Do chở số lượng người gấp 2,5 lần và đi vào vùng không được phép đã khiến tàu lật, làm chết 9 người ở vùng biển Cần Giờ (TP HCM).
Thông tin mới nhất trên Pháp luật TP HCM và Người lao động cho hay ngày 16/10, VKSND TP HCM cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can Vũ Văn Đảo (SN 1968; Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina) và Đinh Văn Quyết (SN 1980; Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina) về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn".
Vụ chìm tàu ở Cần Giờ khiến 9 người tử vong. Ảnh: Pháp luật TPHCM |
Ngày 29/3/103, Công ty Việt Séc ký hợp đồng bán cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2 tàu loại ca nô cao tốc ký hiệu H29 và H790. Đến ngày 10-6-2013, công ty bàn giao 2 tàu để đưa vào sử dụng. Tàu có khả năng chở 12 người, công năng là tuần tra, hoạt động trong vùng sông- vịnh, không có khả năng đi biển, vật liệu thân tàu là composite.
Tháng 7/2013, Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa- Vũng Tàu giao 2 tàu này cho Công ty Việt Séc bảo dưỡng, lắp đặt thêm thiết bị theo như hợp đồng đã ký kết nên 2 tàu này đang neo đậu tại cầu tàu của Công ty Việt Séc.
Cuối tháng 7/2013, Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (Công ty PV PIPE, trụ sở Tiền Giang) có chủ trương đưa cán bộ, nhân viên đi liên hoan vui chơi vào đêm 2/8/2013 tại Khu du lịch Đảo Xanh- Vũng Tàu (trực thuộc Công ty Vũng Tàu Marina).
Vì vậy, công ty đã liên hệ với Đinh Văn Quyết bàn về chương trình liên hoan, số lượng người để Quyết chuẩn bị phương tiện đưa đón, ăn ở. Theo đó, số lượng người của Công ty PV PIPE sẽ tham gia là 71 người.
Quyết đã báo cáo cho Đảo. Vũ Văn Đảo chỉ đạo sử dụng 2 tàu và hỏi mượn tàu của Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa- Vũng Tàu để đưa đón người, đồng thời bổ nhiệm ông Phạm Duy Phúc làm đội trưởng đội tàu có nhiệm vụ đưa đón khách của Công ty PV PIPE.
Chiều ngày 2/8/2013, Đảo, Quyết cùng một số người khác trực tiếp chứng kiến 3 tàu xuất phát từ Vũng Tàu đi Tiền Giang đón người. Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau thì cả 3 tàu quay lại vì sóng biển lớn không dám đi tiếp. Lúc này, Vũ Văn Đảo trực tiếp lái 1 tàu cùng 2 tàu khác sang Tiền Giang đón khách.
Đến 18hngày 2/8/2013, tàu BP 12-04-02 chở 28 khách rời bến để đi Vũng Tàu. Sau đó, tàu 2 tàu khác lần lượt chở 17 người và 21 người đi sau.
Đến 19h khi tàu BP 12-04-02 đi ngang vùng biển thuộc địa phận xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (TP HCM) đã bị lật khiến 9 người thiệt mạng trong đó có tài công Phạm Duy Phúc.
Tại Công văn của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải xác định: "Việc chở quá số lượng người cho phép là một trong các nguyên nhân làm chìm tàu BP 12-04-02; ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như phương tiện hành trình ra vùng không được phép hoạt động, việc điều khiển phương tiện không phù hợp".
Trong báo cáo điều tra của Cục Hàng hải Việt Nam kết luận: "Sử dụng ca nô sai mục đích; chở số người gấp 2,5 lần cho phép; ca nô hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép; người điều khiển ca nô đã điều động ca nô chưa phù hợp với tình huống thực tế; người điều khiển ca nô không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại II tốc độ cao; ca nô rời nơi không được cho tàu neo đậu và vào, rời cầu bến không được công bố cho việc đón, trả khách".
Theo như kết luận giám định của Bộ Giao thông Vận tải thì “vị trí xảy ra tai nạn không nằm trong vùng hoạt động theo hồ sơ thiết kế HSTK – H29C”.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Công ty Việt Séc và Công ty Vũng Tàu Marina đã liên hệ gia đình các nạn nhân, khắc phục số tiền 2 tỉ đồng.
Đại diện gia đình các nạn nhân không yêu cầu bồi thường thêm, chỉ riêng gia đình nạn nhân Phạm Duy Phúc có nguyện vọng yêu cầu gia đình Vũ Văn Đảo phải xin lỗi công khai trên báo chí để lấy lại công bằng và uy tín cho nạn nhân.
Minh Di (tổng hợp)