(Tinmoi.vn) Những hành động ngang ngược của Trung Quốc liên tiếp trong thời gian gần đây cho thấy “người bạn láng giềng” này đang tự đạp đổ 16 chữ vàng mà lãnh đạo hai nước Việt – Trung từng xây dựng, gìn giữ.
Thực hiện phương châm 16 chữ vàng "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", trong hơn 60 năm qua, nhất là từ khi hai nước thiết lập lại mối quan hệ đến nay, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam không ngừng vun đắp, đưa quan hệ hữu nghị với Trung Quốc lên tầm cao mới. Thế nhưng, những động thái ngang ngược của Trung Quốc trong vài năm gần đây, nhất là việc ngày 2/5/2014 Trung Quốc trái phép đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam dường như đã đạp đổ mọi nỗ lực trên.
Từ ngày 2/5 đến nay, nhằm bảo vệ chiếc giàn khoan 981 đặt trái phép trên vùng biển cách đảo Lý Sơn hơn 180 m, Trung Quốc không ngừng tăng số lượng tàu, trong đó có cả tàu chiến, tàu ngầm tên lửa, thậm chí huy động cả máy bay. Không những thế, Trung Quốc còn nhiều lần cố tình gây đụng độ, làm hỏng và gây thương tích cho tàu thuyền, ngư dân Việt Nam. Nghiêm trọng nhất, chiều qua (26/5), tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Đà Nẵng ngay tại vùng biển của Việt Nam, cách giàn khoan Hải Dương 981 17 hải lý. Điều này cho thấy, trong khi Việt Nam hết sức kiềm chế thì Trung Quốc vẫn ngoan cố tiếp tục đẩy lên những nấc thang mới trong cuộc xung đột ở biển Đông.
Coi trọng mối quan hệ láng giềng với Trung Quốc và chủ trương xử lý mọi xung đột bằng ngoại giao hòa bình nhưng Đảng, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam luôn nêu cao quan điểm: Độc lập tự do của dân tộc là quý giá nhất.
Cụ thể, Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines (21 – 22/5), khi trả lời báo chí nước ngoài về vấn đề Biển Đông, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Trước đó, trong buổi giao lưu với các nhà khoa học ngày 17/5, khi nhắc đến Trung Quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn sử dụng cách gọi thân mật “người bạn láng giềng”. Thế nhưng ông cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng về những hành động ngang ngược, vi phạm chủ quyền dân tộc Việt Nam của Trung Quốc mới đây và về “cái gọi là 16 chữ vàng” trong mối quan hệ hai nước.
Theo Phó Thủ tướng, 16 chữ vàng đó rất tốt đẹp và hai bên phải cùng nhau xây dựng, củng cố, hướng tới một mối quan hệ theo đúng 16 chữ. Việt Nam trân trọng, nâng niu tình hữu nghị giữa hai dân tộc và chúng ta chân thành, thực tâm và nỗ lực hết mình để xây dựng mối quan hệ dựa trên 16 chữ vàng ấy. Bây giờ chúng ta vẫn phải phấn đấu hướng tới cái đó. Nhưng, độc lập, tự do của dân tộc, đúng như lời Bác dạy, mới thứ là quý nhất.
“Gọi đó là những chữ vàng, chắc có ý muốn so sánh là quý như vàng. Nhưng vàng chưa phải là quý nhất, kim cương còn quý hơn vàng. Nhưng rồi có thứ còn quý hơn cả kim cương nữa. Đó chính là lời Bác Hồ đã dạy, chỉ 4 chữ thôi: “độc lập, tự do”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Vàng có kim cương quý hơn và có thể có nhiều thứ quý hơn kim cương. Nhưng mà trên hết, không có thứ gì quý bằng độc lập, tự do”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trong buổi họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông (ngày 23/5), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng nhấn mạnh điều này.
“Xin khẳng định chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với dân tộc VN, nên không có gì có thể đánh đối được. Như các bạn đã biết, vàng rất quý, nhưng độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng”, ông Lê Hải Bình nói trước hơn 200 phóng viên, nhà báo của các hãng thông tấn trong và ngoài nước tham dự buổi họp báo.
Không chỉ bây giờ mà các lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam trước đây cũng luôn coi trọng, gìn giữ, xây dựng mối quan hệ hữu nghị hai nước nhưng “Lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc phải là tối thượng". Với nguyên chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, đây là lẽ sống và là điều ông luôn nhấn mạnh trong các cuộc trao đổi với báo chí trong nước, quốc tế.
Hoàng Minh