Tin mới

Trung Quốc dốc lực hiện thực hóa tham vọng "vượt mặt" hải quân Nhật

Thứ ba, 12/08/2014, 15:22 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Trung Quốc đang lên kế hoạch tự đóng 10 hàng không mẫu hạm mới nhằm hiện thực hóa tham vọng xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh hơn cả Lực lượng phòng vệ bờ biển (MSDF) của Nhật Bản.

(Tinmoi.vn) Trung Quốc đang lên kế hoạch tự đóng 10 hàng không mẫu hạm mới nhằm hiện thực hóa tham vọng xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh hơn cả Lực lượng phòng vệ bờ biển (MSDF) của Nhật Bản.

Tạp chí quốc phòng Kanwa (Canada) dẫn lời Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng hải quân Mỹ cho biết, Trung Quốc sắp hoàn tất việc đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên. Tuyên bố này của ông Greenert được đưa ra sau khi ông lên thăm Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của nước này.

“Hiện nay, tàu sân bay Liêu Ninh duy nhất hiện có của Trung Quốc vẫn nằm trong quá trình phát triển, họ sẽ chế tạo một chiếc tàu sân bay khác, tốc độ có thể sẽ tương đối nhanh”, ông nói.

Theo ông, Trung Quốc đang xúc tiến việc đóng chiếc thứ hai và hải quân Trung Quốc sẽ sớm đưa chúng vào hoạt động sau khi hoàn thành. Quá trình đóng tàu sân bay thứ hai diễn ra trong khoảng 6 năm. 

Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

Trung Quốc cũng được cho là đang lên kế hoạch tự đóng 10 hàng không mẫu hạm mới để hiện thực hóa tham vọng xây dựng lực lượng viễn dương đầu tiên của nước này.

Trước khi Hải quân Trung Quốc có thể đưa những tàu sân bay nội địa của họ vào hoạt động, họ sẽ phải hoàn thành nhiều công việc trong khoảng thời gian khá ngắn. Tạp chí Kanwa Defense Review cho hay, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Liêu Ninh được xây dựng dựa trên bản thiết kế của một tàu sân bay hạt nhân từ thời Liên Xô mà họ mua về từ Ukraine, do vậy tàu cũng thể chạy bằng năng lượng hạt nhân. 

Liêu Ninh có khả năng chở 50 chiến đấu cơ tàng hình J-15B và một số loại phi cơ khác như K-8 hoặc trực thăng cảnh báo sớm Z-8. Trong tương lai, Trung Quốc có kế hoạch thay thế J-15 bằng chiến đấu cơ J-20 và J-31 chuyên hoạt động trên tàu sân bay. 

Ông Richard Fisher, chuyên gia quân sự tại Trung tâm đánh giá chiến lược quốc tế (IASC, Mỹ), nhận định Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng 4 đến 5 tàu sân bay trong lực lượng thường trực. Con số thậm chí sẽ tăng đến 10 tàu sân bay trong vài thập kỷ tới. 

Tuy nhiên, Đô đốc Greenert nói khoảng cách về năng lực tàu sân bay giữa Mỹ và Trung Quốc rất lớn. Nếu một tàu sân bay Mỹ cho phép 100 máy bay cất và hạ cánh cùng lúc thì tàu Trung Quốc chỉ đáp ứng cho 10 máy bay. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng Trung Quốc "đang phát triển với bước đi nhanh chóng".

Hãng AFP có bài viết “Tàu sân bay Trung Quốc thể hiện tham vọng hải quân” cho rằng: “Tàu sân bay là một tiêu chí của hải quân nước lớn”, mục tiêu của Trung Quốc là vượt qua Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và cuối cùng sánh vai với Hải quân Mỹ. Điều này phải mất vài chục năm và vài tỷ USD để xây dựng nhiều cụm chiến đấu tàu sân bay.

Nhà nghiên cứu James Hardy và Lee Willett của tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh cho rằng, quân đội Trung Quốc cũng ý thức được “ý nghĩa tượng trưng quan trọng của thực lực tàu sân bay trong giành lấy vị thế toàn cầu”. Họ cho rằng, về trung và dài hạn, Trung Quốc sẽ muốn “tăng cường hiện diện trên toàn thế giới” để bảo đảm lợi ích của họ về tài nguyên, thị trường và hàng hải, “vì vậy cần triển khai hiện diện hải quân rộng”.

 

Yên Yên (Tổng hợp từ Giáo dục Việt Nam, Vtc, Zing News)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Tham mưu trưởng