Từ 1/8 , ngoài phương tiện nghiệp vụ, CSGT sẽ được sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính.
Đây là quy định mới Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Điều 79), có hiệu lực thi hành từ 1/8/2016.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - điểm mới của Nghị định này là mở rộng chủ thể được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định 165/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường quy định rõ: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (đối với lĩnh vực giao thông là lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt, đường thủy, thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải…) được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính.
“Người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan. Danh mục các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ do Chính phủ quy định; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Như vậy, điểm mới của Nghị định này là mở rộng chủ thể được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.” - đại diện Cục CSGT cho hay .
Theo Cục SGT, việc xử phạt vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải đảm bảo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi có kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải nhanh chóng xác định tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.
Trường hợp xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm, người có thẩm quyền phải tiến hành ngay việc lập biên bản vi phạm hành chính và kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lưu theo biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp chưa xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm thì thời hạn sử dụng kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được áp dụng theo quy định của Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính; khi hết thời hạn quy định mà không xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính thì kết quả thu được sẽ không sử dụng để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính.
Kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được bảo quản chặt chẽ theo chế độ hồ sơ.
Riêng đối với những hình ảnh, video clip phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông của người dân do quay, chụp được khi tham gia giao thông cung cấp cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, theo Điều 14 - Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.
“Việc phát hiện, tố cáo vi phạm hành chính là một nội dung, còn việc xử phạt phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định chặt chẽ của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan” - đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Nhằm tăng cường sự giám sát, người dân có quyền ghi hình ảnh vi phạm của người tham gia giao thông để cảnh sát làm căn cứ xác minh, xử phạt.
Nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8, quy định tăng mức phạt tiền với 194 hành vi vi phạm giao thông gồm 153 hành vi trên đường bộ và 41 hành vi trên đường sắt. Đáng chú ý, Nghị định bổ sung nội dung tăng cường sự giám sát của nhân dân với quy định người dân có thể ghi hình các trường hợp vi phạm và gửi đến cơ quan công an.
Nhà chức trách sẽ lấy đó làm căn cứ xác minh và xử lý người vi phạm. "Đây là biện pháp tích cực, không những tăng tính giám sát của người dân trên đường mà còn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông", lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội nói.
Vị này giải thích thêm, luật đã quy định mọi người dân đều có trách nhiệm giám sát, tố giác vi phạm. Trước thực trạng ý thức tham gia giao thông của nhiều người chưa tốt, việc lên án, tố giác vi phạm là rất cần thiết để góp phần thay đổi ý thức.
Thực tế, trước khi Nghị định 46 có hiệu lực, hình ảnh người dân cung cấp về vi phạm giao thông đã được cảnh sát tại nhiều địa phương coi là cơ sở xác minh và xử phạt.
Ngày 7/7, Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cho VnExpress biết qua xác minh hình ảnh trên mạng, phòng đã xử phạt tài xế chạy ngược chiều trên cầu Nhật Tân một triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong một tháng.