Tin mới

Tranh chấp Dinh Nhà Vương: Cái lý của người Mèo

Thứ tư, 22/08/2018, 09:23 (GMT+7)

Chưa nguôi chuyện điểm thi, Hà Giang lại gây chú ý dư luận với vụ tranh chấp ngôi dinh thự 100 tuổi của Vua Mèo. Khi hiểu nội tình câu chuyện, nhiều người tủm tỉm cười khi nhớ lại giai thoại “Cái lý của người Mèo”...

Chưa nguôi chuyện điểm thi, Hà Giang lại gây chú ý dư luận với vụ tranh chấp ngôi dinh thự 100 tuổi của Vua Mèo. Khi hiểu nội tình câu chuyện, nhiều người tủm tỉm cười khi nhớ lại giai thoại “Cái lý của người Mèo”...

Bất cứ ai dù chỉ một lần đặt chân đến Hà Giang cũng đều không thể bỏ qua địa danh Dinh Nhà Vương (hay còn gọi là Dinh Vua Mèo) – ngôi dinh thự trăm tuổi mang phong cách kiến trúc độc đáo của 3 nền văn hóa: Dân tộc Mông (Việt Nam), Trung Quốc và Pháp.

Chính bởi vậy, câu chuyện cháu nội Vua Mèo vừa đâm đơn lên tận Thủ tướng kiện tỉnh Hà Giang vì bị tước mất quyền sử dụng ngôi dinh thự đã trở thành câu chuyện cũng như tình huống pháp lý gây chú ý.

Xi nhan Trái Phải - Tranh chấp Dinh Nhà Vương: Cái lý của người Mèo

Dinh Vua Mèo có kiến trúc độc đáo (ảnh: Tài Trần)

Theo đó, ngày 16/8/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang và bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có báo cáo tổng quan về quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương tại xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn. Trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự và đề xuất giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2018.

Trước đó, ngày 21/7/2018, ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình đã gửi thư lên Thủ tướng kêu cứu về việc bị tước quyền sử dụng tòa dinh thự nổi tiếng này. Theo phản ánh thì mới đây khi có nhu cầu cấp sổ đỏ cho ngôi dinh thự rộng gần 3.000m2, con cháu Vua Mèo bàng hoàng phát hiện: Năm 2012, UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn.

Xi nhan Trái Phải - Tranh chấp Dinh Nhà Vương: Cái lý của người Mèo (Hình 2).

Dinh Nhà Vương có diện tích gần 3000m2 nằm giữa thung lũng Sà Phìn (ảnh: Internet)

Trả lời thắc mắc của ông Vương Duy Bảo, sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Giang khẳng định việc cấp sổ đỏ cho phòng Văn hóa Thông tin là “phù hợp quy định của pháp luật”.

Vậy quy định này là quy định nào?

Trong văn bản trả lời ông Vương Duy Bảo, sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang dẫn khoản 1 Điều 98 luật Đất đai 2003 quy định: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND tỉnh, thành phố quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt”; Khoản 1 Điều 54 Nghị định 181 về việc thi hành luật Đất đai nêu: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh”.

Tuy nhiên, vẫn tại Nghị định 181, khoản 2 Điều 54 lại nêu rõ: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa mà di tích lịch sử, văn hóa đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân”.

Trả lời báo chí, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định việc sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang cấp sổ đỏ Dinh Vua Mèo cho phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn là thiếu căn cứ.

“Luật Di sản Văn hóa quy định nếu di sản đó của tư nhân thì phải công nhận quyền sở hữu của tư nhân. Nhà nước chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, trợ giúp để bảo vệ di sản. Công nhận di sản không đồng nghĩa với quốc hữu hóa”, ông Võ nói.

Nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Hà Giang nên xem xét thu hồi sổ đỏ đã cấp cho phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn, trả lại quyền sử dụng đất và sở hữu dinh thự cho gia tộc họ Vương.

Xét dưới góc độ thừa kế, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, tòa dinh thự là tài sản thừa kế của con cháu họ Vương. Đây là khối tài sản có giá trị lớn (được xây dựng bằng 150 vạn đồng bạc Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng lúc bấy giờ) thuộc sở hữu tư nhân, do đó chỉ có những người thuộc hàng thừa kế mới có quyền định đoạt, bao gồm cả việc đề nghị cấp sổ đỏ.

“Sổ đỏ đã cấp cho phòng Văn hóa Thông tin Đồng Văn không có giá trị pháp lý nếu cấp sai quy định về quyền thừa kế trong bộ luật Dân sự” – luật sư Truyền nói.

Đến đây tôi bỗng nhớ tới giai thoại hình thành câu thành ngữ “Cái lý của người Mèo (Mông)”, sau này được nhiều cán bộ người Kinh sử dụng để chia sẻ với nhau mỗi khi lên làm việc và sinh hoạt với bà con người Mông.

Chuyện là, cán bộ khi tiếp viện lương thực lên cho bà con thường giải thích:

- Đồng bào thông cảm, vì đường lên Hà Giang hiểm trở khó khăn lắm, cán bộ đã cố gắng nhưng chỉ mang được ngần này muối, ngần này dầu hỏa lên thôi. Vất vả lắm đấy nhé.

Đồng bào hỏi lại:

- Tại sao cái cây gỗ trên rừng của tao to thế, con ngựa, con hươu con nai của tao nặng thế mà có cán bộ chở về xuôi không thấy kêu khó, kêu khổ?!

Lại chuyện nữa: Một lần, mấy thiếu nữ dân công người Mông gõ cửa xin đi nhờ xe cán bộ từ Hà Giang về Đồng Văn.

Xe chạy một đoạn, cán bộ nói đùa:

- Ngồi ô tô thích không? Lát nữa đến huyện phải trả tiền xe nhé.

Thiếu nữ Mông cười mà bảo:

- Tao làm đường cho xe cán bộ đi. Cái cán bộ không cảm ơn còn đòi tiền xe à?

Từ những câu chuyện đó, câu thành ngữ “Cái lý của người Mèo (Mông) ra đời. Cán bộ miền xuôi rỉ tai bảo nhau: Đồng bào Mông rất nhanh trí và hay cãi lý. Bởi vậy, đã lên với đồng bào là phải 3 cùng và phải thực tâm.

Trở lại câu chuyện tranh chấp Dinh Vua Mèo, mới thấy giai thoại xưa và câu thành ngữ xưa còn nguyên giá trị. Một gia tộc lớn như gia tộc họ Vương, lại đã từng theo Cách Mạng (Vua Mèo Vương Chí Sình (1886 - 1962) là người anh em kết nghĩa với Bác Hồ, là đại biểu Quốc Hội khóa I và II), thì cái lý của họ cũng không thể tầm thường.

Minh Minh

Nguồn: Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news