Thành phố HCM đặt kế hoạch xây 49 cầu, làm 190 km đường bộ, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu… với tổng nguồn lực tập trung là hơn 96.000 tỷ đồng.
UBND TP. HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc và Tai nạn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2018-2020. Tổng nguồn lực tập trung thực hiện chương trình là hơn 96.000 tỷ đồng, theo báo Tri thức trực tuyến.
TP. HCM sẽ xây mới 49 cây cầu, 190 km đường trong hai năm tới. (Ảnh: VnExpress) |
Theo đó, từ đây đến năm 2020, TP. HCM dự kiến sẽ phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng gần 190 km đường bộ và 49 cây cầu. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đến năm 2020 sẽ đáp ứng 15% nhu cầu đi lại. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông kéo giảm 5% mỗi năm.
Cụ thể, TP. HCM đặt ra mục tiêu theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu (đến hết năm 2018), TP. HCM sẽ làm mới và đưa vào sử dụng 33,5km đường bộ và 14 cây cầu; tăng mật độ đường giao thông lên 2,06km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,97% đất đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 9,6% nhu cầu giao thông; giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm trước đó.
Còn trong năm 2019, TP. HCM đề ra mục tiêu sẽ làm mới và đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu giao thông.
Ở giai đoạn cuối, năm 2020, sẽ có thêm 81km đường và 18 cây cầu được làm mới và đưa vào sử dụng tại TP.HCM. Cùng với đó, mật độ đường giao thông sẽ đạt 2,2km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông.
Kẹt xe đang là vấn đề nan giải tại TP.HCM. (Ảnh: Nguoidothi) |
Đồng thời, ở mỗi giai đoạn, TP.HCM đều đặt mục tiêu giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm trước đó.
Về giải pháp thực hiện, thành phố cho biết sẽ ưu tiên sử dụng ngân sách để đầu tư các công trình giao thông thực sự cần thiết, đảm bảo phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình thiết kế, thi công để đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn giai đoạn 2018-2022; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi phục vụ vận tải nhằm thu hút người dân tham gia; triển khai các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, VnExpress đưa tin.
Thành phố cũng quyết tâm đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vào khai thác trong năm 2020, đẩy nhanh tiến độ tuyến BRT số 1 trên đại lộ Đông Tây; tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
UBND TP. HCM cũng cho biết sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong việc kiểm soát các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông và điểm đen về tai nạn giao thông.
Trang Vũ (Tổng hợp)