Trước thực trạng các phương tiện cá nhân là xe ô tô và xe máy đang gia tăng nhanh chóng, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Công an TP. Hà Nội đề xuất mỗi công dân chỉ được được sở hữu 1 ô tô và 1 biển số.
Hà Nội mỗi tháng có 16.000 xe máy và 500 ô tô đăng ký mới, nâng tổng số phương tiện lên gần 6 triệu mô tô, khoảng hơn 600.000 ôtô và 350.000 xe đạp điện. Ảnh minh họa |
Theo thông tin trên VnEpress, VietNamNet, Báo Giao thông, ngày 20/1, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho biết, Thủ đô đang gánh áp lực giao thông rất lớn, mỗi tháng có 16.000 xe máy và 500 ôtô đăng ký mới, nâng tổng số phương tiện lên 16 triệu mô tô, khoảng hơn 600.000 ôtô và 350 nghìn xe đạp điện; ngoài ra còn xe công và các phương tiện ngoại tỉnh.
Đại tá Thắng nhận định, nếu như 5 năm trước, hệ thống hạ tầng giao thông ở Hà Nội có thể gánh được 5 triệu phương tiện, đến nay vẫn những con đường đó phải gánh gấp đôi, gấp ba xe cộ, tình trạng quá tải khiến lực lượng chức năng rất vất vả.
Trong bối cảnh trên, ông Thắng cho rằng, thời gian tới Chính phủ và các bộ ngành cần có quy định về việc hạn chế đăng ký biển số xe ô tô, việc áp dụng quy định mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 biển số và chủ xe phải duy trì tài khoản được thực hiện càng sớm càng tốt.
Đồng tình với quan điểm của Đại tá Thắng, thiếu tướng Trần Thế Quân - Cục phó Cục pháp chế, cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét ý tưởng này để từng bước áp dụng đồng bộ, nhằm "tránh những thảm họa về giao thông ở 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM".
Theo tướng Quân, "nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc này từ lâu, họ quy định mỗi người chỉ được sở hữu một biển số, kể cả khi bán xe nhiều lần nhưng biển số được giữ lại để sử dụng, điều này cũng đỡ gây tốn kém chi phí mua biển, đổi biển".
Tuy nhiên, ông Quân cho hay hiện pháp luật không quy định mỗi người được sở hữu bao nhiêu chiếc xe, bao nhiêu biển số..., vì vậy nếu áp dụng quy định trên thì phải thay đổi rất nhiều quy định trong các luật, nghị định, thông tư.
Về việc cấp giấy phép lái xe (GPLX), Đại tá Thắng đề xuất chỉ cấp GPLX ô tô thời hạn 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay, sau 5 năm phải thực hiện đổi GPLX.
Lý giải điều này, ông Thắng cho rằng: “10 năm GPLX có hiệu lực nhưng trong 10 năm khó kiểm soát được người sở hữu GPLX về tình trạng sức khỏe, năng lực lái xe. Đề nghị việc cấp GPLX cho công dân sẽ có Bộ Công an chủ trì. Khi đào tạo, sát hạch và cấp GPLX phải kèm theo điểm của GPLX đó để nếu vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm trên GPLX đó.
Vi phạm giao thông càng nghiêm trọng thì số điểm trừ đi càng nhiều, nếu trừ hết điểm thì phải học lại từ đầu và thi lấy GPLX mới, với trường hợp nghiêm trọng thì phải đình chỉ lái xe vĩnh viễn”.
Bên cạnh đó, Phòng PC67 Hà Nội cũng đề xuất về quy định trước khi đăng ký phương tiện thì công dân phải có tài khoản ngân hàng và trong tài khoản này có một số tiền nhất định. Việc mở tài khoản được xem là điều kiện bắt buộc để đăng ký xe nhằm phục vụ cho phương tiện và chủ phương tiện.
Vì khi phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh camera, các tài liệu chứng minh vi phạm, sau đó cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt hành chính qua tài khoản chứ không cần mời lái xe lên làm việc.
Đồng tình đề xuất trên, Đại tá Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội cho rằng, quy định đối với người điều khiển ô tô bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng khiến người lái xe sẽ có ý thức cao hơn rất nhiều, vì cứ vi phạm là sẽ bị trừ tiền trong tài khoản.
Việc này cũng để giảm bớt các thủ tục hành chính và tránh phiền hà cho người dân khi phải đi lại nhiều lần trong quá trình xử lý vi phạm.
Đức Hòa (tổng hợp)