Sau sự kiện một em nhỏ bị tấm tôn trên xe chở thô sơ cứa cổ, rất nhiều câu hỏi xuất hiện xung quanh vụ việc. Tại sao những phương tiện thô sơ vẫn còn được phép chở hàng cồng kềnh, sắc nhọn, giải pháp có thể cho vấn đề này là gì?
Thực trạng: "Máy cứa" khắp nơi
Dạo quanh một vòng Hà Nội, đặc biệt là các khu vực chuyên buôn bán vật liệu xây dựng, cơ khí như phố La Thành thì hiện tượng các phương tiện thô sơ chở hàng cồng kềnh, có các cạnh sắc nhọn nhô ra, không được che chắn không phải là hiếm gặp.
Xe ba gác trở tôn trên phố Xã Đàn |
Những thanh xà vồ to được vận chuyển bằng xe máy |
Xe máy với kệ hàng tự chế |
Hình ảnh một xe trở hàng sắt không được bọc đầu |
Hàng cồng kềnh được vận chuyển |
Đây không phải là hiện tượng mới mẻ. Cô Phương Anh (53 tuổi) gần ngã tư La Thành-Hào Nam cho biết: "Bao lâu nay người ta vẫn chở thế, đi xe máy với ba gác chở mà". Khi được hỏi rằng đã có trường hợp nào trên tuyến đường này bị thương do các xe chở cồng kềnh gây lên, cô Phương Anh cho biết: "Thi thoảng có người đứng chờ đèn đỏ chỗ ngã tư này cũng có va quệt, nhưng nói chung bao lâu nay vẫn thế rồi, chả phải vấn đề gì to tác cả".
Để ý trên đường phố Hà Nội, đi đường không chỉ có những "máy chém", mà còn là những quả bom như bình ga, bình khí hàn,... cũng được vận chuyển trên các phương tiện thô sơ mà không được che chắn hay có biện pháp bảo vệ.
Xe máy được cải tiến để chở đá |
Chở bình gas |
Chở kính |
và chở cả bình khí hàn |
"Công nông" giữa Hà Nội |
Có thể nói trên thực tế ở Hà Nội, các phương tiện thô sơ, tự chế như: Xe máy lắp thêm kệ hàng, xe ba gác, công nông,... xuất hiện trong mọi ngõ ngách, chở mọi thứ.
Tại sao đến giờ này các phương tiện tự chế hoạt động?
Không phải bỗng dưng mà các phương tiện tự chế trở hàng cồng kềnh vẫn còn xuất hiện trên đường phố. Có thể chỉ ra các nguyên nhân chính sau:
- Do cơ sở hạ tầng Hà Nội đặc thù, nhiều ngõ ngách nên các phương tiện tự chế rất hữu dụng trong các trường hợp cần "luồn lách".
- Do cuộc sống của các cựu chiến binh không được đảm bảo
- Do giá thành rẻ
Về nguyên nhân thứ nhất và thứ 3 có lẽ không cần phải bàn luận đến nhiều. Có một điều đáng lưu ý sau vụ em nhỏ bị tôn cứa vừa rồi, chủ của xe xích lô chở tấm tôn đó là một cựu chiến bình. Và đa phần chủ của các phương tiện thô sơ là cựu chiến binh. Điều đó phản ánh một góc nhìn về thực tại của những người đã từng hi sinh xương máu cho tổ quốc.
Đây là phương tiện mưu sinh của nhiều người |
Chú Nguyễn Quốc Hanh (65 tuổi), chủ một xe ba gác trên phố La Thành cho biết: "Ai muốn chở cồng kềnh làm gì đâu, nguy hiểm, nặng nề, vận chuyển mệt, tiền chả được thêm mấy. Nhưng giờ không chở mấy thứ đấy thì người ta có thuê mình chở gì khác mấy đâu. Kiếm tiền phải chấp nhận thôi".
Biết chở cồng kềnh là nguy hiểm nhưng "kiếm tiền phải chấp nhận thôi" |
"Kiếm tiền phải chấp nhận thôi" cũng là lời giải thích của hầu hết các chủ xe thô sơ, tự chế. Có những người là cựu chiến binh, thậm chí cả thương binh như chú Nguyễn Văn Yên (62 tuổi), chú Yên từng tham gia chiến tranh chống Mỹ, một chân bị trúng bom giờ vẫn không thể đi lại bình thường, chú Yên cho biết: "Hồi trước đi B, đẩy xe thồ vận chuyển hàng cho kháng chiến mãi, giờ già rồi vẫn tiếp tục cái nghành thồ này".
Đa phần các cựu chiến binh cho biết họ đi chở xe ba gác vì lí do chính: trợ cấp không đủ trang trải cuộc sống.
Giải pháp cho vấn đề
Ngay sau vụ việc em nhỏ bị tôn cứa, nhiều lời kêu gọi như" "phạt nặng", "cấm mấy xe thô sơ hoạt động",... ngay lập tức được đưa ra mà không cần phải đắn đo.
Việc xóa bỏ các phương tiện tự chế này là không thể tránh khỏi, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là cấm như nào vào cấm khi nào? Không thể ngay lập tức hủy bỏ "cần câu cơm" của rất nhiều người được.
Căn cứ vào 3 nguyên nhân được đề cập ở trên, để giải quyết vấn đề cần những giải pháp dài hạn và ngắn hạn. Về dài hạn, cần giải quyết được các vấn đề:
- Cải thiện cơ sở hạ tầng
- Tạo điều kiện "đổi nghề" cho các cựu chiến binh. Có thể là hỗ trợ những cựu chiến binh mua những xe tải hạng nhẹ. Nâng cao trợ cấp cho các cựu chiến binh cũng là một việc cần làm.
- Phát triển kinh tế và ý thức cho người dân.
Về giải pháp ngắn hạn cần tiến hành ngay lập tức, các cơ quan chức năng cần trả lời câu hỏi sau: "Liệu có cần một chế tài cho việc trở những hàng sắc nhọn?". Chúng ta có chế tài rõ ràng về việc cấm chở hàng cồng kềnh, cấm các phương tiện thô sơ tự chế hoạt động.
Về phía chủ của những phương tiện thô sơ, tự chế, có lẽ đây là vấn đề lương tâm, mỗi khi vận chuyển hàng, những chủ phương tiện này có ý thức được những nguy hiểm mà mình gây ra cho cộng đồng? Họ có thể tự che chắn hay phải đợi những quy định rồi mới "chịu làm"?
Nghe qua, có vẻ như vụ việc em nhỏ bị tôn cứa cổ vừa rồi hoàn toàn xảy ra do lỗi của người cựu chiến binh: sử dụng phương tiện thô sơ và chở hàng cồng kềnh. Nhưng nếu nhìn một cách nhân văn hơn, sự việc có lẽ không chỉ dừng ở đó.
Trước mỗi sự việc thương tâm, tìm một người để đổ lỗi trực tiếp thì dễ, nhưng tìm cách để xã hội trong tương lai không xảy ra những việc tương tự mới thực sự khó khăn nhưng cần thiết.
Trước mỗi xe hàng là cuộc sống, sau xe cũng là cuộc sống và trên xe cũng là một cuộc sống.
Quý Vũ