Tin mới

Bi tráng Hải chiến Hoàng Sa 1974

Thứ sáu, 17/01/2014, 14:34 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. 40 năm qua, Việt Nam thu thập đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử để khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam sẽ đòi lại quần đảo này bằng biện pháp hòa bình.>>Đưa sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa vào SGK>> Nuôi chí giành lại Hoàng Sa 

(Tinmoi.vn) Ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. 40 năm qua, Việt Nam thu thập đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử để khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam sẽ đòi lại quần đảo này bằng biện pháp hòa bình.

Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa sau một tuần nhận xằng

Diễn biến được coi là châm ngòi trận hải chiến vào ngày 11/1/1974, khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa cùng với việc phái hàng chục tàu đánh cá võ trang và tàu chiến xâm nhập hải phận Hoàng Sa. Từ thời điểm này, liên tục có những diễn biến căng thẳng cả trên thực địa lẫn mặt trận ngoại giao đến khi cuộc nổ súng bắt đầu.

Bất bình trước hành động ngang ngược từ Trung Quốc, một hôm sau (ngày 12/1/1974), ngoại trưởng Việt Nam cộng hòa Vương Văn Bắc đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố ngang ngược và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Quốc. Đồng thời, Bộ tư lệnh hải quân VNCH khẩn cấp tăng cường chiến hạm tuần tiễu tại vùng biển Hoàng Sa. 

Ngày 15/1/1974, Hải quân Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam khi đổ bộ chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Cam Tuyền.

Cụ thể, 10h ngày 15/1/1974 khi HQ16 đi tuần tiễu phát hiện trên đảo Cam Tuyền cắm cờ Trung Quốc và gần đó là một tàu đánh cá Trung Quốc màu xanh xám, mang tên Nam Ngư, số 402, có đại bác 25 ly. Tàu HQ16 đã dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc rời đảo nhưng tàu này không trả lời. Chiều cùng ngày, tàu Trung Quốc mới rời khỏi đảo.

Toàn cảnh hải chiến hoàng sa 1974

Tàu HQ-16 trong ngày trở về sau Hải chiến Hoàng Sa - Ảnh: Tư liệu

Ngày 16/1/1974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc gửi công hàm cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để lưu ý tình hình căng thẳng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, xảy ra bởi lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Sáng sớm hôm đó, HQ16 đi tuần và phát hiện trên đảo Quang Hòa có chòi canh, vọng gác cao gắn cờ Trung Quốc cùng một chiến hạm Trung Quốc di chuyển quanh đảo. HQ16 yêu cầu tàu này rút lui nhưng không có tín hiệu trả lời. Đảo Duy Mộng không có người nhưng có hai tàu nhỏ của Trung Quốc ở gần bờ.

Trưa 16/1, HQ16 đưa 16 nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc để thám sát, phát hiện có mộ và bia đã đề chữ Hán. Lúc 15h35, HQ16 ghi nhận tại Tây Nam đảo Cam Tuyền có hai tàu đánh cá Trung Quốc được vũ trang đại bác 25 ly, mang số 402 và 407.
Ngày 17/1/1974, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa gửi công hàm cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị ban bố mọi biện pháp thích hợp để cải thiện tình hình. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đưa thêm tàu vào khu vực các đảo, bất chấp quy tắc hàng hải quốc tế uy hiếp, ép các chiến hạm Việt Nam Cộng hòa rút lui. 

Đêm 17 rạng 18/1/1974 là đêm căng thẳng với hải quân Việt Nam khi phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích. Các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ16 dùng tín hiệu cảnh cáo: “Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay!”. Phía Trung Quốc đáp trả rằng Hoàng Sa là của họ!

Chiều ngày 18/1/1974, hải đoàn gồm HQ4, HQ5, HQ16 tiến về Quang Hòa nhưng đã bị hai tàu Trung Quốc chặn đường, Hải đoàn phải trở về phía Nam đảo Hoàng Sa, tiếp tục theo dõi chiến hạm Trung Quốc. Tối hôm đó, hải quân Việt Nam phát hiện thêm hai chiến hạm Trung Quốc vào khu vực đảo.

Ngày 19/1/1974 , đúng 10h25 phút, đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung Quốc nhằm tái chiếm Hoàng Sa. Hải pháo hai bên nã đạn trực tiếp không ngừng.

Trận chiến Hoàng Sa diễn ra chủ yếu trong lòng của vùng đảo Nguyệt Thiềm, chiến hạm Trung Quốc nhỏ, nằm sát mặt nước nên rất khó bắn trúng, đồng thời dễ dàng nâng cao độ của hải pháo, tạo thế tấn công hữu hiệu. 

Hải pháo của chiến hạm Việt Nam Cộng hòa nằm trên cao so với hải pháo Trung Quốc nên khó xoay trở ở cự ly gần. Hơn nữa, khi Mỹ chuyển giao các chiến hạm cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa, các trang bị tối tân đã bị tháo gỡ hoặc không còn sử dụng được. 

11h10, ba chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa buộc phải rút khi lực lượng tăng viện Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc nhập vùng. 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ16 bị kẹt lại đảo Vĩnh Lạc, 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ4 bị kẹt lại Cam Tuyền, các đảo của Việt Nam chỉ còn lực lượng quân đội trú phòng vệ, không còn hải pháo yểm trợ. Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc. 

Sẽ đòi lại Hoàng Sa bằng hòa bình

 40 năm qua, toàn dân Việt Nam luôn canh cánh, nung nấu quyết tâm đòi lại Hoàng Sa, toàn vẹn lãnh thổ. Các nhà nghiên cứu vào cuộc, hàng trăm bản đồ, tư liệu, cổ vật được tạp hợp, đủ bằng chứng để khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Toàn cảnh hải chiến hoàng sa 1974

Các bạn trẻ Lý Sơn (Quảng Ngãi) tìm hiểu các hiện vật về Hoàng Sa tại Bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn. Ảnh Tuổi trẻ

Ngay từ khi Hoàng Sa vẫn còn bị cho là “vấn đề nhạy cảm”, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng cần thực hiện chiến lược 3C: Công khai - Công luận - Công pháp đối với tranh chấp biển Đông. 

Chiến lược này được diễn giải sơ lược: trước hết, cần công khai hiện trạng tranh chấp biển Đông nói chung và Hoàng Sa bị cưỡng chiếm nói riêng, đồng thời công khai lập trường của các bên, công khai các sự kiện nghiêm trọng xảy ra cho toàn dân biết.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XIII,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước Quốc hội:  Việt Nam có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam sẽ đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

Từ đây, báo chí - truyền thông Việt Nam nhắc lại liên tục, thường xuyên vấn đề đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình để “thông điệp” này đến được với mọi người dân, để toàn dân góp sức. Dư luận nhận định, trong cuộc đấu tranh này, vũ khí hòa bình nhưng sắc bén là công pháp, tức luật pháp quốc tế, các án lệ, Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông...

Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) cho rằng, Việt Nam cần tuyên truyền những tài liệu, chứng cứ lịch sử cho cả người Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa phải được đưa ra quốc tế, giải quyết bằng hòa bình. 

Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, bản chất của sự việc này là Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và khi đó, những người lính Việt Nam cộng hòa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đất thiêng của tổ quốc. 
Bình luận về phương án đòi lại bằng hòa bình, tướng Cương cho rằng, phương thức này là đúng đắn nhưng khó hy vọng thành công. Vì thế “nếu phương án này không thành công, chúng ta phải nhờ đến bên thứ ba có uy tín làm trung gian hòa giải. Cao hơn nữa là dùng đến các định chế quốc tế, cao nhất là nhờ Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp. Cuối cùng không được thì kéo nhau ra tòa án tư pháp quốc tế mà ở đây là Tòa án tư pháp quốc tế La Haye và Tòa án công lý quốc tế luật biển”, ông Cương nói.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news