Mỗi thanh niên công nhân cần hết sức bình tĩnh, yêu nước một cách khôn khéo, không manh động.
Chiều nay (14/5), ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương về tình hình công nhân lao động làm việc trên địa bàn tỉnh diễu hành phản đối việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
Theo báo cáo nhanh của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cuộc diễu hành phản đối Trung Quốc của công nhân lao động Bình Dương xuất phát đầu tiên tại công ty giày Thông Dụng ở thị xã Thuận An, sau đó lan nhanh ra các công ty lân cận. Đoàn diễu hành ban đầu chỉ kêu gọi công nhân trong các đơn vị ngưng việc để đi tham gia biểu tình nhưng càng về sau, một số đối tượng quá khích đập phá cổng, camera, cửa kính… các công ty, xí nghiệp làm cho tình hình an ninh trật tự ngày càng diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Bằng, một người dân cho rằng: “Có một số phần tử quá khích, đục nước béo cò, có hành vi manh động, làm thiệt hại nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân. Hiện tại người công nhân vô cùng khổ, không có việc làm, rồi bao nhiêu hệ lụy kèm theo”.
Anh Nguyễn Văn Tâm, công nhân đang làm việc tại một khu công nghiệp ở Bình Dương buồn bã: “Sự việc rất đáng tiếc! Như công ty em của Nhật không bị đập phá, chỉ đập phá công ty của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc nhưng mà cũng ảnh hưởng đến công ty của em. Bữa nay công ty nghỉ nữa”.
Trong hai ngày qua, tại Bình Dương, công nhân diễu hành phản đối Trung Quốc lan rộng tại các thị xã: Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng này đã lan sang các khu công nghiệp ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và bắt đầu có những “hiện tượng” ở các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp ở Tây Ninh và Long An. Hiện Đồng Nai đã có khoảng 200 doanh nghiệp phải đóng cửa để tránh tình trạng công nhân bị kích động.
Ông Mai Đức Chính nhấn mạnh: đối với vấn đề chủ quyền, mỗi thanh niên công nhân cần hết sức bình tĩnh, yêu nước một cách khôn khéo, không manh động.
“Chúng ta thể hiện lòng yêu nước của mình bằng nhiều cách, nhưng phải đúng nơi đúng chỗ. Tôi nghĩ hiện nay nhiệm vụ chính của người lao động là phải tham gia lao động sản xuất, làm ra các sản phẩm, doanh nghiệp có lợi nhuận, công nhân có việc làm và đất nước có lợi ích, như vậy mới có tiềm lực. Thứ hai là thể hiện lòng yêu nước bằng các hoạt động khác, như nhắn tin ủng hộ chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” để hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nhờ sự nỗ lực thực hiện các biện pháp chỉ đạo của các ngành các cấp, hiện nay, tình hình diễu hành của công nhân lao động ở Bình Dương đang được kiểm soát, đảm bảo được trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.