Tin mới

Tranh cãi gay gắt về việc Hà Nội "cấm xe" khi tuyến buýt nhanh hoạt động

Thứ bảy, 17/12/2016, 14:14 (GMT+7)

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ tuyến buýt nhanh của thành phố, nhiều người lại cho rằng, đây chỉ là bài toán quy hoạch mang tính chất chắp vá, khó có được hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ tuyến buýt nhanh của thành phố, nhiều người lại cho rằng, đây chỉ là bài toán quy hoạch mang tính chất chắp vá, khó có được hiệu quả như mong muốn. 

Ngày 14/12, phương án tổ chức giao thông ưu tiên cho tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa do Sở Giao thông vận tải và Công an Hà Nội gửi trình UBND thành phố đã được thống nhất. Dự kiến đầu năm 2017, tuyến buýt nhanh sẽ đi vào vận hành chính thức. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km mà chỉ mất khoảng 30 phút thay vì mất hơn một tiếng đồng hồ như xe buýt thường hiện nay. 

Ngày 15/12, 29 xe buýt nhanh đã bắt đầu chạy thử và khớp nối kỹ thuật; tần suất dự kiến từ 3-5 phút/chuyến, tốc độ trung bình 22-30km/h, thời gian vận hành 1 lượt là 45-50 phút. Cùng với đó, nhiều phương tiện sẽ bị cấm khi xe buýt nhanh hoạt động để xe chạy thông suốt, tránh những xung đột với các phương tiện giao thông khác. 

Đối với đoạn Ba La - Cát Linh có chiều dài khoảng 12,2 km, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức phân làn riêng bằng vạch sơn liền kết hợp đinh phản quang. Các đoạn còn lại từ Giảng Võ đến Kim Mã, từ Yên Nghĩa tới Ba La, xe buýt nhanh đi chung với các phương tiện khác. Các nút giao trên tuyến được tổ chức lưu thông bằng hệ thống đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn theo nguyên tắc ưu tiên cho buýt nhanh. 

Việc "cấm xe" phục vụ hoạt động của tuyến buýt nhanh Hà Nội gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Ảnh: Vietnamnet

Trong khi bài toán giao thông Hà Nội đang rất nan giải thì sự xuất hiện của tuyến buýt nhanh - theo một số đánh giá - là tín hiệu khởi phát góp phần giải quyết tình trạng quá tải về mật độ giao thông, tắc đường, ô nhiễm khói bụi, khuyến khích và dần tạo lập thói quen sử dụng các phương tiện công cộng. Và theo đó, chủ trương "cấm xe" của thành phố là hoàn toàn đúng đắn, bởi một khi hạn chế hoặc giảm thiếu được các phương tiện giao thông cá nhân thì sẽ "dọn đường" cho sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại hình giao thông công cộng. 

Và với đô thị lớn như Hà Nội, một loại hình phương tiện hiện đại, văn minh, lịch sự, an toàn, chạy đúng tiến độ như xe buýt nhanh đã mang lại sự tiện ích thấy rõ. Theo thời gian, nếu thành phố đảm bảo duy trì được những yếu tố trên thì một bộ phận lớn cư dân thành phố chuyển hướng sang lựa chọn loại hình dịch vụ này sẽ là phổ biến. Vấn đề còn lại chỉ là ý thức tham gia giao thông của người dân trên địa bàn. Hơn nữa, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển các loại hình phương tiện công cộng tiện ích là xu thế chung tất yếu trong phát triển đô thị theo hướng bền vững. 

Tuy nhiên, bên cạnh những nhận định trên, vẫn xuất hiện nhiều ý kiến, phản ứng có phần gay gắt về việc "cấm xe" để ưu tiên cho xe buýt nhanh hoạt động. Cùng với đó, các ý kiến đều đưa ra những dẫn dụ cụ thể mang tính chất phổ biến để thấy vận hành xe buýt nhanh trong nội đô là không khả quan.

Một là, cấm chỗ nọ, gây phình tắc chỗ kia thì chỉ là một bài toán quy hoạch chắp vá. Cấm đường, người tham gia giao thông sẽ tìm cách chuyển sang tuyến đường khác chứ không có nghĩa là họ phải lựa chọn xe buýt nhanh. Và rồi đường đã tắc là càng tắc thêm, các điểm đen về ách tắc giao thông dọc theo lộ trình của tuyến buýt nhanh cũng theo đó mà trở thành không cứu vãn. Hiệu quả buýt nhanh đâu chưa thấy, nhưng hệ quả nhãn tiền là giao thông thành phố sẽ càng nên nan giải và hỗn độn hơn. 

Hai là, nếu cấm các phương tiện khác để giúp xe buýt nhanh chạy cho nhanh thì cũng không cần thiết phải đầu tư chi phí để mở thêm tuyến này làm gì, vì buýt thường cũng có thể chạy như buýt nhanh nếu có được "đường thông hè thoáng". 

Ba là, trong khi xe máy đang là phương tiện di chuyển chủ yếu của cư dân thủ đô thì việc cấm loại xe này để buýt nhanh hoạt động liệu có khả quan? Đơn cử, liệu có người dân nào chọn đi vài ba chặng xe buýt mới có thể đến được nơi cần đến trong khi trước đó, di chuyển bằng xe máy khá thuận tiện, mất ít thời gian và chi phí hơn. Hơn nữa, liệu buýt nhanh có thể chuyên chở được đồ đạc giống như xe máy đã và đang chuyên chở hàng ngày?

Bốn là, sinh ra cầu vượt là để giảm ùn tắc tại các ngã tư, bây giờ cấm xe máy và các phương tiện khác lưu thông trên cầu vượt đồng nghĩa với một dòng xe trên cao trước đây lại "đổ xuống" phía dưới ngã tư. Vậy thì "trên thông, dưới ùn" là điều khó tránh khỏi. 

Năm là, trong khi ý thức tham gia giao thông của người dân trên địa bàn thủ đô còn nhiều điều đáng bàn, xe cứu hỏa, cứu thương xin đường còn không thể vượt; xe máy leo lên cả vỉa hè... thì dải phân cách mềm để phân làn riêng cho xe buýt nhanh liệu có thể phát huy tác dụng, và đèn tín hiệu ưu tin liệu có ý nghĩa gì! 

Và trong khi chỉ để phục vụ cho một tuyến buýt nhanh mà "bắt" các tuyến khác ùn ứ, gây bất tiện và tốn kém cho người dân, doanh nghiệp, người kinh doanh, người lao động... thì sự phân bổ này liệu có hợp lý? 

Tuyến Xe buýt nhanh Hanoi BRT có chiều dài khoảng 14,7 km, với 21 nhà chờ (12 nhà chờ 4m và 9 nhà chờ 5m), 01 trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, 01 trạm đầu cuối Yên Nghĩa, 04 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 01 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong bến xe Yên Nghĩa. Tuyến sẽ sử dụng loại xe buýt 12m. 

Ngày 15/12, xe buýt nhanh Hà Nội bắt đầu chạy thử tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa và dự kiến đầu năm 2017 sẽ vận hành chính thức. 

Các trục đường có bố trí 1 làn đường dành riêng để Xe buýt nhanh, gồm: Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn, đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút Giang Văn Minh - Cát Linh, tổng chiều dài 12,2 km.

Các đoạn Xe buýt nhanh chạy chung với các phương tiện khác, gồm: Yên Nghĩa - ngã ba Ba La, Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ, tổng chiều dài 2,5km. 

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news