Trong mắt ông Tuấn, bà Dung là người hiền lành, ít nói và sống kín đáo. Còn con gái là một đứa trẻ ngoan, hết mực thương mẹ.
Hay tin vợ cũ Trần Thanh Dung (50 tuổi) bị người em trai cắt chân tại bệnh viện Xanh Pôn, ông Nguyễn Lưu Tuấn tất bật từ Bắc Ninh lên Hà Nội. "Tôi rất lo lắng và hoang mang. Tuy nhiên, đến thời điểm này tôi vẫn chưa gặp được vợ cũ và con gái", ông Tuấn nói sáng ngày 4/1.
Ngôi nhà nơi 2 mẹ con bà Dung sinh sống.
Theo lời ông Tuấn, ông và bà Dung ly hôn từ năm 1996 - khi cô con gái chung duy nhất tên Vân mới vừa tròn 5 tuổi. Do ông bà ngoại Vân cấm đoán việc đi lại, thăm nom nên bố con ông Tuấn hiếm khi được gặp nhau.
Người đàn ông nói, thời điểm phát hiện căn bệnh, bà Dung vẫn làm kế toán ở Viện chuyên về nghệ thuật.
Trong mắt ông Tuấn, vợ cũ của mình là người hiền lành, ít nói và sống kín đáo. Còn con gái là một đứa trẻ ngoan, hết mực thương mẹ và vừa tốt nghiệp một trường Đại học có danh tiếng ở Hà Nội. "Từ khi bố mẹ ly hôn, Vân tỏ ra thờ ơ, thậm chí không cho tôi số điện thoại để liên lạc", ông Tuấn chia sẻ.
Gần đây, do đạt được học bổng đi du học bên Nhật nên hàng ngày Vân cùng một số bạn vẫn miệt mài học tiếng. Tuy nhiên, khi sức khỏe bà Dung không tốt, Vân đã hủy suất học bổng này.
Nhận định về vụ việc, người chồng cũ của nạn nhân phỏng đoán nhiều khả năng em vợ cũ của mình làm việc đó trong tình trạng không tỉnh táo do dùng ma túy.
"Tôi được biết, Khương là một người ăn chơi. Trước kia anh ta từng sang Tiệp, rồi trốn sang Đức. Khi ăn chơi hết tiền bên đó quay trở về Việt Nam chẳng còn tài sản gì", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn chia sẻ câu chuyện của gia đình cùng phóng viên.
Sau 2 ngày xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc bệnh viện Xanh Pôn cho biết nạn nhân Dung vẫn trong tình trạng lơ mơ, không thể giao tiếp bình thường. Trước đó, rạng sáng ngày 2/1, tại phòng hồi sức (khu điều trị bệnh nhân nặng) bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn, người phụ nữ này bị em trai ruột là Trần Tuấn Khương (43 tuổi) dùng dao cắt chân.
Ông Hưng cho biết, thời điểm diễn ra nhiều người trong buồng bệnh vô cùng hoảng loạn. Nhiều người bế bệnh nhân tránh đi chỗ khác.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 4/1, khoa Hồi sức Cấp cứu ngoại - nơi bệnh nhân Dung đang điều trị, tất cả các cửa ra vào được kiểm soát chặt chẽ.
Theo quy định của bệnh viện chỉ có một người nhà vào thăm bệnh nhân. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra, bệnh nhân Dung có 2 người đến chăm sóc (Khương và Vân - con gái bà Dung).
Ông Hưng cho rằng ở đây có 2 tình huống xảy ra: 2 người nhà vào đổi ca cho nhau mà chưa kịp ra, hoặc mượn thẻ để vào. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không thể quá cứng nhắc. "Rất khó để kiểm soát hơn 1.000 bệnh nhân. Thực tế đã có nhiều trường hợp người nhà và bảo vệ cãi nhau vì không được vào", ông Hưng nói.