Tin mới

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 10/4/2018

Thứ ba, 10/04/2018, 11:02 (GMT+7)

Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 10/4/2018.

Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 10/4/2018.

Đang làm rõ vụ xã “ém”100 triệu bồi thường Formosa đi du lịch

Sáng ngày 10/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Đạt – Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: Địa phương đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Hữu Hoài về việc làm rõ thông tin UBND xã Cảnh Dương chi trả tiền đền bù sự cố môi trường biển sai quy định và thiếu minh bạch.

“Ngay sau đó, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra toàn diện quá trình chi trả tiền đền bù sự cố môi trường ở xã Cảnh Dương. Hiện đoàn kiểm tra vẫn đang làm việc, vì liên quan đến tài chính và để đảm bảo chính xác, khách quan, thời gian kiểm tra có thể kéo dài. Sau khi có kết quả, UBND huyện sẽ báo cáo với UBND tỉnh và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tinh thần của huyện là kiểm tra một cách chính xác, nghiêm túc; không bao che cho sai phạm của địa phương”, ông Đạt nói.

Trụ sở UBND xã Cảnh Dương - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh NĐT

Được biết, sau sự cố môi trường biển Formosa năm 2016, toàn xã Cảnh Dương có 9/9 thôn bị thiệt hại nặng nề, với 7.322 đối tượng được phê duyệt đền bù.

Đây cũng là 1 trong 14 xã của huyện Quảng Trạch được chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch ký Quyết định số 2560/QĐ-UBND về việc: "Cấp kinh phí phục vụ công tác quản lý, ổn định tình hình, thống kê, thẩm định chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển".

Theo đó, huyện Quảng Trạch hỗ trợ 264 triệu đồng/xã, 51 triệu đồng/thôn; ngoài ra còn hỗ trợ tăng thêm ngoài định mức theo đối tượng. Được biết, tổng kinh phí huyện này hỗ trợ cho xã Cảnh Dương là 1,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi nhận tiền về, UBND xã Cảnh Dương lại không công khai các thông tin về số tiền hỗ trợ để các cán bộ thôn được rõ và công tác chi trả tiền hỗ trợ cho các thôn cũng không đầy đủ. Nghiêm trọng hơn, UBND xã tự ý trích lại một phần tiền hỗ trợ để chi cho trang trí cổng làng hết 50 triệu đồng, sửa máy photocopy của xã, may quần áo tặng cán bộ thôn. Đặc biệt, xã đã “ém” hơn 100 triệu đồng để dự kiến cho các cán bộ nằm trong ban Kiểm kê đền bù sự cố Formosa đi du lịch. Chính những việc làm thiếu minh bạch và trái quy định này đã khiến nhiều người dân bức xúc.

Ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương đã thừa nhận sai phạm và hứa sẽ hoàn trả lại số tiền được cấp cho thôn, xã theo đúng quy định.

Kỳ lạ giếng nước bất ngờ chứa đầy dầu hỏa ở Hà Tĩnh

Giếng nước của gia đình anh Nguyễn Xuân Hải (thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) là bị ảnh hưởng lớn nhất. 

Ngày 9/4, trao đổi với Infonet, anh Hải cho biết, cách đây 4 ngày khi gia đình sử dụng nguồn nước sinh hoạt bơm từ giếng lên thì ngửi thấy mùi dầu hỏa nồng nặc. Sau đó, anh Hải mở nắp giếng, dùng gàu múc nước từ giếng đổ ra chậu thì phát hiện trong nước có nhiều váng dầu hỏa. Vợ chồng anh Hải châm lửa thì nước trong chậu bốc cháy rất mạnh.

Giếng nước nhiễm dầu ở một hộ dân tại Hà Tĩnh. Ảnh VNE

Chị Hiền (vợ anh Hải) cho biết, giếng có độ sâu 9m, được gia đình sử dụng đã 12 năm nay. Theo chị Hiền, 6 hộ dân xung quanh cũng có giếng nước sinh hoạt bị nhiễm dầu, nhưng giếng nhà chị là bị nặng nhất. Khi biết hiện tượng kỳ lạ này nhiều người dân đã kéo tới xem thậm chí xin dầu hỏa về để sử dụng.

Nhưng người dân khu vực nghi ngờ nguồn dầu hỏa này rò rỉ từ bể chứa dầu ở bãi tập kết tại mỏ đá thạch cao của Công ty TNHH Việt Lào (Vilaco) thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh.

“Chúng tôi nghi ngờ có thể téc dầu của công ty này bị rò rỉ, bởi nó được xây dựng khá lâu và chỉ cách nhà dân chừng vài trăm mét. Chúng tôi thực sự rất hoang mang, lo lắng”, anh Trần Văn Long (xã Hương Trạch) lo lắng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Cao Viết Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết, đã nhận được phản ảnh của người dân.

“Nguyên nhân có thể là trước đây có một hệ thống ống dẫn dầu đi qua địa bàn xã bị hoen rỉ, dầu rò rỉ ra ngoài. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh”, ông Hòa cho biết.

Liên quan đến nghi vấn của người dân về việc téc dầu của Công ty TNHH Việt Lào bị rò rỉ, ông Võ Kim Hà, quản lý công ty cho biết, đơn vị có một téc dầu nhưng từ nhiều năm nay không sử dụng.

“Téc dầu được xây dựng từ năm 2013, được chôn dưới độ sâu 2,5m, sử dụng vài năm thì ngừng lại. Đến nay cũng không biết có bao nhiêu lượng dầu ở trong téc nữa. Sắp tới sẽ cho đào lên để kiểm tra xem có bị rò rỉ hay không”, ông Hà nói.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Kiểm lâm bàn giao 2 cây "quái thú" cho chủ nhân

Sáng 9/4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn- Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã bàn giao 2 trong 3 cây cổ thụ quá khổ, quá tải cho ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

“Sau khi xem xét hồ sơ của chủ cây cung cấp và xác minh từ kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi đã bàn giao hai cây cổ thụ cho chủ cây chăm sóc, một cây khác vẫn đang tạm giữ để chờ xác minh thêm”, ông Tuấn nói.

Đại tá Phan Văn Minh, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã làm việc với tài xế và chủ xe chở ba cây cổ thụ là công ty Hải Sơn (Quảng Bình).

Kiểm lâm bàn giao 2 cây "quái thú" cho chủ nhân. Ảnh LĐO

 

"Khi ba cây cổ thụ được xác định rõ nguồn gốc, chủ cây muốn vận chuyển tiếp thì phải có giấy phép chở hàng quá khổ, quá tải hoặc các cây phải cắt tỉa theo khổ xe, chở đúng quy định", ông Minh nói.

Như tin tức đã đưa, ngày 4/4, ông Kiều Văn Chương đã mang 3 bộ hồ sơ của 3 cây cổ thụ đến làm việc với cơ quan chức năng. 

Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã tiến hành xác minh về nguồn gốc cây cảnh và trình tự xác nhận lâm sản tại địa phương.

Cụ thể, xe biển số 73C-02148 và rơ móoc biển số 73R-00382 chở cây đa sộp của ông Phạm Đình Thướng (ngụ xã Ea Pil, huyện M'Đrăk). Cây được UBND xã Ea Pil xác nhận nguồn gốc để vận chuyển vào ngày 23/3.

Xe biển số 73C-04605 và rơ móoc 73R-00201 chở cây đa sộp, có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của ông Y Nô Byă (ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

Cây được đại diện Hạt kiểm lâm Krông Ana, UBND thị trấn Buôn Trấp, xác minh thực tế nguồn gốc để vận chuyển vào ngày 22/3.

Còn đối với hồ sơ nguồn gốc lâm sản trên xe biển số 73C-02880, gồm: Đơn vận chuyển; bản đăng ký khai thác; đơn đề nghị xác nhận cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ (đều ghi ngày 23/3/2018) của bà H'Yô Na Buôn Yă (ngụ xã Ea Hồ, huyện Krông Năng). Hồ sơ được bà H'Phi La Niê, Phó chủ tịch xã Ea Hồ ký xác nhận ngày 23/3.

Tuy nhiên, qua làm việc với cơ quan chức năng bà H'Yô Na cho biết bà không ký vào bất cứ đơn xin khai thác hoặc vận chuyển cây nào. Ngoài ra, bà H'Yô Na khẳng định trên rẫy của bà không có bất kỳ cây đa sộp.

Như vậy chỉ có 2 cây đa có nguồn gốc hợp lệ.

Vụ ông Phan Văn Vĩnh: Công an bắt giữ thêm 4 lãnh đạo công ty

Theo thông tin trên VnExpress, Pháp luật TP HCM, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục bắt bốn bị can trong đường dây đánh bạc qua mạng có sự liên quan của hai cựu quan chức ngành công an.

Các bị can Châu Nguyên Anh (39 tuổi); Phạm Quang Minh (33 tuổi) bị khởi tố về tội Tổ chức đánh bạc và Mua bán trái phép hóa đơn. Hai bị can còn lại là Nguyễn Đình Chiến (42 tuổi), Lê Anh Tuấn (34 tuổi) bị khởi tố tội Mua bán trái phép hóa đơn nhằm hợp thức hoá nhiều khoản tiền trong đường dây đánh bạc do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương điều hành.

Bị can Châu Nguyên Anh (trái) và Phạm Quang Minh ẢNH: BỘ CÔNG AN CUNG CẤP

Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã thực hiện các lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của những bị can trên để thu giữ tài liệu, đồ vật, phương tiện điện tử và dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ án.

Như vậy đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 88 người, bắt giam hơn 40 người liên quan đường dây đánh bạc về các tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán hóa đơn trái phép; Rửa tiền và Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trong số các bị can này có ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao C50.

Theo Bộ Công an, đường dây đánh bạc trực tuyến thông qua hai cổng game Rikvip và Tip.club này đã thu hút gần 43 triệu tài khoản, trung bình mỗi người ba tài khoản, tương đương trên 14 triệu người tham gia các trò chơi trên hệ thống game trực tuyến.

"Đây là mạng lưới trò chơi cờ bạc trá hình có quy mô và Doanh thu lớn nhất Việt Nam", theo kết luận của cơ quan điều tra nêu.

Tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583 tỷ đồng. Trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỷ đồng, chiếm 1,75%.

Ca sĩ Lệ Quyên lên tiếng về vụ nghi lừa 15.000 tỉ đồng tiền ảo

Liên quan tới vụ 32.000 người Việt sập bẫy lừa đảo 15.000 tỷ đồng tiền ảo, đại diện truyền thông của ca sĩ Lệ Quyên vừa có thông báo trên Fanpage của ca sĩ này khẳng định "chưa bao giờ có bất kỳ một hợp đồng, thỏa thuận nào với công ty này".

Cụ thể thông báo viết: "Đa cấp giờ đã biến tướng kinh khủng nhỉ. Thành hệ thống đa cấp đầu tư tiền ảo rồi. Tội người dân, vì tham, vì thiếu hiểu biết, vì nghe lời ngon ngọt... Haizzz mình k bao giờ tham gia vào đa cấp là vậy!

Sáng hôm nay, có một số báo chí đưa tin về việc một cty sử dụng hình ảnh và thông tin của Lệ Quyên để đi lừa đảo.

Phía chúng tôi - đại diện truyền thông của cs Lệ Quyên xin khẳng định chưa bao giờ có bất kỳ một hợp đồng, thỏa thuận nào với cty này. Vì vậy, kính mong quý báo chí sẽ lưu tâm. Và hy vọng những khán giả của Lệ Quyên luôn sáng suốt, tỉnh táo khi những cty mang tiếng của nghệ sĩ ra để kêu gọi tham gia, đầu tư.

Trong trường hợp nếu như phía cty sử dụng hình ảnh của Lệ Quyên đi lừa đảo, phía chúng tôi sẽ liên hệ với luật sư khi cần và nhờ sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ hình ảnh của mình.

Xin chân thành cảm ơn."

Lệ Quyên lên tiếng về vụ nghi lừa 15.000 tỉ đồng tiền ảo

Trước đó, Dân Trí, Pháp luật TP.HCM, đã đưa tin, ngày 8/4,  hàng chục người dân sinh sống tại TPHCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương đã tập trung về trụ sở Công ty Cổ phần M.T (Quận 1) để phản ánh về tình trạng "lừa đảo" của công ty. Theo những người tham gia phản ánh thì Công ty M.T đã dụ dỗ khoảng 32.000 người tham gia vào đồng tiền ảo iFan với số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng.

Để dụ dỗ người dùng tham gia, công ty hứa hẹn sẽ trả lãi lên tới 48% trong thời gian ngắn. Dự án này hứa hẹn người đầu tư sẽ thu về trên 48% mỗi tháng bằng một ứng dụng di động tự xưng "ứng dụng công nghệ blockchain 4.0", giúp quản lý thu nhập các nghệ sĩ trong showbiz Việt Nam.

Ifan đã có những quảng cáo trên trang thông tin của mình để chiêu du khách hàng như sau: "Hiện tại ứng dụng đã xây dựng xong và đang triển khai, V-FAN đã có ứng dụng của Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng các bạn có thể tải trên Android và iOS. Bạn nghĩ sao nếu các ca sĩ kêu gọi Fan mình tải ứng dụng. Bạn có thể sử dụng iFan để thanh toán trực tuyến mua vé biểu diễn nhạc, phim, thanh toán khi xem các video.... của các ca sĩ, diễn viên", bài viết đăng tải kêu gọi mua 1,6 triệu đồng tiền iFan với giá 0,8 USD/đồng đăng tải trên Facebook iFancoin.

Bên cạnh đó, iFan cũng chạy bài quảng cáo trên một tờ báo lớn để củng cố lòng tin của người dân về dự án của mình. 

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news