Bên cạnh ý kiến cho rằng việc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô là khá tốn kém và gây lãng phí thì vẫn có người nhận định, để đảm bảo an toàn cho xe thì 100-150 ngàn là... quá rẻ.
Sau khi Thông tư thông tư 57 của Bộ Công an về quy định trang bị thiết bị PCCC cho phương tiện cơ giới, trong đó có xe ôtô từ 4 chỗ trở lên được ban hành đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định này.
Theo anh Thành Chung (ở Hoàng Mai, Hà Nội) thì đây là vấn đề không đáng bàn cãi vì việc trang bị bình chữa cháy cho xe 4 chỗ thực chất là để đảm bảo an toàn cho tính mạng và chính chiếc xe. Việc lắp đặt bình chữa cháy trên xe không hề ảnh hưởng tới thẩm mỹ hay tính hữu dụng của xe. Chính vì vậy, thay vì tranh luận về việc có cần thiết phải trang bị thiết bị này trên xe hay không, để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm hiểu về chất lượng của các loại bình chữa cháy đang được bày bán trên thị trường hiện nay.
Quy định trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: VnExpress |
Trong khi đó, luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho rằng, việc ban hành Thông tư này chưa có cơ sở khoa học, chưa đáp ứng được các tiêu chí cơ bản và cần thiết của hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như gây lãng phí tài sản xã hội, gây bất bình trong nhân dân. Cụ thể, khi ban hành một văn bản hướng dẫn thực hiện một đạo luật hay văn bản quy phạm pháp luật, phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản như: Tính thống nhất, tính minh bạch, tính kinh tế, tính khả thi, tính đồng bộ... Trong trường hợp này, thông tư được ban hành không có tính khả thi, và đặc biệt gây lãng phí xã hội không nhỏ.
Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, việc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô là không khả thi, hơn nữa còn gây lãng phí lớn |
Luật sư Thiệp nêu ví dụ: Mỗi chiếc xe ô tô con chạy khoảng 20-30.000km /năm và luôn chở trong nó 1 bình chữa cháy nặng trung bình 5kg (tùy từng loại xe). Như vậy, tổng trọng lượng/km sẽ tương đương 100.000Kg -150.000kg/km, tiêu tốn nhiên liệu khoảng 15 lít xăng, dầu/chiếc xe, tương đương một xe tải có tải trọng từ 1-1,5 tấn trên quãng đường 100km. Cả nước hiện có trên 2 triệu chiếc xe, như vậy mỗi năm tốn kém khoảng 20-30 triệu lít xăng dầu. Thêm vào đó là các vấn đề mua sắm, nhập khẩu bình chữa cháy hàng trăm tỷ, vấn đề khí thải khi đốt hàng triệu lít nhiên liệu, sau khi hết hạn phải xử lý chất thải công nghiệp... Như vậy đã là tốn kém, lãng phí tài sản rất lớn của người dân và xã hội.
Hơn nữa, nhà sản xuất xe ở nước ngoài không thiết kế vị trí để gắn bình chữa cháy. Ngoài ra, cũng chưa có những báo cáo hay số liệu thống kê về số lượng, tỷ lệ xe bị cháy cũng như nguyên nhân cháy để có thể khẳng định rằng, nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ xã hội này ( PCCC với xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên) là cần thiết và cấp bách.
"Ban hành Thông tư quá gấp gáp, không thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến một cách thích hợp cả về nội dung cũng như thời gian, do vậy, theo tôi, Thông tư về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vừa được ban hành không có tính khả thi" - Luật sư Thiệp nhận định.
Theo Thông tư 57 của Bộ Công an, từ 6.1.2016, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Thông tư này hướng dẫn về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm: Ô tô từ 04 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ... Bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít. Đi kèm với đó là mức phạt tiền đối với các vi phạm từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. |
Vũ Đậu