Tin mới

Toàn cảnh lưới lửa phòng không quy mô hàng đầu khu vực của VN

Thứ hai, 16/06/2014, 15:28 (GMT+7)

Lực lượng phòng không VN được trang bị nhiều hệ thống tên lửa đánh chặn với tầm bắn khác nhau, đủ sức tiêu diệt mọi mục tiêu có ý định xâm phạm bầu trời Tổ quốc.

 

 

Lực lượng phòng không VN được trang bị nhiều hệ thống tên lửa đánh chặn với tầm bắn khác nhau, đủ sức tiêu diệt mọi mục tiêu có ý định xâm phạm bầu trời Tổ quốc.

Video: Bắn nghiệm thu hệ thống tên lửa phòng không cải tiến Pechora-2TM

 

 

1. S-75 Dvina (SA-2 Guideline)


S-75 Dvina (SA-2 Guideline) là tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) tầm trung-cao do Liên Xô chế tạo. Kể từ khi được triển khai lần đầu tiên vào năm 1957, nó đã trở thành một trong các loại tên lửa phòng không được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử. Tại Việt Nam, tổ hợp này thường được gọi với tên SAM-2.

SA-2 Guideline trở nên nổi tiếng lần đầu tiên khi một khẩu đội S-75 đã bắn hạ chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ khi đang do thám không phận Liên Xô vào năm 1960. Trong những năm tiếp theo, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sử dụng S-75 rộng rãi và hiệu quả trong chiến tranh để bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng. Tổ hợp này cũng được sản xuất tại Trung Quốc với tên gọi HQ-1 và HQ-2 (Hồng Kỳ 1 và Hồng Kỳ 2). Một số quốc gia khác cũng sản xuất rất nhiều biến thể của S-75.

S-75 Dvina là loại vũ khí phòng không được chế tạo để bảo vệ các mục tiêu như thành phố, các khu công nghiệp, khu dân cư lớn, các căn cứ quân sự, sở chỉ huy cố định và các yếu địa khác; vì vậy tính chất tác chiến chủ yếu của S-75 là cố định. Trận địa SA-2 cơ bản có hình lục giác đều với bán kính tới vài trăm mét nên dễ bị phát hiện từ trên không, sau này Việt Nam đã bỏ kiểu bố trí đó vì lý do trên.

Đạn tên lửa của hệ thống phòng không S-75 là V-750 gồm tầng động cơ khởi tốc sử dụng nhiên liệu rắn và tầng chiến đấu sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng. Thông số cơ bản: Dài 10,6m; đường kính 0,7m; trọng lượng phóng 2.300 kg; đầu đạn 200 kg HE; bán kính sát thương 65m; tầm bắn tối đa 50 km, trần bay 25 km.

Bắn tên lửa V-750 của hệ thống SA-2 Việt Nam. Nguồn: Quân đội nhân dân.

SA-2 hiện vẫn còn trong biên chế của quân đội một số nước trong đó có Việt Nam mặc dù đa phần các quốc gia khác đã loại biên hoặc hoán cải thành mục tiêu tập bắn cho các hệ thống phòng không hiện đại hơn.

SA-2 có nhược điểm là dùng nhiên liệu lỏng (gồm hai chất riêng biệt thường gọi là chất "O" và chất "Gh") cực kỳ độc hại, thường xuyên phải thay thế, tăng hạn mới có thể trực chiến lâu dài. Thêm vào đó, tên lửa V-750 có khả năng cơ động rất kém cùng với việc radar dẫn bắn FAN SONG và SPOON của nó rất dễ bị vô hiệu hóa khi gặp nhiễu khiến cho nhu cầu thay thế hệ thống lạc hậu này trở nên cấp thiết đối với lực lượng phòng không Việt Nam.

2. S-125 Neva/Pechora (SA-3 Goa)

S-125 Neva/Pechora (SA-3 Goa) là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô được thiết kế bởi Isayve OKB và đưa vào trang bị từ năm 1963 nhằm bổ sung cho S-25 và S-75, nó đã khắc phục nhược điểm của các hệ thống phòng không đời trước khi chuyển sang sử dụng nhiên liệu rắn khiến tên lửa gọn nhẹ hơn và có khả năng cơ động cao hơn. S-125 có phiên bản Hải quân được định danh SA-N-1.

Tên lửa V-600 của hệ thống S-125 gồm 2 phần: thân dưới là động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn thời gian hoạt động 2,6 giây, gắn 4 cánh lái hình chữ nhật có thể xoay 900; phần trên là động cơ hành trình nhiên liệu rắn có thời gian hoạt động 18,7 giây và đầu đạn, được gắn 4 cánh cố định và 4 cánh lái chuyển động được nhỏ hơn ở đầu. Tên lửa được điều khiển bằng sóng radio thông qua anten bố trí ở cánh lái sau phần thân.

Thông số cơ bản của tên lửa V-600: Dài 6,7m; đường kính 0,6m; trọng lượng phóng 400 kg; bán kính sát thương 12,5m; tầm bắn tối đa 35 km, trần bay 18 km.

Bắn nghiệm thu hệ thống S-125-2TM.

Các tài liệu lịch sử cho biết S-125 Pechora có thể đã được trang bị cho lực lượng phòng không Việt Nam từ năm 1970, tuy nhiên do một số nguyên nhân chưa xác định mà hệ thống này chưa thể tham gia chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Hiện nay, hệ thống S-125 Pechora của Việt Nam đã được các chuyên gia đến từ TETRAEDR của Belarus nâng cấp lên chuẩn Pechora-2TM với một số tính năng mới nhờ áp dụng công nghệ kỹ thuật số thay cho analog đã lạc hậu như tăng cự ly và độ cao phát hiện mục tiêu, tăng hiệu suất chiến đấu của tên lửa, giảm thời gian triển khai và thu hồi…đảm bảo đủ sức hoàn thành nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao.

3. 2K12 Kub (SA-6 Gainful)

2K12 Kub (SA-6 Gainful) là hệ thống phòng không di động tầm ngắn được đưa vào trang bị năm 1967, nó ra đời nhằm bổ sung cho 2K11 Krug (SA-4) khi 2 hệ thống này có rất nhiều điểm tương đồng với nhau. 2K11 có hiệu quả tiêu diệt các mục tiêu bay cao và có tầm bắn xa trong khi 2K12 tiêu diệt các mục tiêu bay thấp và trung bình có tầm bắn ngắn.

Được thiết kế với vai trò hệ thống phòng không chiến thuật chiến trường, chuyên đi theo bảo vệ đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới nên radar LONG TRACK, xe tiếp đạn và xe bệ phóng của SA-6 đều đặt trên khung xe kéo pháo bánh xích hạng nặng AT-T (đã được cải tiến) có tính việt dã rất cao. SA-6 có phiên bản Hải quân được định danh SA-N-3.

Sau khi đưa vào biên chế, SA-6 đã trải qua nhiều đợt hiện đại hóa với mục tiêu cải thiện các đặc tính chiến đấu (tầm bắn xa hơn, cải thiện khả năng tác chiến điện tử, giảm thời gian triển khai hoạt động). Một biến thể nâng cấp được chấp nhận năm 1973 với định danh Kub-M1 và từ năm 1974 đến 1976 hệ thống trải qua một đợt hiện đại hóa nữa, kết quả là cho ra đời biến thể Kub-M3.

Radar 1S91 của hệ thống Kub.

Hệ thống SA-6 sử dụng đài radar 1S91 (NATO: Straight Flush) có tầm hoạt động 75 km, bắt đầu chiếu mục tiêu và điều khiển tên lửa ở tầm 28 km. Tên lửa của SA-6 là 3M9 có chiều dài 5,8m; sải cánh 1,245m; đường kính 0,355m; trọng lượng phóng 599 kg mang theo đầu đạn HE nặng 59 kg; tầm bắn tối đa 28 km, trần bay 12 km; tốc độ Mach 2,8.

Theo rất nhiều báo cáo quân sự của nước ngoài trong đó có cả tạp chí Moscow Defence Brief đều đã xác nhận việc Việt Nam nhập khẩu hệ thống SA-6 từ giai đoạn đầu 1990. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một hình ảnh nào của hệ thống phòng không này tại Việt Nam.

4. 9K32 Strela-2 (SA-7 Grail)

9K32 Strela-2 (SA-7 Grail) là loại tên lửa đất đối không vác vai thế hệ đầu tiên của Liên Xô được dẫn hướng bởi đầu dò hồng ngoại bị động tương tự như FIM-43 Redeye của Mỹ, chính thức đưa vào trang bị từ năm 1968. Mặc có hạn chế về tầm bắn, tốc độ và độ cao nhưng Strela-2 tỏ ra rất hữu hiệu khi chống lại các mục tiêu như máy bay bay thấp hoặc trực thăng.

Strela-2 có hai phiên bản là: 9K32 Strela-2 (SA-7A) được đưa vào trang bị từ năm 1968, nhưng nó sớm được thay thế bằng phiên bản 9K32M Strela-2M (SA-7B) hiện đại hơn vào năm 1971. Phiên bản SA-7B có một số cải tiến như lắp hệ thống làm lạnh đầu dò hồng ngoại nhằm tránh việc tên lửa bị đánh lừa bởi mồi bẫy nhiệt do máy bay phóng ra. Phiên bản lắp đặt trên tàu Hải quân của SA-7 có tên gọi SA-N-5.

Ống phóng tên lửa 9K32/9K32M là loại 9P54/9P54M có chiều dài 1,47m; đường kính 70mm; trọng lượng 4,71 kg.

Tên lửa 9K32/9K32M gồm 4 tầng: tầng thứ nhất là đầu tự dẫn, tầng thứ 2 có cánh lái để điều khiển hướng bay (bằng cách thay đổi góc của cánh lái), tầng thứ 3 là phần chiến đấu, tầng cuối cùng là động cơ, phần cuối của động cơ có các cánh ổn định.

Thông số kỹ thuật của tên lửa 9K32/9K32M: Dài 1,44m; đường kính 70mm; trọng lượng 9,8/9,97 kg; đầu đạn 1,15 kg HE; tầm bắn tối đa 3,7/4,2 km; trần bay 1,5/2,3 km; tốc độ 430/580 m/s.

Khẩu đội tên lửa SA-7 phóng đạn tiêu diệt mục tiêu. Nguồn: Quân đội nhân dân.

Tên lửa vác vai 9K32 Strela-2 được trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1972 nên được gọi với cái tên A-72. Strela 2 với đặc điểm gọn nhẹ, dễ cơ động, khả năng sát thương cao đã trở thành hiểm họa của máy bay tầm thấp, đặc biệt là máy bay không người lái và trực thăng. Trong số các xạ thủ bắn hạ máy bay Mỹ bằng tên lửa vác vai A-72, xạ thủ Nguyễn Văn Thoa có thành tích cao nhất khi đã tiêu diệt tới 13 máy bay địch.

Theo Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news