Tin mới

Truyện Kiều tái bản "chuyển giới" Đạm Tiên?

Thứ tư, 12/08/2015, 18:46 (GMT+7)

Theo như chú thích trong cuốn Truyện Kiều mới được ấn hành thì nàng Đạm Tiên được hiểu là một người con trai.

Theo như chú thích trong cuốn Truyện Kiều mới được ấn hành thì nàng Đạm Tiên được hiểu là một người con trai.

Thông tin trên Tuổi trẻ, nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam và NXb Trẻ vừa ấn hành cuốn "Truyện Kiều", ra mắt tại hội thảo quốc tế vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 8/8 vừa qua. Được biết, quyển Truyện Kiều này được Hội Kiều học biên soạn dựa trên 8 bản Kiều Nôm khắc in trong khoảng từ năm 1866 - 1896, ngoài ra còn tham khảo các bản Kiều về sau, khoảng đầu thế kỷ 20.

Theo tìm hiểu, bản Kiều 2015 mới nhất này được biên soạn bởi một tập thể 8 người. Điều đó đủ thấy mức độ phức tạp và vất vả của công việc. Tuy nhiên, ở bản Kiều mới này, PGS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, đại học KHXH&NV TPHCM, có một phát hiện “cười ra nước mắt”.

Theo nội dung chú thích, ca nhi Đạm Tiên chính là nam nhân. Ảnh: Tuổi trẻ

Cụ thể, đó là ở chú thích trang 29. Trong đó, từ “ca nhi” trong câu “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi” được chú thích như sau: “Ca nhi: Tống thư có câu: “Ca nhi, vũ nữ” (con trai hát, con gái múa)”.

Theo ý kiến của PGS Đoàn Lê Giang, rõ ràng nếu chú thích như vậy, thì người đọc sẽ hiểu là ca nhi vốn nằm trong câu “ca nhi, vũ nữ”, và nghĩa của ca nhi là “con trai hát” còn nghĩa của vũ nữ là “con gái múa”.

"Nếu hiểu ca nhi là “con trai hát”, thì tình trạng giới tính “xưa là ca nhi” của Đạm Tiên hẳn là con trai, đến nay bỗng được gọi “nàng ấy” thì khác nào đã được chuyển giới" - PGS Đoàn Lê Giang phân tích.

Liên quan tới chú thích khó hiểu này, một người mê Kiều tại TPHCM chia sẻ: "Chữ ca nhi có gì mà phải chú thích dài dòng như thế, các cụ túc Nho như Đào Duy Anh cũng chỉ chú thích giản đơn ca nhi chính là  con hát, như thế thì ai cũng hiểu".

Nhiều ý kiến cho rằng, chú thích là giúp người đọc hiểu đúng, hiểu rõ những chỗ chưa hiểu hoặc hiểu chưa rõ. Tuy nhiên, nếu không chú ý chỗ quan yếu này, mà người làm công việc chú thích sa vào chỗ huy động những kiến thức của mình để show ra, nhiều khi lại đẩy cái phần chú thích đi xa đến mức không ăn nhập gì đến đối tượng đang cần được chú thích. Như huy động kiến thức về Tống thư để dẫn người đọc đến chỗ hiểu ca nhi Đạm Tiên là con trai, là một điển hình cho việc “đẩy xa” ấy.

Vũ Đậu (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news