"Trường hợp để xảy ra các vụ tai nạn như trên, cơ quan có trách nhiệm quản lý, duy tu công trình đô thị phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân" - luật sư Lê Văn Kiên nhận định.
Vừa qua, vào khoảng 14 chiều ngày 16/10, giữa lúc mưa lớn, một bé trai đang chơi ở ngoài thì bất ngờ bị nước cuốn xuống miệng cống ở đường số 4, Trung tâm hành chính thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cháu bé sau đó được xác định là Hoàng Xuân Hiếu (8 tuổi, trú tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An). Theo ghi nhận, từ chiều cùng ngày đến sáng ngày 17/10, Công an thị xã Dĩ An, Sở Cảnh sát PCCC Bình Dương đã huy động lực lượng cứu hộ lên tới hàng trăm người để tìm kiếm cháu bé nhưng vẫn chưa tìm thấy.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra tai nạn trên, mà trước đó, hồi tháng 9/2014, tại tỉnh này, 2 bé trai (một 7 tuổi và một 9 tuổi) cũng bị nước mưa cuốn trôi xuống cống. Tại vị trí các cháu gặp tai nạn thì một nơi đường không có nắp cống, một nơi nắp cống bị bật tung...
Cụ thể, vào khoảng 17h ngày 6/9/2014, cháu La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang) cùng 2 trẻ khác tắm mưa trên tuyến đường 22-12 (khu phố Hoà Lần 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An). Cơn mưa lớn khiến đường bị ngập sâu, nước chảy xuống cống quá mạnh, một số nắp cống bị đẩy khỏi miệng cống. Trong lúc đùa giỡn với bạn, cháu Tỷ bị rơi vào miệng cống thoát nước rộng khoảng 2 m2 trên vỉa hè.
Phát hiện sự việc, một số người dân vội lao đến cứu, tuy nhiên, dòng nước chảy xiết đã cuốn bé trai sâu xuống lòng cống.
Sau hơn 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, đến 0h ngày 9/9/2014, lực lượng cứu hộ và cứu nạn thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương mới tìm thấy thi thể cháu Tỷ.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn trẻ bị rơi xuống cống và chết thương tâm |
Trường hợp tai nạn của cháu Lê Văn Mạnh (7 tuổi, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Tân Hiệp) cũng tương tự. Cháu Mạnh cũng bị nước cuốn xuống cống vào chiều ngày 06/9/2014. Vị trí cháu gặp nạn là tại đoạn cống trên đường ĐH409 thuộc khu phố Bà Tri, P.Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên. Thời điểm đó, tuyến đường này chưa có cống hộp dọc đường mà chỉ có một số cống băng ngang để thoát nước từ bên này qua bên kia đường. Cửa cống không có tấm đan hay bất cứ vật cản nào trước miệng cống. Thi thể của cháu Mạnh được tìm thấy ngay sau khi bị nạn và được lực lượng chức năng bàn giao cho gia đình.
Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn trẻ nhỏ bị rớt xuống cống và chết thảm đã làm dấy lên nhiều dấu hỏi về việc có hay không trách nhiệm của những người quản lý liên quan khi cống thiết kế mà không có chắn an toàn; không có nắp, để một đứa trẻ 9, 10 tuổi có thể lọt xuống...
Được biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn "lọt cống" của cháu Mạnh và cháu Tỷ, thông tin trên báo Tuổi trẻ, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, theo phân cấp thì các tuyến đường 22-12 và ĐH409 do thị xã quản lý nên trách nhiệm trực tiếp thuộc về UBND các thị xã, Sở GTVT chỉ quản lý về mặt nhà nước và nhắc nhở khi có vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Kiên - Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo Bộ luật dân sự và Nghị quyết số 03/2006 ngày 08/7/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trong trường hợp để xảy ra các vụ tai nạn như trên, cơ quan có trách nhiệm quản lý, duy tu công trình đô thị phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.
"Về nguyên tắc, đại diện các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, duy tu công trình đô thị tại các địa phương và đại diện gia đình nạn nhân tự thỏa thuận mức bồi thường. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì gia đình nạn nhân có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu mức bồi thường thỏa đáng" - Luật sư Lê Văn Kiên cho biết.
Vũ Đậu