Kênh truyền hình Discovery Channel của Mỹ đã bình chọn 10 loại xe tăng hàng đầu mọi thời đại, trong đó có xe tăng T54/55 mà Việt Nam đang sử dụng.
Đứng đầu trong danh sách 10 xe tăng hàng đầu mọi thời đại do kênh truyền hình Discovery Channel (Mỹ) bình chọn là xe tăng huyền thoại T-34 của Liên Xô.
10. M4 Sherman (Mỹ)
Được phát triển và sản xuất trong giai đoạn chiến tranh thế giới lần thứ 2, M4 Sherman được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh tham chiến với phe phát xít. Đây là loại xe tăng được sản xuất nhiều thứ 2 trong suốt giai đoạn này, chỉ sau xe tăng T-34.
Tuy không được trang bị pháo cỡ nòng lớn như các xe tăng của Đức lúc bấy giờ nhưng M4 Sherman có ưu điểm dễ điều khiển, có thể vượt qua nhiều địa hình phức tạp, xe có khối lượng 30,3 tấn, xe có thể chạy với tốc độ tối đa 48km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo chính cỡ nòng 75mm (hoặc 76mm), súng máy hạng nặng Browning M2HB, lớp giáp có thể chống được đạn pháo 76mm.
9. Merkava (Israel)
Được sản xuất từ năm 1974 đến nay, xe tăng Merkava là loại xe tăng chủ lực trong biên chế quân đội Israel. Tổng cộng đã có 4 biến thế của xe tăng Merkava đã được sản xuất (Mark I, Mark II, Mark III, Mark IV). Trong đó biến thể Mark III chiếm số lượng lớn nhất (với gần 800 chiếc được chế tạo từ năm 1989 cho đến nay).
Merkava Mark III có khối lượng 65 tấn, tốc độ tối đa lên đến 60km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo nòng trơn cỡ nòng 120mm có khả năng bắn được tên lửa chống tăng LAHAT, 1 súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm, 2 súng máy cỡ nòng 7,62mm, 1 súng cối 60mm lắp vào tháp pháo, lớp giáp của xe tăng Merkava vẫn là một bí mật.
8. T-54/55 (Liên Xô)
Là một trong những mẫu xe tăng phổ biến nhất trên thế giới, cho đến tận ngày nay, T-54/55 và các biến thể của nó vẫn là xe tăng chủ lực trong biên chế của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, xe tăng T54/55 hiện vẫn giữ vai trò chủ chốt trong binh chủng tăng - thiết giáp. Đây là thế hệ xe tăng đã chứng minh tính hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tính năng kỹ chiến thuật, trọng lượng, thiết kế khá phù hợp với địa hình nhiều rừng núi, đường xá nhỏ hẹp hoặc đồng ruộng lầy lội như ở Việt Nam.
T-54/55 đã đạt được nhiều danh hiệu như: Xe tăng được sản xuất nhiều nhất với khoảng 86.000-100.000 chiếc, xe tăng tham chiến nhiều chiến trường nhất và xe tăng được sử dụng lâu đời nhất.
Xe tăng T-54/55 có khối lượng 36 tấn, tốc độ tối đa 48km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo cỡ nòng 100mm, 1 súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm, súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62mm.
7. Challenger (Anh)
Được đưa vào biên chế của quân đội Anh từ năm 1983 (biến thể Challenger 1), đến năm 1998, quân đội Anh đã đưa biến thể Challenger 2 vào sử dụng và đây hiện là loại xe tăng chủ lực của quân đội Anh.
Xe tăng Challenger 2 có khối lượng 62,5 tấn, tốc độ tối đa 59km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo chính nòng xoắn cỡ nòng 120mm (xe tăng Challenger có thể coi là một trong số ít xe tăng hiện đại duy nhất còn sử dụng pháo nòng xoắn), 1 súng máy cỡ nòng 7,62mm, 1 súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62mm.
6. Panzet Mk IV (Đức)
Được nghiên cứu, chế tạo trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2, xe tăng Panzer Mk IV được quân đội Đức quốc xã sử dụng rộng rãi với gần 8.600 chiếc được sản xuất. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, đây cũng là mẫu xe tăng xuất khẩu chủ lực của nước Đức.Panzer Mk IV có khối lượng 25 tấn, tốc độ tối đa 42km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo cỡ nòng 75mm, 2 súng máy cỡ nòng 7,92mm, lớp giáp của xe dày từ 10-88mm.
5. Centurion (Anh).
Được sản xuất trong những tháng cuối cùng của chiến tranh thế giới thứ 2, xe tăng Centurion tuy chưa kịp tham gia chiến đấu với phe phát xít, nhưng đây được đánh giá là mẫu xe tăng thành công của nước Anh với hơn 4.500 chiếc được sản xuất và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Xe tăng Centurion có khối lượng 51 tấn, tốc độ tối đa 35km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo chính cỡ nòng 105m, súng máy hạng nặng Browning, lớp giáp của xe tăng Centurion dày 150mm.
4. Mark IV (Anh)
Được giới thiệu lần đầu vào năm 1917, xe tăng Mark IV được quân đội Anh sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 1. Tuy có hình dáng cồng kềnh, tốc độ chậm, hỏa lực yếu nhưng so với các phương tiện chiến tranh thời bấy giờ, xe tăng Mark IV vẫn là một cuộc cách mạng, khiến đối phương khiếp sợ.
Xe tăng Mark IV có khối lượng 29 tấn, tốc độ 6,5km/h. Vũ khí trang bị có 2 pháo 57mm, lớp giáp của xe dày từ 6,1-12mm.
3. Tiger (Đức)
Đây là mẫu xe tăng mang lại nỗi sợ hãi cho quân đội Đồng minh. Xe tăng Tiger được phát triển từ năm 1942 và được quân đội Đức quốc xã sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2, với lớp giáp dày và hoả lực mạnh. Tổng cộng đã có gần 1.400 chiếc được sản xuất cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Xe tăng Tiger có khối lượng 57 tấn, tốc độ tối đa 38km/h. Vũ khí trang bị bao gồm 1 pháo chính cỡ nòng 88mm, 2 súng máy cỡ nòng 7,92mm, lớp giáp của xe tăng dày từ 25-100mm.
2. M1 Abrams (Mỹ)
Là loại xe tăng hiện đại nhất thế giới hiện nay, M1 Abrams được sử dụng trong quân đội Mỹ từ năm 1980. Qua nhiều lần nâng cấp, hiện nay mẫu M1 hiện đại nhất đang được sử dụng là M1A2. M1A2 trang bị các hệ thống vũ khí, thiết bị ngắm bắn, điều khiển hoả lực cùng lớp giáp được coi là tinh vi nhất thế giới. Tổng cộng đã có hơn 10.000 xe tăng M1 các phiên bản được chế tạo và đây là mẫu xe tăng chủ lực của lục quân và lính thuỷ đánh bộ Mỹ.
M1A2 có khối lượng lên đến 68 tấn, tuy nhiên do được trang bị động cơ cực kỳ mạnh mẽ nên xe có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 67km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo nòng trơn cỡ nòng 120mm, 1 súng máy hạng nặng 12,7mm, 2 súng máy 7,62mm, lớp giáp của xe được chế tạo từ nhiều vật liệu khác nhau.
1. T-34 (Liên Xô)
Đứng đầu trong danh sách là mẫu xe tăng huyền thoại của Liên Xô. Xe tăng T-34 đã cách mạng hoá cách thức thiết kế và chế tạo xe tăng trên thế giới, mặc dù sau này có nhiều xe tăng có lớp giáp và hỏa lực trội hơn T-34, nhưng nó vẫn được đánh giá là loại xe tăng hiệu quả nhất và có thiết kế gây ảnh hưởng lớn nhất trong chiến tranh thế giới lần 2.
T-34 là một trong những loại xe tăng có sự phối hợp tốt nhất giữa khả năng bảo vệ, tính cơ động, hoả lực và độ tin cậy cũng như khả năng bảo trì của xe. Đây cũng là một trong những mẫu thiết kế có thời hạn phục vụ lâu nhất, một số chiếc hiện vẫn còn được sử dụng. Nguyên mẫu đầu tiên của T-34 được hoàn thành vào đầu năm 1939 và chiếc T-34 đầu tiên được chính thức đưa vào sản xuất vào tháng 9/1940. Đặc điểm được đánh giá cao nhất của T-34 là thiết kế đơn giản của nó, giúp việc chế tạo rất dễ dàng và dễ sửa chữa khi gặp trục trặc trong quá trình tác chiến.
T-34 có khối lượng 26,5 tấn, tốc độ tối đa 53km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo chính cỡ nòng 76,2mm (phiên bản T-34-85 sử dụng pháo chính cỡ nòng 85mm), 2 súng máy 7,62mm.
Trang Vũ (tổng hợp)