(Tinmoi.vn) Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, muộn nhất là cuối tháng 7, đầu tháng 8 Trung Quốc sẽ rút giàn khoan Hải Dương 981 nhưng không phải là để giữ thể diện, danh dự trước sự phản đối gay gắt của thế giới mà do những âm mưu, lỳ lợm của nước này trong vấn đề biển Đông.
Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội ngày 18/6 vừa qua, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định: Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước có những bước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa. Thế nhưng, trong chính ngày hôm đó (18/6), tàu Trung Quốc vẫn nhiều lần đơn phương xô húc và cho máy bay tuần thám “quần thảo” ở khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Lê văn Cương nhận định: chuyến sang Việt Nam của ông Dương Khiết Trì ngày 18/6 sẽ không làm thay đổi bất kỳ điều gì trong kế hoạch nham hiểm với mưu đồ độc chiếm biển đông của Trung Quốc.
Trung Quốc có “rút giàn khoan trong danh dự”?
“Liên quan đến những căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua, bộ mặt Trung Quốc phô diễn ra thế giới không phải bộ mặt cười mà là bộ mặt nham nhở, lì lợm, dối trá, bỉ ổi và họ đã bị cả thế giới phản đối, chỉ trích. Những điều họ nói họ vẫn nói nhưng làm vẫn làm theo kiểu “nói một đường làm nẻo. Trong tất cả các nước trên hành tinh này chỉ có: kẻ ngu, làm tay sai và nhận đặc ân của Trung Quốc mới tin Trung Quốc”, ông Cương nói.
Trước những động thái “lạ” mới đây của Trung Quốc ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép, theo ông Cương tất cả chỉ là những thủ đoạn vặt để đối phó hoặc nhằm đánh lừa lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
“Việc các tàu hộ vệ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc co cụm lại, không xua đuổi các tàu cá, tàu chấp pháp của Việt Nam là vì chúng biết Việt Nam không dùng đặc công nước, không dùng người nhái nên không cần tản ra để xua đuổi như trước nữa. Nói chung, đừng nhìn những hành vi cụ thể của Trung Quốc mà khái quát thành cái gì đó. Mục đích sâu xa của nó là khống chế vùng biển Đông, biến cái không tranh chấp thành tranh chấp, lấy thịt đè người”, Thiếu tướng Cương nói.
Cũng theo ông Cương, có thể sắp rút giàn khoan Hải Dương 981 nhưng là theo kế hoạch chứ không phải vì danh dự trước những phản ứng gay gắt của thế giới.
“Trung Quốc làm gì có thể diện. Tàu Trung Quốc luôn đơn phương va húc, làm thương tàu Việt Nam vậy mà họ vẫn vu khống lên Liên hiệp quốc rằng tàu Việt Nam đâm 1547 lần vào tàu Trung Quốc. Họ lì lợm, trắng trợn đến thế cơ mà. Trên biển, họ hành xử theo lối dã man trung cổ. Trong vấn đề biển Đông, trông chờ việc “rút giàn khoan trong danh dự” của Trung Quốc không khác nằm ngửa chờ sung rụng”, ông Cương gay gắt trước những hành động “vừa ăn cướp vừa la làng của Trung Quốc.
Thế nhưng ông Cương cho rằng, điều chúng ta cần chuẩn bị đổi phó là sau khi Trung Quốc rút giàn rút khỏi khu vực biển hiện nay thì sẽ cắm vào đâu?
“Giàn khoan Hải Dương 981 giống sân bóng di động nên họ có thể rời đi đâu thì rời. Nếu họ cắm ở vùng biển của Trung Quốc, ngoài khu vực biển Việt Nam thì thôi nhưng giả sử nó cắm vẫn cắm ở vùng biển Việt Nam thì sao, càng ngày càng gần Cam Ranh, gần Gạc Ma thì sao? Những điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì bản chất của Trung Quốc là trơ tráo, lì lợm và xảo trá nên không điều gì là họ không dám làm”, ông Cương nói.
Ngày 18/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tiến hành cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam- Trung Quốc. Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 mà cả hai nước đều là thành viên. Phó Thủ tướng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột, đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước có những bước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa. |
Hoàng Minh