Tin mới

Tình yêu và ký ức Trường Sa của người lính quân y

Thứ tư, 29/07/2015, 09:25 (GMT+7)

Tháng 3/2005, PGS.TS.BS Mai Văn Viện nhận nhiệm vụ công tác tại quần đảo Trường Sa, trên cương vị Chủ nhiệm Quân y đảo Nam Yết, Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân...

Tháng 3/2005, PGS.TS.BS Mai Văn Viện nhận nhiệm vụ công tác tại quần đảo Trường Sa, trên cương vị Chủ nhiệm Quân y đảo Nam Yết, Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân...

Không chỉ làm công tác khám chữa bệnh đảm bảo sức khỏe cho cán bộ chiến sỹ trên đảo, tổ quân y của ông còn tiếp nhận cấp cứu thành công nhiều tình huống tai nạn phức tạp của ngư dân trên các tàu đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, lần cấp cứu nhiều nạn nhân bị thương nặng cùng một lúc trên tàu QNg95645, tất cả bệnh nhân đều được cứu chữa kịp thời và an toàn trở về đất liền khiến ông nhớ mãi.

Phẫu thuật 7 giờ liền trong đêm

Trò chuyện với PV báo Người đưa tin về chuyện đời, chuyện nghề, PGS.TS Mai Văn Viện cho hay: “Tôi đến với nghề Y là do chữ duyên, duyên thật sự bởi lẽ nghề mà tôi yêu thích khi còn là cậu học sinh trung học là Mỹ thuật. Tuy nhiên, khi tôi học xong cấp III, với lực học giỏi, tôi được tuyển thẳng vào Học viện Quân Y. Thế rồi, tôi yêu nghề, nghề yêu tôi. Càng học và nghiên cứu tôi càng thấy thú vị mỗi khi công trình nghiên cứu của mình được công nhận và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, có hiệu quả trong điều trị cho người bệnh”.

Đại tá, PGS.TS Mai Văn Viện.

Khi được hỏi về những kỷ niệm sâu sắc trong nghề nghiệp của mình, PGS. Viện thổ lộ: “Nói đến kỷ niệm trong điều trị, cứu chữa bệnh nhân thì nhiều. Tuy nhiên, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi đó là năm 2005 (cách đây tròn 10 năm) tôi cùng hai y sỹ của bệnh viện 103 là Nguyễn Hữu Chiến và Trần Đình Hà, nhận nhiệm vụ công tác ngoài quần đảo Trường Sa, cụ thể là đảo Nam Yết, với vai trò là tổ trưởng tổ Quân y, Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân. Đây là nhiệm vụ cấp trên giao cho chúng tôi, không chỉ làm công tác cứu chữa cho các chiến sỹ trên đảo mà chúng tôi còn có trách nhiệm cùng tham gia bảo vệ chủ quyền quần đảo này.

Ngày 29/3/2006, tôi nhận điện trực tiếp của quân y Lữ đoàn 146 và sau đó là của vùng 4 Hải quân với nội dung: “Chuẩn bị tinh thần cấp cứu một tàu đánh cá của dân có 5-6 người bị thương nặng do một người bị loạn thần đâm chém các thuyền viên trên tàu” (sau đó người này đã nhảy xuống biển tự vẫn). Ngay sau đó tôi đã tổ chức triển khai cho anh em chuẩn bị kiểm tra hấp dụng cụ phẫu thuật, vệ sinh nơi bố trí phẫu thuật, kiểm tra máy phát điện.

Sau khoảng gần hai giờ các công việc hoàn tất, cả kíp sẵn sàng chờ đợi cấp cứu nạn nhân. Khi đó tàu bị nạn vẫn còn cách đảo 60 hải lý, mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng tâm trạng của tôi cũng như hai y sỹ rất lo lắng trước tình huống như vậy.

12h40 đêm hôm đó tàu tới đảo (phải đi gần một ngày đường mới tới nơi tàu bị nạn). Toàn bộ chiến sỹ trên đảo và ê kíp của chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận các nạn nhân, họ đều trong tình trạng rất mệt mỏi, bơ phờ, người nào cũng máu me bê bết, người băng đầu, người băng tay, người băng bụng,...

Trước tình hình đó, tôi tổ chức triển khai ngay cho hai đồng chí y sỹ, một người phụ thay băng, đánh giá phân loại tổn thương, y sỹ còn lại chuẩn bị dụng cụ thuốc men cho phẫu thuật cấp cứu và tôi nhận nhiệm vụ bác sỹ mổ chính.

Ca mổ đầu tiên được tiến hành là bệnh nhân bị vết thương cắt ngang qua các xương bàn chân khớp ngón chân, tay, lộ xương, khớp, các đầu xương trung tâm trồi ra ngoài,... bệnh nhân được cắt lọc kiểm tra vết thương, kết xương, khâu nối các gân duỗi. Ca thứ hai là vết thương bụng vùng trên mào chậu phải, ba ca tiếp theo là ba trường hợp vết thương vùng sọ não, ca thứ sáu là trường hợp vết thương vùng cằm,... tới 7h30 sáng hôm sau ca mổ cuối cùng mới được xử lý xong.

Mổ liền trong 7 giờ đồng hồ cho bệnh nhân, ba anh em tuy thấm mệt, nhưng đều chung một niềm vui vì đã làm được một việc vượt quá sức với điều kiện ở đảo xa. Sau khi hoàn tất kíp mổ dài, cả 6 nạn nhân đều an toàn trong sự vui mừng của anh em chiến sỹ trên đảo. Lúc đó, không khí ở đây như một gia đình lớn, một ngày mới đến với hòn đảo nhỏ thật ý nghĩa, không chỉ ba chúng tôi mà tất cả các cán bộ chiến sỹ đều có chung một niềm vui.

Sau sự kiện cấp cứu ngư dân trên tàu QNg95645, ba anh em chúng tôi được Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tặng bằng khen của bộ Tổng tham mưu bộ Quốc phòng. Đó là những kỷ niệm mà tôi ghi nhớ trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình”.

Ngoài lĩnh vực chuyên môn, PGS.TS Mai Văn Viện còn tích cực cùng cán bộ chiến sỹ trên đảo trồng rau tăng gia sản xuất, tham gia văn nghệ để động viên khích lệ chiến sỹ gìn giữ biển đảo như phần máu thịt của mình. “Sau sự kiện cấp cứu ngư dân trên biển, tôi cảm nhận sâu sắc tình quân dân, đây là nguồn động lực tạo thành sức mạnh góp phần gìn giữ biển đảo quê hương. Dù chỉ thời gian một năm được sống và sinh hoạt với những cán bộ chiến sỹ trên đảo, tôi và các đồng đội đều cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm đối với hòn đảo thật thiêng liêng”, PGS. Viện chia sẻ thêm.

 

Nghị lực của cậu học trò nghèo

Trong suốt buổi trò chuyện với PV, PGS.TS Mai Văn Viện luôn đưa ra những câu chuyện rất dí dỏm khiến cuộc trao đổi của chúng tôi trở nên rất thú vị. Sau phút hào hứng, nét mặt ông thoáng buồn, ký ức một thời khó khăn gian khó chợt ùa về. Ông nhớ lại: “Khi tôi còn là cậu học trò cấp hai, thời điểm đó, đất nước còn nhiều khó khăn và gia đình tôi không phải là ngoại lệ. Tôi đã phải nghỉ học hai năm để đi phu hồ đỡ đần cha mẹ. Nhưng vốn là người có năng khiếu về mỹ thuật nên tôi được thợ cả phân công làm về “mỹ thuật” nhiều hơn là chân tay. Cụ thể, tôi được giao nhiệm vụ cắt gạch hoặc đổ hình cửa có họa tiết hoa văn mà những mẫu đó là ý tưởng của tôi”, ông Viện chia sẻ.

Khó khăn gian khổ, nhưng không ngăn cản được nghị lực của cậu học trò nghèo, để rồi, từ ý chí ấy, ông đã vươn lên và trở thành một học sinh giỏi xuất sắc. Năm 1982 ông được tuyển thẳng vào Học viện Quân y, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy.

Cậu học trò nghèo năm nào, nay đã trở thành một bác sỹ giỏi, một thầy giáo tâm huyết và một nhà khoa học tài ba, những công trình nghiên cứu khoa học của ông đã đóng góp lớn cho sự nghiệp Y học nước nhà. Đằng sau sự thành công của người chồng là sự đóng góp, sẻ chia của người vợ. Được biết vợ của PGS. Mai Văn Viện cũng là một tiến sỹ Y khoa, chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình, viện Bỏng Quốc gia Hà Nội.

 

Được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư Y khoa

Năm 2006, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Trường Sa, ông trở về tiếp tục công tác tại bộ môn, khoa Phẫu thuật lồng ngực tim mạch và nội tiết, bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y.

Năm 2011, với những thành tích đạt được trong điều trị, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, ông vinh dự được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư.

Từ tháng 10/2013, ông được điều chuyển về bộ môn ngoại dã chiến bệnh viện Quân y 103, đảm nhận cương vị Chủ nhiệm Bộ môn.

   

Lương Liễu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news