Người dân trèo rào vào Công viên nước Hồ Tây để tắm miễn phí gây hỗn loạn và xôn xao dư luận thời gian qua xuất hiện trong một đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn.
Theo tin tức trên Zing.vn, đề thi trên được trích từ cuốn "Tuyển tập 90 đề thi thử quốc gia THPT môn Ngữ văn tập 2" (Nhà sách giáo dục Lovebook) vừa được phát hành.
Đề thi được chụp từ cuốn sách. Ảnh: Zing.vn |
Câu 1 (3 điểm) thuộc phần làm văn của đề có nội dung:
“Hôm nay (19/4), là ngày đầu tiên Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) mở cửa miễn phí cho người dân thủ đô và du khách đến vui chơi và bơi lội. Ngay từ sáng, hàng nghìn người dân đồng loạt kéo đến, khiến công viên rơi vào tình trạng quá tải. Phía công viên phải phát đi thông báo trên hệ thống loa truyền thanh có nội dung tạm dừng phục vụ nhân dân miễn phí và tiến hành cho lực lượng an ninh đóng cổng ngay sau đó.
Tuy nhiên, nhiều người thay vì chấp hành thông báo trên, đã quyết vào trong bằng cách trèo qua hàng rào sắt bất chấp nguy hiểm cho bản thân. Lực lượng an ninh quá mỏng so với biển người đang xuất hiện tại đây, khiến việc ngăn cản người dân vượt rào vào trong gặp nhiều khó khăn”.
Được biết, nhóm ra đề là những sinh viên thuộc lớp Chất lượng cao, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Theo đánh giá của một số học sinh, đề thi được ra với cấu trúc sát theo định hướng của Bộ GD-ĐT, thêm sáng tạo khi vận dụng kiến thức thực tế, xã hội.
Hình ảnh người dân trèo rào vào Công viên nước Hồ Tây tắm miễn phí gây xôn xao dư luận |
Trước đó, câu chuyện tắm miễn phí ở công viên nước cũng xuất hiện trong đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn của trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
Đề bài như sau:
"Ngày chủ nhật hôm qua, Hà Nội tương đối oi bức, lại thêm quyết định mở cửa miễn phí vé vào cửa Công viên nước Hồ Tây trong vòng 2 tiếng đồng hồ từ 8 đến 10 giờ sáng nên lượng người đổ về lại càng đông. Cho đến 9h15 phút phía trong công viên đã quá tải, bể bơi mini cũng có hàng trăm trẻ em đứng ken đặc, người vào mỗi lúc một đông nên ban quản lý công viên quyết định đóng cửa ngừng phục vụ khách.
Lúc này thì bắt đầu xảy ra hiện tượng vỡ trận như một tờ báo đã dùng từ rất chính xác. Cửa bị khóa lại, hàng ngàn người bị đứng ở phía ngoài, trời thì oi bức khiến cho họ đi đến quyết định: Trèo rào vào trong để tắm.
Bất chấp sự ngăn cản của bảo vệ, bất chấp mọi cảnh báo hiểm nguy, đám đông trèo rào này đã quyết là làm, họ đến để được tắm miễn phí, vì thế không thể ra về khi người đang khô.
Cứ chỗ nào có cái chữ miễn phí là y như rằng, chúng ta được chứng kiến bao chuyện cười ra nước mắt. Ở chỗ phát áo mưa miễn phí, người ta trèo lên đầu lên cổ nhau, ở chỗ đổi mũ bảo hiểm miễn phí, người ta đạp lên nhau để giành lấy cho mình bằng được. Ở chỗ phát đồ ăn miễn phí, người ta đứng chờ chực làm tắc nghẽn cả con đường. Bao giờ thì người Việt trưởng thành? Bao giờ hết những đám đông chen lấn vì đồ miễn phí? Bao giờ hết những cơn cuồng nộ vì một buổi tắm miễn phí?
(Vượt rào tắm miễn phí, người Việt cuồng vì sạch sẽ?)
Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được nêu trong văn bản.
Trước đó, theo "bật mí" của Bộ GD-ĐT, đề thi THPT quốc gia sẽ bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, đề thi sẽ vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với học sinh THPT và GDTX và vừa có các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Cách ra đề thi không yêu cầu học thuộc lòng, máy móc chi tiết như trước mà theo hướng mở, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Dựa vào "gợi ý" của Bộ GD-ĐT, tiến sĩ Phạm Hữu Cường (giảng viên Ngữ văn lâu năm) cho rằng đề thi Ngữ văn năm 2015 có thể tăng cường các câu hỏi tổng hợp, đề mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh bày tỏ chính kiến của mình.
Trong cấu trúc đề thi minh họa môn ngữ văn do Bộ GD-ĐT công bố hồi cuối tháng 3 cũng có một câu nghị luận (3 điểm).
H.M (tổng hợp)