Tin mới

Tranh cãi đề xuất luật hóa "chạy chức, chạy quyền"

Thứ bảy, 07/02/2015, 08:26 (GMT+7)

“Chạy chức, chạy quyền” từ lâu đã trở thành đề tài "nóng" trên các diễn đàn xã hội và để trấn an dư luận, trong một số kết luận thanh tra, các cơ quan chức năng cho rằng, có hiện tượng "chạy" song không phổ biến, nhưng đáng lo ngại và cần loại trừ.

  • chạy chức, chạy quyền"?. Ý kiến này đã gây tranh cãi trong thời gian qua...

    Mối họa nhãn tiền

    Cách đây hơn 2 năm, vào trung tuần tháng 12/2012, dư luận cả nước rúng động trước nghi án "chạy" công chức ở Hà Nội với "giá" hơn... 100 triệu đồng. Câu chuyện bắt đầu khi ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội thẳng thắn nêu ý kiến trong một phiên họp của HĐND thành phố. Ông Dực nói: "Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận, huyện là trưởng phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhậnhồ sơ và nhận tiền "chạy" của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng".

    Ông Dực dẫn chứng: Có trường hợp thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phẩy so với đáp án. Khi tham gia hội đồng chấm thi công chức, ông đã phát hiện 2 giáo viên đánh dấu vào bài của thí sinh. Ông Dực thậm chí dẫn chứng ngay ở cơ quan mình: Khoảng 30% cán bộ làm việc tốt, 35% khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm... Đáng lo hơn là muốn cho nghỉ việc số cán bộ "giao việc không yên tâm" ấy không hề dễ bởi họ đã là công chức.

    Thời điểm đó, tuyên bố của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã thổi bùng dư luận, làm dấy lên cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh chuyện “chạy chức, chạy quyền”. Tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn đề cập đến vấn đề này. Như lời ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù đã về hưu nhưng ông vẫn nhận được rất nhiều phản ánh của bà con nhân dân về chuyện chạy quyền, chạy chức, chạy việc.

    Ông Cuông nói: "Trước đây, tôi chỉ nói vài ba chục triệu đồng để có một vị trí làm việc nhưng giờ thay đổi quá rồi". Thậm chí, theo vị nguyên ĐBQH này, giờ không phải "chạy" nữa mà đã là "đấu thầu", ai bỏ tiền cao hơn thì được ngồi vào vị trí đó. Vị trí càng nhiều "bổng lộc" thì giá "đấu thầu" càng cao(?!).

    Tranh cãi đề xuất luật hóa

    Chuyện "chạy chức, chạy quyền" đang vô cùng nhức nhối. Ảnh minh họa.

    Thẳng thắn nhìn nhận, "chạy chức, chạy quyền" chính là hành vi tham nhũng của những người có chức có quyền. Cũng giống như việc mua bán đổi chác, "chạy chức, chạy quyền" cũng có những "khung giá" nhất định. Chuyện một tỉnh ủy viên tại Hà Tĩnh bị cách chức vì nhận 75 triệu đồng "chạy" việc là một minh chứng. BCH Đảng bộ tỉnh đã thống nhất đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật với hình thức cách chức tỉnh ủy viên, cách chức Bí thư Đảng bộdoanh nghiệp Hà Tĩnh đối với ông Nguyễn Thanh Sơn.

    Ông Sơn khi còn là Bí thư Huyện ủy Vũ Quang đã nhận của bà Thủy - cán bộ tạp vụ 75 triệu đồng để "lo" cho bà này được vào biên chế. Nhưng cho đến khi được điều chuyển công tác, ông Sơn cũng không "lo" cho bà Thủy và cũng chẳng trả lại tiền.

    Rồi chuyện thi tuyển công chức tại Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) đã được đưa ra ánh sáng. Hàng loạt quan chức liên quan đến kỳ thi này phải "dính" án kỷ luật, Bộ Công Thương không công nhận kết quả thi tuyển đối với các thí sinh. Thậm chí, dư luận cũng từng xôn xao việc "chạy" giáo viên, "chạy" bác sỹ, "chạy" cả... tạp vụ với giá hàng trăm triệu đồng. Dù chưa có bằng chứng chính xác về việc "chạy chức, chạy quyền", nhưng dư luận có thể đặt ra nghi ngờ về tính trung thực trong công tác thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ...

    Thông điệp phía sau ý tưởng bị "lên án"

    Trong cuộc trao đổi với PV báo Người đưa tin, chủ nhân của đề xuất gây nhiều tai tiếng này phân tích, vì chúng ta không thừa nhận nên mới để nó "chạy ngầm" để rồi phê phán. Luật hóa "chạy chức, chạy quyền" không hẳn là dùng tiền mua quan bán tước, mà dùng những thiết chế về mặt luật pháp để kiểm soát. Khi luật pháp đã công nhận, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. "Bầu cử cũng là cạnh tranh, thi cũng là cạnh tranh nhưng nếu đảm bảo một cuộc thi công khai theo quy chế luật định thì ai phạm vào sẽ bị xử lý", chuyên gia này nói.

    Tuy nhiên nhiều người cho rằng, đề xuất trên là một ý tưởng ngô nghê, thiếu thực tiễn. Mặt khác, không ít người cũng đồng tình khi nêu ý kiến, thay vì để chuyện "chạy chức, chạy quyền" hoạt động như những "dòng chảy ngầm" thì cần phải có những "bàn tay thép" để kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi.

    Trao đổi với PV báo Người đưa tin về đề xuất trên, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Theo tôi, khái niệm chức quyền gắn liền với năng lực lãnh đạo, khả năng điều hành một tổ chức, một đơn vị nào đó. Chức quyền không phải là hàng hóa để có thể mua bán. Vì thế, đề xuất phải luật hóa cho phép "chạy chức, chạy quyền" là chưa hoàn toàn khả thi".

    Theo ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, thực tế những người lãnh đạo có chức, có quyền không những phải có đủ năng lực mà còn phải có tâm cống hiến. "Bây giờ mà công khai cho phép "chạy chức, chạy quyền" thì những người có tiền đều chạy hết? Bộ máy lãnh đạo của chúng ta sẽ ra sao? Con cháu chúng ta sau này sẽ đánh giá như thế nào? Việc này vừa vi phạm pháp luật, vừa không đúng với bản chất chế độ của ta", ông Thuyền đặt câu hỏi.

    Mặc dù không đồng tình với ý kiến trên nhưng ông Nguyễn Bá Thuyền thừa nhận, đề xuất trên cũng truyền tải những thông điệp nhất định. Theo ông Thuyền, việc cho phép "chạy chức, chạy quyền" tuy là không đúng nhưng nó đã phần nào phản ánh được thực trạng "chạy chức, chạy quyền" của một bộ phận cán bộ ta hiện nay.

    "Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, "chạy chức, chạy quyền" là cuộc đấu tranh gay go và quyết liệt nhất. Điều quan trọng cần làm ngay không phải ở chỗ không làm được là cấm, hoặc công khai thừa nhận, mà chúng ta phải tìm ra được cơ chế để làm sao cán bộ không dám tham nhũng, sợ tham nhũng và không cần tham nhũng", ông Thuyền nhấn mạnh.

    Cũng theo quan điểm của nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng, việc trừng phạt thôi không đủ sức răn đe và ngăn chặn loại tội phạm này. Nhiều cán bộ của ta hiện nay không biết xấu hổ nên việc ngăn chặn tham nhũng, ngăn chặn "chạy chức, chạy quyền" đã khó lại càng thêm khó. "Do vậy, đề xuất cần phải luật hóa "chạy chức, chạy quyền", theo tôi giống như một sự phản kháng, phản ứng lại trước thực trạng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn như hiện nay. Nó giống như một lời nói khích, thể hiện thái độ cá nhân hơn là có tính thực tiễn để áp dụng về sau này", Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ.

    Anh văn - Vũ Phương - Phạm Thiệu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news