Tin mới

Từ 1/7, “Quyền im lặng” của người bị bắt chính thức có hiệu lực

Thứ bảy, 07/05/2016, 07:32 (GMT+7)

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới cho phép người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ khai báo. Đây được xem quy định tiến bộ vượt bậc trong pháp luật.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới cho phép người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ khai báo. Đây được xem quy định tiến bộ vượt bậc trong pháp luật.

"Quyền im lặng" từng làm nóng nghị trường Quốc hội

Từ 1/7/2016, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 với rất nhiều quy định mới có ảnh hưởng và tác động tích cực đến việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự sẽ có hiệu lực thi hành. Trong đó đáng chú ý là quy định về “quyền im lặng của bị can, bị cáo”.

Đây được xem là quy định tiến bộ vượt bậc, giải quyết được nhiều bất cập trong các vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng lời khai bất lợi cho bị can, bị cáo hoặc chỉ sử dụng duy nhất lời nhận tội của họ để kết tội họ khi đưa ra truy tố, xét xử.

Đồng thời, đã mang lại một tinh thần mới trong pháp luật, mang lại một phong cách làm việc mới cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao mức độ bảo vệ quyền công dân và chắc chắn sẽ làm cho hoạt đông tố tụng ngày càng văn minh hơn trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Trao đổi trên báo VOV, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định chi tiết cụ thể về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại các  điều 58 khoản 1 tiết e, điều 59 khoản 2 tiết c, điều 60 khoản 1 tiết d, điều 61 khoản 2 tiết h. Theo đó, các điều khoản này lần lượt ghi nhận: người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Theo đó, có thể hiểu người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Trong các điều khoản trên, tuy không trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị bắt khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhưng trong thực tế khi làm việc với các cơ quan tố tụng, họ có thể không trả lời một số câu hỏi mà họ cho là chống lại họ và họ cũng không buộc phải khai nhận mình có tội.

Đây có thể được coi là một nội dung của quyền im lặng, quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tạo sự nhận thức thống nhất trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, trên thực tế cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng luôn mong đợi sự hợp tác của người bị buộc tội, nhưng nếu không nhận được sự hợp tác tích cực của người bị buộc tội thì cũng không thể coi đó là tình tiết tăng nặng được. Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không coi người bị buộc tội không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những vấn đề bất lợi cho bản thân, không buộc phải nhận tội hay “ngoan cố, không khai báo thành khẩn” là tình tiết tăng nặng.

Tuy nhiên, quyền im lặng không loại trừ quyền khai báo của người bị buộc tội. Người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo có quyền khai báo sau khi được giải thích về quyền im lặng. Việc nhận tội của bị can, bị cáo luôn được xem là tình tiết giảm nhẹ trong quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Quyền im lặng có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với quyền bào chữa, bổ sung cho nhau để bảo đảm cho tố tụng hình sự được tiến hành đúng đắn, khách quan, tránh làm oan người vô tội. Quyền nhờ người khác bào chữa là một phần cụ thể của quyền im lặng và quyền im lặng là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, hạn chế được oan sai trong tố tụng hình sự.

Trước khi đưa vào luật, "quyền im lặng" là vấn đề gây tranh cãi của nhiều ĐBQH. Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án”.

Trước đó, theo thông tin trên Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Hà Nội - khẳng định: “Im lặng không có nghĩa là "câm mồm", không nói gì, mà là thực hiện quyền được bão chữa, không có quyền đưa ra lời khai chống lại mình như Hiến pháp đã quy định. Quyền này phù hợp và logic với quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng”.

 Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news