Theo lời kể của Trung úy Dương, lúc máy bay rơi, có thể 21 con người còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra vì tất cả chỉ xảy ra trong khoảng 1 phút đồng hồ.
Ngày giỗ đầu của 20 chiến sỹ trên chuyến bay định mệnh ngày 7/7 năm ngoái, trong phòng điều trị đặc biệt của Viện Bỏng Quốc gia, Trung úy Đinh Văn Dương - người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn rơi máy bay thảm khốc đã liên tục rớt nước mắt khi nhớ về đồng chí, đồng đội của mình.
Suốt một năm ròng, trải qua suốt 4 tháng cấp cứu bằng máy thở, nhiều lần điều trị vết bỏng, cấy ghép da toàn thân, phẫu thuật cắt tay, chân, phẫu thuật phần đầu bị vỡ, Trung úy Đinh Văn Dương đã dần hồi phục, có thể tỉnh táo trò chuyện.
Không chỉ đối với riêng bản thân anh, mà với tất cả các y bác sĩ, việc sống sót của anh sau vụ tai nạn rơi máy bay thảm khốc chính là một kỳ tích. Anh tâm sự, bản thân cũng không nghĩ là mình có thể còn sống tới ngày hôm nay, trong khi 20 người còn lại đã mãi mãi ra đi. Và đối với anh, những giây phút cuối cùng trước khi chiếc máy bay quân sự nổ tung có lẽ là thời khắc ám ảnh nhất trong cuộc đời mình.
"Chỉ trước đó hơn 1 phút, 21 anh em đồng đội, chiến sĩ, thầy trò còn đang cười đùa, hứng khởi, sẵn sàng cho những pha bung dù lần lượt trong buổi tập cuối cùng. Vậy mà chỉ trong nháy mắt, chuyện thảm khốc xảy ra..." - Trung úy Dương nghẹn lại.
Theo trí nhớ của anh, sáng 7/7, sau khi ăn sáng xong, toàn bộ các chiến sỹ khẩn trương tập trung, bắt đầu cho buổi huấn luyện bay thường kỳ.
Thời điểm cất cánh từ sân bay Hòa Lạc lúc 7 giờ 30 phút, trên chiếc Mi 171 có tổng cộng 21 chiến sỹ. Trong đó, Thượng tá Hoàng Lại Long là phi công lái chính; Thiếu tá Đặng Thành Chung và Đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm là giáo viên dù. Người dẫn đường kiêm phi công lái phụ là anh Lê Thanh Việt; Cơ giới trên không là Đại úy Nguyễn Văn Thanh. 16 chiến sĩ còn lại là học viên sỹ quan dù và chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc công 18 - Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Những vết tích còn lại của máy bay quân sự Mi171 tại khu Hòa Lạc (Ảnh: Vũ Đậu) |
"Trong lượt bay đầu, các bao cát trên máy bay lần lượt được thả xuống để định hướng. Sau khi các bao cát được thả hết, Mi171 tiếp tục quay lại để bắt đầu thả lính nhảy dù. Anh Chung là người thực hiện thao tác "đẩy" lính dù xuống nên anh đứng ngay phía cửa của máy bay. Trên người anh lúc ấy không đeo dù mà chỉ thắt một dây đai nối với bộ phận an toàn phía trong. Còn tôi cùng các đồng đội còn lại đã chuẩn bị hành trang cẩn thận, sẵn sàng cho buổi huấn luyện. Tuy nhiên, khi anh Chung đang mỉm cười, nói với tất cả những người còn lại: "Nào, chúng ta bắt đầu nhé, lần lượt từng người một" thì bỗng nghe tiếng động cơ của máy bay phát ra những tiếng "cạch - cạch - cạch" liên tiếp.
Trong giây phút ngắn ngủi đó, anh Long hét lớn: "Động cơ bị vấn đề!". Những người còn lại vẫn đang dang dở câu chuyện cười đùa với nhau bỗng quay sang, chưa kịp hiểu chuyện gì thì bỗng rầm, và rồi... mọi thứ nổ tung.
Mọi việc diễn ra quá nhanh, từ khi phát hiện tiếng cạch của động cơ cho đến lúc máy bay đâm sầm xuống mặt đất chỉ diễn ra trong khoảng 1 phút. Nhanh đến mức mà các bao cát định hướng thả xuống còn chưa kịp tiếp đất. Tôi đã không thể tin nổi sự thật lúc đó. Và có thể cũng khó có ai có thể tin nổi. Ngay cả phi công, người dẫn đường, giáo viên hướng dẫn bay và cả các anh em, đồng đội còn lại của tôi có lẽ cũng chưa kịp có đủ thời gian để hiểu rằng trong thời khắc ấy, "chúng tôi thực sự đã rơi". Một khoảnh khắc quá kinh hoàng" - Trung úy Dương như nghẹn lại.
Trung úy Dương chỉ mong mình hồi phục nhanh hơn nữa để có thể về thăm lần lượt các đồng đội của mình đang yên nghỉ tại quê nhà (Ảnh: Vũ Đậu) |
Anh cho biết, lúc chiếc Mi nổ, do đứng ở vị trí mạn trái máy bay nên anh văng được ra ngoài, những người còn lại bị mắc kẹt phía trong nên bị nặng hơn.
"Máy bay rơi xuống, phần đuôi quét một vòng qua vạt cây cối trong khu đất. Tôi bị văng vào tường của nhà dân và rơi xuống một cành cây. Lúc ấy, tôi vẫn tỉnh táo, chứng kiến toàn bộ sự thảm khốc vừa mới xảy ra.
Khi mọi phát hiện thấy tôi vẫn còn sống, họ cố tìm cách đưa tôi xuống khỏi ngọn cây. Tôi nhớ mình vẫn còn nói: "Phải cắt dây dù thì tôi mới xuống được".
Lúc được đưa xuống phía dưới, tôi nhìn sang phía bên cạnh và chứng kiến một việc đau đớn nhất trong đời. Bạn bè, đồng đội tôi lần lượt được đưa ra ngoài, xếp nằm cạnh nhau. Ai nấy đều bị bỏng nặng".
Riêng anh Chung, lúc được đưa ra khỏi khu hiện trường, anh ấy vẫn tỉnh, nói chuyện được. Câu đầu tiên của anh ấy khi trải qua giây phút kinh hoàng là: "Làm sao thế!". Và trong khi được mọi người tức tốc sơ cứu, anh ấy nhắn nhủ trong đứt quãng: "Tôi còn rất nhiều anh em, đồng đội phía trong, mau cứu họ". Nhưng rồi, chỉ trong chốc lát, anh Chung bắt đầu lịm dần. Và bản thân tôi cũng vậy, cho tới tận 4 tháng sau khi xảy ra tai nạn, tôi lại mới nhận thức được thực tại. May mắn là tôi vẫn còn mạng sống, và còn vẹn nguyên hồi ức." - anh chia sẻ.
Sự ra đi của 20 đồng chí, đồng đội trên chuyến bay định mệnh là nỗi đau chưa lúc nào nguôi ngoai trong tâm khảm của Trung úy Đinh Văn Dương. Nhưng với ý nghĩ mình còn sống sót đến ngày hôm nay đã là một may mắn tột cùng nên hơn một tháng qua, khi sức khỏe hồi phục tốt hơn, anh đã tập di chuyển sau hơn 1 năm bất dịch hoàn toàn trên giường bệnh.
"Không còn hai chân, hai tay nhưng tôi sẽ cố gắng. Tôi ước mình có thể khỏe nhanh hơn nữa, để sớm hoàn thành tâm nguyện là sẽ đi thăm một lượt các bạn bè, đồng đội thân yêu của tôi đang yên nghỉ tại quê nhà" - Trung úy Dương cho hay.
Vũ Đậu