Nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm trái chiều trước những quy định như công chức không được mặc váy ngắn, xăm hình, sử dụng nước hoa... trong "Bộ quy tắc ứng xử" của Sở VH &TT Hà Nội vừa trình làng.
Sở VH &TT Hà Nội vừa trình làng “Bộ quy tắc ứng xử” dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội như: không được xăm hình, không được vẽ hình phản cảm, sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp, không mặc váy ngắn... Dự thảo “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính, nơi công cộng TP Hà Nội” dự kiến được ban hành tháng 1/2017.
Một số quy định trong "Bộ quy tắc ứng xử" này đã và đang là đề tài gây tranh luận gay gắt trong giới chuyên gia cũng như độc giả. Có ý kiến ủng hộ và cho rằng cần thực hiện nghiêm túc những quy định của bộ quy tắc. Bên cạnh đó, cũng không ý người cho rằng, một số quy định trong bộ quy tắc đã vi phạm đến quyền cá nhân.
Trao đổi trên Vietnamnet, GS. Trần Lâm Biền khẳng định, những quy định trên cần được nghiêm túc và không xâm phạm đến quyền tự do cá nhân: "Những quy định này không hề xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của riêng ai cả. Bây giờ đến cơ quan hành chính nào làm việc, ngay ngoài đầu cửa cũng đều có bảng nội quy quy định ra vào nơi đó.
Chuyện ăn mặc hở hang, không đúng quy định sẽ làm cho người làm cùng phân tán tư tưởng. Một khi tư tưởng đã phân tán thì công việc không thể hoàn thành, còn chưa kể những tư tưởng, suy nghĩ đó có thể lệch lạc ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường làm việc.
Tuy nhiên, những quy định này nếu áp dụng được trên toàn thành phố nên nhẹ nhàng, không nên rập khuôn, cứng nhắc thì sẽ rất tốt".
GS. Trần Lâm Biền ủng hộ những quy định trong "Bộ quy tắc ứng xử". Ảnh internet |
Thể hiện quan điểm đồng tình với bộ quy tắc trên, PGS.TS Nguyễn Quý Đức cho biết trên VTC News: "Về cơ bản là tôi đồng tình. Thường dân thì cứ việc tự do thể hiện, nhưng đã là công chức có nghĩa là bạn đang có một phần trách nhiệm chung của xã hội. Ai cũng có quyền tự do nhưng tự do đôi khi cũng cần trong khuôn khổ nhất định.
Việc ăn mặc khiêu gợi, xăm trổ đầy người, đánh móng tay chân đủ màu, nước hoa thơm lừng... thì hãy dành cho những buổi đi chơi hoặc làm công việc nghệ thuật. Làm công chức nhà nước là thường xuyên tiếp xúc với ông già bà cả, trẻ em, có cả người nghèo... nên tạo hình ảnh để không quá khác biệt."
Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia cho rằng, bộ quy tắc ứng xử trên có phần cứng nhắc, vi phạm quyền cá nhân. Trao đổi trên Tuổi trẻ, GS. Ngô Đức Thịnh nguyên viện trưởng viện nghiên cứu văn hoá VN cho rằng: "Không có quy tắc ứng xử thì cũng dở, nhưng nếu nhất nhất bắt buộc mọi người phải thực hiện theo những quy tắc này thì lại càng dở hơn. Bởi quy tắc này có những khía cạnh không thực tế".
"Bộ quy tắc ứng xử" quy định công chức, viên chức không mặc váy ngắn, xăm hình. Ảnh internet |
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến còn cho rằng, một số quy định trong bộ Quy tắc ứng xử này vi phạm quyền công dân. Ông Tiến bày tỏ quan điểm của mình trên Tuổi trẻ, theo góc độ quyền công dân trong Hiến pháp thì nhiều quy định trong bộ Quy tắc ứng xử đã động chạm đến quyền tự do cá nhân của công dân.
“Ví dụ chuyện xăm trổ thì tổ tiên chúng ta từ thời xa xưa đã xăm trổ rồi. Nhưng quan trọng nhất, nếu điều đó không gây phản cảm thì không có vấn đề gì cả, vì ai cũng có quyền làm đẹp cho bản thân mỗi người, kể cả việc dùng nước hoa, mỹ phẩm hay xăm trổ…
Đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Dù là công chức Nhà nước thì họ cũng là công dân nên họ vẫn phải có những quyền cơ bản của công dân chứ?”
Nói về vấn đề công chức không xăm hình, sử dụng nước hoa phù hợp, trao đổi trân báo Người đưa tin, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho rằng: “Công chức, viên chức dùng nước hoa phù hợp là không được xức quá, làm ảnh hưởng đến người khác.
Nhiều người dùng nước hoa, mỹ phẩm sặc mùi quá làm cho người khác sẽ có cảm giác khó chịu, hay là dị ứng. Chính vì thế, công chức viên chức phải biết sử dụng nước hoa làm sao cho vừa phải. Trong cơ quan mà sử dụng nước hoa nồng nặc quá nó cũng phản cảm, không phù hợp.
Công chức, viên chức khi đánh son phấn nhiều quá đi đến cơ quan cảm giác nó phảm cảm chỉ cần đánh nhẹ nhàng, vừa phải thôi thì ổn. Chúng ta tạm hiểu là như vậy”.
Bộ quy tắc có 6 chương, 16 điều. Mục đích là xây dựng nền hành chính Thủ đô chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả. Theo đó, về trang phục, công chức, viên chức phải sử dụng trang phục công sở lịch sự (mặc áo có ống tay, cổ áo; mặc váy dài đến gối), đầu tóc gọn gàng, không xăm hình, vẽ hình phản cảm, sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp. Về tác phong, tư thế, cử chỉ của công, viên chức phải nghiêm túc, thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp, ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, mạch lạc, không nói tục. Khi ứng xử với người dân, công chức không được gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tấn công người dân. Nếu có va chạm, cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức... Đối tượng áp dụng của bộ quy tắc là công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội. |
Quốc Huy (tổng hợp)