Mức giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2015 thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014.
Thông tin trên được đề cập trong Báo cáo Tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ cuộc họp ngày 8/12 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi.
Theo báo cáo, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay.
Ảnh minh họa: Internet |
Cụ thể tổng giá trị các hiệp định ký kết năm 2013 là 6,601 tỷ USD; năm 2014 giảm xuống còn 4,379 tỷ USD. Song năm 2015 dự kiến hạ xuống 3,313 tỷ USD (trong đó 6 tháng đầu năm 2015 là 1.590 tỷ USD).
Như vậy, vốn ODA cho Việt Nam năm 2015 có thể giảm 1 nửa so với năm 2013.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá đây là xu thế chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010 đồng thời phù hợp với Chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đảm bảo nợ công bền vững.
Cũng theo báo cáo trên, có 23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi trong Danh sách dự án chậm tiến độ năm 2015. Trong đó, có 14 dự án cần tiếp tục được giám sát thường xuyên, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị.
Nguyên nhân gây chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu vẫn là vướng mắc về quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ và do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời, công tác giải phóng mặt bằng...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoại trừ dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TPHMC, tuyến Bến Thành – Suối Tiên tiến độ thực hiện đã có cải thiện, 4/6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TPHCM đều bị chậm trễ nghiêm trọng.
Nam Nam