Ngày 9/10, Trung Quốc ngang nhiên cho hoạt động hai ngọn hải đăng với tên gọi Huayang và Chigua trên đảo đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.
Ngang ngược, bất chấp cộng đồng quốc tế
Hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc bị dư luận thế giới và Việt Nam lên án.
Mặc dù vậy, Trung Quốc lại tiếp tục thể hiện bộ mặt của mình bằng cách ngụy biện trước truyền thông thế giới về những lợi ích cốt lõi mà Trung Quốc tự cho rằng nó thuộc về mình trên Biển Đông.
Trung Quốc khánh thành hải đăng xây dựng trái phép ở đá Châu Viên (Trường Sa) của Việt Nam - Ảnh: AFP |
Theo tờ China News, dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Doanh nói rằng: "Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, mật độ tàu thuyền qua lại rất lớn, tình hình biển lại phức tạp, thường xuyên xảy ra các sự cố an toàn hàng hải. Hai ngọn hải đăng này sẽ phục vụ cho việc dẫn đường cho các tàu thuyền qua lại tại khu vực Trường Sa, nâng cao an ninh hàng hải" tại Biển Đông.
Bà Hoa còn ngang nhiên nói rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các công trình dân sự khác tại các đảo đá nước này chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa, lấy lý do là "để phục vụ tốt hơn" cho các quốc gia ven Biển Đông và các tàu thuyền qua lại tại Trường Sa.
Bắc Kinh muốn che giấu mưu đồ thâm độc
Trả lời về vấn đề này trên báo Tuổi Trẻ, Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ) phân tích: Rõ ràng Bắc Kinh muốn kêu gọi sự công nhận của các nước về chủ quyền của họ ở Biển Đông thông qua những công trình dân sự như hai ngọn hải đăng này.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Nếu tàu thuyền các nước đi qua vùng biển này và sử dụng tiện ích của hai ngọn hải đăng này, nghĩa là gián tiếp thừa nhận tính hợp pháp của những công trình này ở Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.
Thông qua hành động này, Bắc Kinh muốn che giấu mưu đồ thâm độc, sự vô trách nhiệm và phớt lờ luật pháp quốc tế của họ.
Mỹ sẽ đưa tàu chiến đến Biển Đông
Tờ Financial Times của Mỹ mới đây dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ trong hai tuần tới, hải quân nước này sẽ gửi tàu chiến đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo Trung Quốc bồi đắp trái phép thời gian qua.
Còn trang Foreign Policy dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington giờ đây đã “quyết tâm phô diễn sức mạnh quân sự” trên Biển Đông. “Câu hỏi không còn là có hay không nữa, mà là khi nào” - vị quan chức quốc phòng này nhận định.
Một số tờ báo uy tín trên thế giới đưa tin, Mỹ đã tiết lệ sẽ đưa tàu chiến tới khu vực Biển Đông. Ảnh internet |
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng quyết liệt trước thông tin trên với tuyên bố của người phát ngôn Hoa Xuân Oánh: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm vùng nước chủ quyền và không phận Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa vì lý do bảo vệ tự do hàng hải và hàng không”.
Báo Guardian của Anh nhận xét động thái ra uy của Mỹ cùng phản ứng tức tối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy các quan chức Bắc Kinh và Washington đã không tìm được tiếng nói chung nào trong vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ tháng vừa rồi.
Nếu thật sự diễn ra, động thái tuần tra “sát nách” của hải quân Mỹ sẽ gửi thông điệp trực tiếp đến Bắc Kinh rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vô hiệu lực.
Theo Gulf Times, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin mô tả việc Mỹ gửi tàu chiến đến Biển Đông là sự thực thi tự do hàng hải. “Nếu tàu chiến của họ bị thách thức, điều này có nghĩa không có tự do hàng hải (trên Biển Đông)” - ông Gazmin kết luận.
Video: Tàu Trung Quốc đeo bám chiến hạm Mỹ gần quần đảo Trường Sa
[mecloud]tghFWHEuIG[/mecloud]
Việt Nam kịch liệt phản đối
Hai ngọn hải đăng mới khánh thành chỉ là một trong số hàng chục thậm chí hàng trăm công trình mà Trung Quốc đang triển khai trái phép tại các đảo chiếm đóng trái phép tại Biển Đông.
Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét, cải tạo hàng loạt đảo tự nhiên và nhân tạo thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Trước sự việc lần này, Việt Nam khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Thuận Phong (tổng hợp)