặt hàng trong nước gia tăng, các nhà máy trên khắp Trung Quốc hoạt động trở lại với công suất gần bằng công suất trước khi dịch bùng phát. Nhưng giờ Rifeng Enterprise lại có thêm một nỗi lo khác.
Các lệnh phong tỏa từng làm tê liệt hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc giờ bị nhân rộng ra nhiều nơi khác trên thế giới.
Đa số chuyên gia kinh tế dự đoán nền kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ thu hẹp kỷ lục lần đầu tiên kể từ năm 1976. “Đây là một cú sốc, một cuộc suy thoái tạo nên một Trung Quốc khác, một thế giới khác”, chuyên gia kinh tế Alicia Garcia Herrero tại Natixis bình luận.
Bitcoin giảm 7,1%, thị trường rơi vào ‘bão lửa’
Theo CoinDesk, trong 24 giờ qua, mỗi Bitcoin mất 445 USD. Giá giao dịch thấp nhất là 5.694 USD, cao nhất là 6.431 USD.
Thống kê tại Coinmarketcap cho thấy trong cùng khoảng thời gian trên, khối lượng giao dịch Bitcoin đạt 40,9 tỷ USD, vốn hóa ghi nhận mức 107 tỷ USD.
Bitcoin lao dốc kéo loạt tiền ảo vốn hóa nhỏ hơn rơi tự do, đẩy thị trường vào cơn “bão lửa”, Cụ thể, Ethereum giảm 7,8% về 123 USD, vốn hóa còn 13,6 tỷ USD, khối lượng giao dịch trong 24 giờ gần nhất là 12,7 tỷ USD.
Ripple giảm 5,2% còn 0,150 USD, vốn hóa rơi xuống mức 6,6 tỷ USD, khối lượng giao dịch trong 24 giờ gần nhất là 1,9 tỷ USD.
Bitcoin Cash và Bitcoin SV cùng giảm 8% xuống 203,6 USD và 159 USD, kéo vốn hóa lần lượt về 3,7 tỷ USD và 2,9 tỷ USD.
Trong khi đó EOS giảm 7,3% còn 2,1 USD, Binance Coin giảm 8,7% về 11,09 USD.
Tezos giảm cực mạnh 11,4% xuống 1,48 USD, vốn hóa tạm ghi nhận mức 1,05 tỷ USD.
Tổng vốn hóa toàn thị trường sáng nay đạt 165 tỷ USD, khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua là 131 tỷ USD.
Tại Việt Nam, giá Bitcoin hiện mua vào mức 145,3 triệu đồng, bán ra mức 147,1 triệu đồng, biến động tăng 0,25%, trái với đà giảm của thế giới.