Tin mới

Ai chứng nhận bùn đỏ... không phải bùn đỏ

Thứ hai, 13/10/2014, 10:14 (GMT+7)

Theo GS.TS Phan Trường Thị, mặc dù không đưa ra sơ đồ về thiết kế và khai thác Boxit cũng như không đề cập đến việc cơ quan nào kiểm nghiệm, phân tích độ PH của bùn nhưng đại diện TKV vẫn một mực khẳng định bùn tràn ra không phải là bùn đỏ và hoàn toàn vô hại là thiếu căn cứ.>> Dự án bô xít đang được đẩy nhanh tiến độ…>> Rà soát toàn bộ thiết kế các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên

 

 

 

Theo GS.TS Phan Trường Thị, mặc dù không đưa ra sơ đồ về thiết kế và khai thác Boxit cũng như không đề cập đến việc cơ quan nào kiểm nghiệm, phân tích độ PH của bùn nhưng đại diện TKV vẫn một mực khẳng định bùn tràn ra không phải là bùn đỏ và hoàn toàn vô hại là thiếu căn cứ.

Giải thích về sự một lượng lớn bùn đất đỏ tràn xuống đường do vỡ đập, ông Nguyễn Văn Biên – Phó TGĐ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, bùn tràn ra từ hồ chứa nước sau rửa quặng nguyên khai của nhà máy Nhôm Lâm Đồng chứ không phải tại hồ bùn đỏ của nhà máy luyện Alumin Lâm Đồng. Nước thải có màu hao hao giống bùn đỏ nhưng không chứa hóa chất độc hại và độ PH trung tính nên hoàn toàn an toàn.

Cũng theo ông Biên, hồ nước thải số 5 nằm trong khu khai thác mỏ của tổ hợp cách nhà máy Alumin 4km, nằm xa khu dân cư, không sử dụng hóa chất khi tuyển quặng nên bùn và nước trong hồ không bị nhiễm hóa chất, không độc hại. 

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS địa chất Phan Trường Thị xung quanh vấn đề này.

*  Thưa ông, sau sự cố vỡ đập khiến một lượng lớn bùn đất đỏ tràn xuống đường, đại diện Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định, nước thải có màu hao hao giống bùn đỏ chứ không phải bùn đỏ. Hơn nữa, hồ thải bùn đỏ nằm cách nhà máy Alumin 4 km và xa khu dân cư nên không độc hại. Ông có ý kiến như thế nào về kết luận này?

GS.TS Phan Trường Thị: Tôi nhận thấy thông tin được TKV công bố nhưng không kèm theo bất kỳ một sơ đồ tổng thể nào về thiết kế về khai thác boxit ở Tây Nguyên (Sơ đồ này thì dự án nào cũng phải có). Điều người dân cần là vị trí chính xác của hồ chứa bùn đỏ và hồ thường để họ phân biệt. Hơn nữa, khoảng cách 4km mà đại diện KTV đưa ra để khẳng định độ “an toàn, không độc hại” hoàn toàn vô nghĩa vì không có sơ đồ chỉ dẫn. Và cũng vì không có sơ đồ cụ thể nên người dân cũng không thể biết hồ bùn đỏ chính thức nằm ở khu vực nào.

Thử đặt giả định là với khoảng cách 4km nhưng vị trí tương ứng của nhà máy Alumin và hồ nước thải là thượng nguồn và hạ nguồn thì chẳng phải là hạ nguồn đã “hứng trọn” toàn bộ độc hại đó sao!

Giáo sư, Tiến sỹ địa chất Phan Trường Thị

* Trước những lo lắng của người dân về việc lượng bùn bị tràn ra có thể gây nguy hại cho đời sống dân sinh cũng như các vấn đề về ô nhiễm môi trường, TKV đã đưa ra kết luận khẳng định “nước trong hồ không bị nhiễm hóa chất, không độc hại, độ PH trung tính (~7). Theo ông, người dân có nên đặt niềm tin vào kết luận này?

GS.TS Phan Trường Thị: Trả lời một vấn đề đang rất nhạy cảm hiện nay là bùn đỏ nhưng TKV đã đưa ra những thông tin không rõ ràng, không cụ thể và thiếu tôn trọng người dân – nhất là đối với những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố vỡ đập tràn bùn lần này. TKV đã làm rối trí người dân bằng những phát biểu thiếu tính xác thực.

Nếu TKV khẳng định một cách hùng hồn rằng loại bùn bị tràn ra hoàn toàn vô hại, không bị nhiễm độc thì tại sao lại không kèm thông tin cơ quan nào đã đứng ra kiểm nghiệm, lấy mẫu bùn khi nào và phân tích mẫu với lượng bao nhiêu? Thực tế, không bao giờ có thể tồn tại một kết luận mang tính khoa học nhưng lại đậm chất kiểu “bâng quơ” như vậy.

 

Về độ PH của lượng bùn bị tràn trong hồ chứa nước thải, chỉ cần một thao tác nhỏ là có thể thu được kết quả chính xác. Nếu đem mẫu bùn đi phân tích thì chưa đầy 15 phút đã có thể cho ra kết quả. Và có một cách còn đơn giản hơn nữa, đó là sử dụng giấy quỳ để kiểm tra. Tuy nhiên, trong những thông tin được công bố chính thức, chính quyền cũng như các nhà chức trách hoàn toàn không đưa ra những thông tin kèm theo này. Và vì thế, người dân cũng phỏng đoán, mơ hồ và rồi hoang mang không biết đây là bùn đỏ hay là bùn có màu đỏ.

 

* Củng cố cho thông tin “bùn tràn ra không phải là bùn đỏ, không độc hại”, ông Trần Văn Chiều - Phó Tổng giám đốc Vinacomin còn cho biết, số bùn này còn được dự định lấy để trồng cây. Vậy theo ông, có thể kiểm định được chuyện lấy bùn trồng cây của phía đầu tư dự án hay không?

GS.TS Phan Trường Thị: Trong tất cả các dự án khai thác khoáng sản đều có mục “Bảo vệ môi trường”. Trong đó, dự án phải nêu rõ công đoạn cuối cùng của quá trình khai thác là gì, chất thải được xử lý như thế nào, nước thải đổ về đâu…để đánh giá tác động tới môi trường.

Riêng đối với dự án Boxit này, nếu có tiểu mục “Vinacomin có kế hoạch dùng đất này trồng cây” giống như lời khẳng định của Phó TGĐ Vinacomin Trần Văn Chiều thì cách thẩm định thông tin này lại đơn giản hơn bao giờ hết. Đó là yêu cầu chỉ rõ chi tiết “lấy bùn trồng cây” được quy định như thế nào trong dự án, mục bao nhiêu và cụ thể ra sao. Nếu “lấy bùn trồng cây” không có trong nội dung dự án thì chính quyền cũng nên tự chịu trách nhiệm với thông tin đã công bố trước quần chúng.

* Theo thông tin được công bố trước đó, do được xử lý kịp thời nên lượng nước chảy từ hồ thải đuôi quặng qua đoạn đê phụ bị sạt lở chỉ khoảng 9000m3 và không chứa độc tố. Vậy người dân có nên an tâm về kết quả này?

GS.TS Phan Trường Thị: Thực tế, chỉ cần 100m3 bùn đỏ tràn ra môi trường đã là độc hại vô cùng, môi trường sinh thái, lớp thổ nhưỡng, nước ngầm và nước mặt… bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy nên, trong khi 9000m3 bùn bị tràn sau sự cố vỡ đập còn đang “mập mờ” giữa hai khái niệm “bùn đỏ”  và “bùn có màu đỏ” thì đừng vội kết luận là “hoàn toàn vô hại”.

Xin cảm ơn ông!

Vào khoảng 3h30 ngày 8/10, đoạn đê dài 5m, cao 1m bất ngờ bị vỡ khiến một lượng lớn bùn đất đỏ tràn xuống đường nội bộ dẫn vào mỏ tuyển bôxít Tân Rai, đổ xuống hồ Cai Bảng (cung cấp nước cho toàn bộ bôxít Tân Rai có dung tích 18 triệu m3). Nguyên nhân được cho là do mưa lớn nhiều ngày khiến nước trong hồ không thoát kịp.

Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news