Người thân của bé trai này cho biết gần một tháng trước, bé N. được mẹ ruột đưa từ Bình Dương về Sóc Trăng chơi và gửi cho cặp vợ chồng quen nuôi dưỡng. Rạng sáng 19-5, bé N. bị nôn ói nên vợ chồng người này đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bé N. bị viêm đường tiêu hóa và chỉ định nhập viện theo dõi, điều trị.
Thi thể bé trai N. đang nằm ở nhà xác của bệnh viện. Ảnh Nlđ |
"Hơn 10 giờ trưa, tôi về nhà lo giặt giũ thì chồng tôi gọi điện nói bé N. mắt trợn trắng khi vô nước biển. Tôi cấp tốc chạy ra thì mọi người xung quanh nói thằng nhỏ giãy giụa rồi tử vong, nghi bị sốc nước biển. Lúc tôi về, thằng bé vẫn còn đùa giỡn bình thường mà"- người phụ nữ này kể lại.
Ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết chưa hay gì về vụ bé trai tử vong, do chưa được Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên báo cáo.
Hiện tại, do cha và mẹ của bé trai tử vong đang đi làm thuê ở Bình Dương và Hải Phòng nên các cơ quan chức năng chờ họ đến nhà xác của Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng thì mới tiến hành giám định thi thể để tìm nguyên nhân khiến bé N. thiệt mạng.
Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên, nơi bé trai thiệt mạng khi truyền dịch vào trưa cùng ngày. Ảnh: Việt Tường |
Zing.vn cho biết, sau khi N. tử vong, người nhà đặt ra vấn đề tại sao bé đang tỉnh táo mà truyền dịch thì chết. Nếu đây là ca tai biến khi truyền dịch thì ngành y tế xử lý ra sao và trách nhiệm thuộc về ai?
Trò chuyện với Zing.vn, bác sĩ Mã Nhơn Khiêm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, nói rằng có hai trường hợp sốc nước biển liên quan đến dịch truyền loại thông thường và dịch truyền đặc trị. Nếu loại thông thường thì khi sốc run tiêm truyền sẽ có biểu hiện lạnh run, sau đó sẽ sốt.
"Bị sốc truyền dịch đặc trị có acid amin, albumin... thì diễn biến nhanh như sốc thuốc. Còn sốc dịch thông thường làm người bệnh bị lạnh. Khi đó nếu tắt nước biển, sưởi đèn và khi nào sốt thì lau mát sẽ ổn", bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Cùng quan điểm với bác sĩ Khiêm, một bác sĩ ở Cần Thơ xin được giấu tên nói: "Mỗi ngày thế giới có nhiều trường hợp sốc nước biển. Nếu xử lý sớm bằng cách khóa không cho nước biển xuống, cho bệnh nhân được sưởi ấm ngay thì không chết".
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nói rằng trường hợp Hữu tử vong phải làm rõ trách nhiệm của kíp trực. Theo luật sư, vụ việc xảy ra ngày cuối tuần nên cơ quan chức năng phải xem bảng phân công nhiệm vụ của từng người trong ca trực để xem trách nhiệm thuộc về ai.
"Theo tôi, nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự thì phải cụ thể hóa hành vi của điều dưỡng hay bác sĩ. Trong đó, có 3 hành vi cần đặt ra xem xét là Vô ý làm chết người, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh. Để đánh giá từng hành vi phải xem hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra vụ việc", luật sư Đức nói.
Trang Vũ (tổng hợp)