Thủ tướng: Đưa giá lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg ngay trong tháng 5
Văn phòng chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I năm 2020.
Đối với mặt hàng thịt lợn, để kiểm soát tốt giá thịt lợn trong thời gian tới, cần các giải pháp đảm bảo nguồn cung và kiểm soát khâu trung gian, lưu thông trên thị trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg ngay trong tháng 5, gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng.
Đối với việc nhập khẩu thịt lợn, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn thông quan đối với lượng hàng thịt lợn nhập khẩu; Ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn qua biên giới; Theo dõi, giám sát chặt chẽ giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi theo quy định pháp luật về giá.
Bitcoin ‘bốc đầu’, nhà đầu tư ‘nóng mặt’
Theo đó, lúc 6h00 trên sàn Bitstamp, Bitcoin giao dịch mức 9.345 USD, tăng 5,6% so 24 giờ trước, tức mỗi đồng coin thêm 522 USD.
Trong 24 giờ qua, Bitcoin giao dịch trong khoảng 8.787 – 9.416 USD, theo ghi nhận của CoinDesk.
Theo Coinmarketcap, khối lượng tiền ảo giao dịch trong thời gian trên là 45,2 tỷ USD, vốn hóa thị trường đứng mức 170 tỷ USD, tăng gần 8 tỷ USD so cùng thời điểm hôm qua.
Bitcoin tăng trưởng liên tiếp trong vài ngày qua, song tâm lý thị trường vẫn còn xáo động. Dữ liệu thống kê cho thấy, đợt tăng giá gần đây nhất đưa Bitcoin trở lại cột mốc 10.000 USD, số lượng nhà mua lẻ không nhiều. Điều này khác với thời điểm Bitcoin lên đỉnh 20.000 USD – cao nhất mọi thời đại – hồi 12/2017. Khi đó, thị trường được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo nhà giao dịch Tyler D. Coates, chưa thể kỳ vọng thị trường sẽ đi lên mạnh mẽ thời điểm hiện tại dù vẫn còn những dấu hiệu tích cực.
Giá Bitcoin tại Việt Nam lúc 6h30 sáng 14/5 là 215 triệu đồng, tăng 6,5%.
Phiên 14/5: Khối ngoại mua ròng đột biến hơn 2.500 tỷ đồng, tập trung “gom” MSN
Phiên giao dịch 14/5 khép lại với sắc đỏ hiện diện trên cả 3 chỉ số. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 1,81 điểm (0,22%) xuống 832,4 điểm; HNX-Index giảm 0,46% xuống 111,34 điểm và UPCom-Index giảm 0,52% xuống 53,45 điểm.
Điểm tích cực trong phiên đến từ giao dịch khối ngoại khi họ mua ròng khá mạnh với tổng giá trị 2.560 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, riêng MSN được mua thỏa thuận 2.476 tỷ đồng và chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua thỏa thuận 136,2 tỷ đồng. Nếu loại đi 2 giao dịch thỏa thuận đột biến này thì nhìn chung giao dịch khối ngoại khá cân bằng.
Trên HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị lên tới 2.597 tỷ đồng. Trên UPCom, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp với 675 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 21,21 tỷ đồng.
Giá vàng, tin Giá vàng mới nhất hôm nay 14/5
Giá vàng hôm nay, giá vàng thế giới hôm nay cao hơn mức 1.708 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.715 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay, giá vàng trong nước chốt phiên ngày 13/5 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 khoảng 100 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Giá vàng SJC được Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 48,03 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,23 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC được công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 48,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,42 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doanh nghiệp xù hợp đồng gạo dự trữ quốc gia tiếp tục đi đấu thầu
Ngày 14-5, ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) đã thông tin với báo chí một số nội dung về việc mở thầu đợt 2 gói thầu mua 182.300 tấn gạo dự trữ, sau khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) "xù" hợp đồng ở đợt 1.
Theo ông Lê Văn Thời, quy định hiện hành của Luật giá và Luật dự trữ quốc gia thì khi xác định giá để thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia phải căn cứ vào thời điểm định giá. Tại thời điểm định giá, căn cứ vào thị trường cung cầu hàng hóa, chất lượng hàng hóa và giá thị trường tại thời điểm định giá để quy định mức giá.
"Để mua đủ số lượng gạo nhập kho dự trữ quốc gia theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổ chức đấu thầu lại và mở thầu vào ngày 12-5"- ông Thời nhấn mạnh.
Theo đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước, thời điểm hiện nay, do dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhu cầu gạo cho xuất khẩu tăng cao. Do đó, các DN đẩy mạnh gom hàng phục vụ xuất khẩu trong khi nguồn cung gạo Đông xuân đã vào cuối vụ thu hoạch không còn nhiều nên đã kéo giá gạo trên thị trường tăng cao, gạo tẻ 15% tấm ở mức khoảng 10.300 - 10.500 đồng/kg.
Theo quy định của Luật giá, Luật Dự trữ Quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành và gạo mua nhập kho dự trữ là mặt hàng lương thực mang tính thời vụ; giá gạo phụ thuộc nhiều vào tình hình cung cầu trên thị trường và thời vụ thu hoạch.
Cho nên, để đảm bảo việc quy định giá sát giá thị trường tại thời điểm và đảm bảo phải quy định trước thời điểm mở thầu, trên cơ sở kết quả thẩm định của Cục Quản lý giá về phương án giá của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính đã quyết định giá mua tối đa.
Trên cơ sở đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định giá gói thầu cho từng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực bằng với mức giá mua tối đa được Bộ Tài chính quy định, đồng thời gửi các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực để kịp tổ chức mở thầu vào ngày 12-5.
Ông Lê Văn Thời cho biết thêm, theo báo cáo nhanh của các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, đến 10 giờ ngày 12-5, 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã tổ chức mở thầu các gói thầu đã đủ điều kiện để mở thầu theo qui định của pháp luật.
Trong đó có nhiều DN đã từ chối không ký hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia đợt I vừa qua cũng tham gia đấu thầu lần này, vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định nào cấm họ không được tham gia dự thầu.
Để khắc phục tình trạng các nhà thầu tham gia đấu thầu khi đã trúng thầu rồi lại bỏ thầu như lần trước, ông Lê Văn Thời cho biết Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia thầu, mức bảo lãnh dự thầu đã được nâng lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu bằng mức tối đa pháp luật đã quy định.