Liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định "Sắp tới còn làm tiếp theo đúng luật pháp, đúng lương tâm, trách nhiệm, đạo đức".
Thông tin trên báo Tiền Phong cho biết, sáng ngày 13/5,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tại UBND Q.Ba Đình (Hà Nội).
Theo đó, cử tri Đinh Vũ Khuynh (P.Kim Mã) và Đỗ Thị Kim Oanh (phường Đội Cấn) quan tâm đến việc kỷ luật cảnh cáo ông Đinh La Thăng (Phó trưởng ban kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN), đề nghị Quốc hội giám sát việc thi hành kỷ luật đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Vnexpress |
"Vừa qua Trung ương đã cảnh cáo ông Đinh La Thăng và ông Thăng cũng đã xin lỗi nhân dân. Đây là kỷ luật Đảng. Về phía Quốc hội, mong có những giám sát chặt chẽ", bà Oanh nói.
Ông Khuynh nêu băn khoăn trước việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí (giai đoạn 2009-2015) bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro, khó thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền rất lớn, như vậy hình thức kỷ luật các cán bộ liên quan như thế nào cho phù hợp, tránh bị cho là nương nhẹ?
Cử tri Nguyễn Hồng Toán thì nhận xét ông Đinh La Thăng là con người xông xáo và có tài, nhưng "công là công, khuyết điểm là khuyết điểm, cần làm rõ".
Giải đáp các vấn đề cử tri nêu ra, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết vừa qua cơ quan chức năng đã xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật nhiều cán bộ từng là ủy viên Trung ương Đảng, như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc..., rồi ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
"Sắp tới còn nữa, các bác cứ chờ, chứ không phải không nghiêm đâu", Tổng bí thư nói.
Đề cập đến việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, Tổng bí thư nói "Vừa rồi động đến một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, lớn đến như thế. Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm, các vụ khác cũng đang làm".
Theo Tổng bí thư, vừa qua họp Trung ương xong thì "dư luận rất tốt, còn tất nhiên bên ngoài nói xấu, xuyên tạc, kiểu gì cũng nói được".
"Phải cảnh giác với những âm mưu kích động, nào là đấu đá nội bộ, phe này đánh phe kia. Thế nào là nặng, nhẹ thì chúng ta cần xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, tính toán nhiều mặt. Sắp tới còn làm tiếp, nhưng làm thế nào thì không thể nói trước được. Chúng ta cứ làm đúng luật pháp, đúng lương tâm, trách nhiệm, đạo đức", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư khẳng định "phải làm mạnh hơn nữa" và cho biết trong hơn một năm qua, nhiều vụ việc lớn đã được xử lý.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay các cơ quan chức năng đã khởi tố 9 vụ án, 64 bị can ở Trung ương, kết luận điều tra và điều tra bổ sung 11 vụ, 169 bị can; đã xét xử sơ thẩm 9 vụ, 125 bị cáo, tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân...
"Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hàng năm đều lập các đoàn đi kiểm tra việc chống tham nhũng ở các địa phương. Từ khi thành lập, Ban đã ủy quyền cho các tỉnh xử lý 265 vụ án, vụ việc; đến nay đã xử 100 vụ, hiện còn 165 vụ đang chỉ đạo xử lý tiếp", Tổng bí thư cho biết.
Sau khi đề cập đến các vụ án lớn thời gian qua liên quan đến Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh..., Tổng bí thư cho rằng "còn nhiều việc phải làm" vì chống tham nhũng là cuộc đấu tranh gian khổ, "phải kiên trì, kiên quyết".
"Hình như đây là bệnh của nhân loại, của thời đại. Tham nhũng nhiều mưu mẹo, mánh khoé, ta sửa cái này lại đối phó bằng cách khác. Quyết tâm thì cao nhưng xử cũng còn vướng như khung hình phạt ra sao... Trong Đảng cũng thế, kỷ luật phải có mức, tội này thì ứng với xử phạt thế nào, lấy căn cứ để xử nặng, nhẹ. Thông thường đưa ra cái nào cũng nhẹ, mong muốn phải nghiêm hơn là đúng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", Tổng bí thư nói.
Tuy nhiên, theo Tổng bí thư "luật pháp cũng nhân văn mở đường cho người ta, đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại. Nhưng đó không phải cái cớ để xử nhẹ, không kiên quyết. Phải làm nghiêm, đúng luật pháp".
Tiền Phong cung cấp thêm thông tin cho biết, tại cuộc tiếp xúc cử tri, Trần Viết Hoàn (Vĩnh Phúc, Ba Đình) đã bày tỏ sự hoan nghênh với những quyết tâm của Tổng Bí thư trong cuộc chiến chống tham nhũng.
"Tổng Bí thư đã có quyết tâm và đã từng nói "vì sự tiến bộ chung phải xử lý một vài người để cứu muôn người". Tổng Bí thư cũng đã thể hiện sự quyết tâm bằng sự chỉ đạo cụ thể”, ông Trần Viết Hoàn bày tỏ.
Ngoài ra, cử tri Hoan cũng bày tỏ lo lắng trước nhiều hiện trượng tiêu cực về công tác cán bộ, đồng thời đề nghị Đảng, Nhà nước cần phải xem xét lại cơ chế, tổ chức cán bộ một cách nghiêm túc. Không thể để tình trạng, một sở ở Hải Dương nhưng lại có đến 44/46 người là lãnh đạo quản lý, còn nhân viên chỉ có 2; Thái Nguyên một sở bổ nhiệm thừa đến 23 cán bộ.
Hay như việc cô Trần Vũ Quỳnh Anh, ở Thanh Hóa mới vào cơ quan chưa bao lâu đã được bổ nhiệm làm trưởng phòng và có đến 3- 4 biệt thự, xe sang. "Cử tri chúng tôi đề nghị phải truy tìm người nâng đỡ cô này", cử tri Hoàn kiến nghị.
Hồng Hạnh (tổng hợp)