Tin mới

Tranh cãi việc có nên khởi tố hình sự vụ cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước lau bảng

Thứ bảy, 07/04/2018, 10:21 (GMT+7)

Liên quan đến vụ cô giáo bắt học sinh dùng nước giặt giẻ lau bảng súc miệng, nhiều người thắc mắc ngoài việc bị cho thôi việc cô này có thể bị xử lý hình sự không?

Liên quan đến vụ cô giáo bắt học sinh dùng nước giặt giẻ lau bảng súc miệng, nhiều người thắc mắc ngoài việc bị cho thôi việc cô này có thể bị xử lý hình sự không?

Vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Minh H. (SN 1993) - Giáo viên tại Trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh nói chuyện trong lớp bằng cách ép em này súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng đã khiến cho dư luận xôn xao.

Cô giáo ép học sinh uống nước giặt giẻ gây xôn xao. Ảnh internet

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp lý, Ths. Luật sư (LS) Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội cho biết: "Tôi không thể tưởng tượng được là tại sao lại có chuyện cô giáo bắt học sinh phải súc miệng (cháu bé nói là uống) nước gặt giẻ lau ngay trên lớp học. Sự việc này chắc chắn rằng sẽ khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc. Nếu như là việc cô giáo đánh học sinh thì có thể cho là nóng nảy, thiếu kiểm soát.

Ở đây hành vi học sinh uống nước bẩn là nước giặt giẻ lau bảng thì rõ ràng không còn là hành vi nóng nảy, hành vi này có dấu hiệu của tội hành hạ người khác. Hành vi này thể hiện sự thiếu tình thương với trẻ và không đủ phẩm chất, đạo đức để có thể tiếp tục đứng trên bục giảng.

Vì vậy, sự việc này không chỉ giải quyết trong nội bộ nhà trường mà còn có thể yêu cầu cơ quan Công an vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Nếu kết quả xác minh cho thấy cô giáo đã có hành vi đối xử tàn ác với học sinh, khiến học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chấn động tâm lý, gây dư luận xấu trong xã hội thì cô giáo này sẽ bị đuổi việc và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác".

Theo ông Cường, Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín con người. Mọi hành vi xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín con người đều là hành vi vi phạm pháp luật.

 

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả mà hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi làm nhục người khác.

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Lao Động, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, không thể cho cô giáo trẻ cơ hội tiếp tục làm nghề, bởi nghề giáo không phù hợp với cô.

Việc cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng không chỉ làm một học sinh chịu "ngộ độc tâm lý", mà còn làm cả lớp phải chứng kiến hình phạt rùng rợn của cô. Sự việc xảy ra gây hoang mang cho phụ huynh, ảnh hưởng xấu đến danh dự nhà giáo, ngành giáo dục. Thậm chí hành vi của cô có dấu hiệu hành hạ người khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tinh thần của học sinh.

Tuy nhiên, luật sư Ứng cũng cho rằng, nếu đây là lần đầu tiên cô giáo thực hiện hình phạt này với học sinh thì chưa đến mức xử lý hình sự, có thể xử phạt hành chính về cùng hành vi. 

"Tất nhiên, ai cũng có sai lầm và mọi việc cũng sẽ có điểm dừng, nhưng làm nghề giáo ngoài trình độ chuyên môn còn phải có trái tim nhân hậu. Cô nên chọn nghề khác cho phù hợp và hy vọng cô sẽ trở nên hữu ích hơn. Hãy để "nghề chọn mình chứ không nên để mình chọn nghề" - Luật sư Bùi Đình Ứng đưa ra lời khuyên với cô giáo trẻ.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news