Thua trận trước một U20 Argentina đầy đẳng cấp là điều không có gì bất ngờ, quan trọng là bóng đá trẻ của chúng ta có “tỉnh” ra sau thất bại này hay không, mới là điều đáng nói.
2 trận giao hữu với U20 Argentina rất được giới hâm mộ chú ý, một phần nhờ vào các nỗ lực của ban tổ chức, và một phần nhờ vào việc hai đại diện của bóng đá trẻ Việt Nam - U20 và U22, sẽ cùng thi đấu với một đối thủ mạnh, từ đó giúp cho khán giả thấy được hướng đi nào là phù hợp cho bóng đá nước nhà.
Vài năm nay, từ khi lứa U19 của HLV Hoàng Anh Tuấn ra mắt, giành được quyền dự World Cup, người hâm mộ luôn tranh cãi với nhau, rằng lối chơi có phần thực dụng, thiên về kỷ luật, thể lực, chú trọng phòng ngự của lứa trẻ này so với lối chơi kiểm soát bóng, phối hợp ban bật, ưa dùng kỹ thuật của lứa trẻ HAGL đang là nòng cốt của đội U22, lối chơi nào sẽ dẫn đến thành công.
Với thất bại 1-4 của U20, cho rằng đấu thể lực không thể thắng, người ta chờ đợi xem kỹ thuật của lứa U22 liệu có thể làm được điều gì hay không, và sau khi thua 5 bàn trắng, câu trả lời đã được đưa ra.
Trước U20 Argentina, lối chơi đậm chất kỹ thuật của thầy trò Hữu Thắng trở nên bất lực.
Đó là cả thể lực và kỹ thuật của chúng ta đều còn ở mức kém, dù đi theo con đường nào, mà nội lực vẫn chỉ ở mức như hiện tại thì cũng khó có thành tựu.
Thật thú vị khi U20 Argentina trong hai trận đấu vừa qua đã thi đấu với hai phong cách khác nhau. Trận đấu với U20 Việt Nam, được cho là mạnh về thể lực, họ đã dùng chính thể lực để chiến thắng, với những đường bóng có phần đơn giản, nhưng tiền đạo nhận bóng liên tục thắng trong tranh chấp tay đôi với hậu vệ chủ nhà, từ đó luôn tạo ra nguy hiểm.
Họ chơi bóng ung dung và biết phân phối sức cho cả trận, nên khi cần dùng thể lực, họ đều vượt trội. Còn ở trận đấu với U22 Việt Nam, các cầu thủ đến từ Nam Mỹ đã cho khán giả thấy "kỹ thuật" là như thế nào. Ngoài kỹ thuật cá nhân, họ còn kết hợp nó với tư duy chiến thuật, tạo nên một lối chơi mạch lạc.
Tỷ số trận đấu còn chưa thể hiện được hết sự vượt trội của các cầu thủ trẻ Argentina với các đội bóng Việt Nam.
Các cầu thủ có thể biểu diễn kỹ thuật trên sân, nhưng sau pha xử lý đó, bóng được đưa đến vị trí thuận lợi cho đồng đội. Trái ngược với nhiều cầu thủ Việt Nam, cũng có thể xử lý kỹ thuật nhưng chỉ tốt ở mức độ cá nhân, còn bóng đi bất lợi cho đồng đội, làm chậm nhịp độ tấn công, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho đội nhà.
Tất nhiên, không thể trách các cầu thủ, vì đẳng cấp quá khác biệt giữa hai nền bóng đá, thua thế chứ thua nữa cũng là điều bình thường. Nhưng ở đây là câu chuyện về đào tạo trẻ. Liệu rằng với một nền bóng đá như Việt Nam, chúng ta đã nên tranh cãi với nhau về việc đi theo hướng này, chạy theo lối kia hay chưa?
Khi những nền móng cơ bản nhất chưa được cải thiện, thì bóng đá Việt Nam đừng mơ cao.
Khi nền móng còn chưa vững, thể lực và tư duy của cầu thủ còn yếu, thì dù có theo trường phái bóng đá nào cũng chẳng đem lại điều gì, mà chỉ còn lại những tranh cãi liên tu bất tận về việc chọn cầu thủ của ông HLV, hay việc đào tạo của lò bóng đá kia mà thôi.
Đối với bóng đá nước nhà, đúng với tâm thế của những "đội bóng nhỏ", chúng ta hãy cứ tùy theo đối thủ mà đá, còn việc cần thiết là tập trung rèn cho cầu thủ trẻ những cái cơ bản của nghiệp quần đùi áo số trước đã, khi mà thể lực tốt lên, tư duy hiện đại lên, thì dù chọn con đường nào, vẫn sẽ có khả năng về đích.