Tin mới

Từ đạp xích lô trở thành đại gia nghìn tỷ

Thứ ba, 02/12/2014, 15:12 (GMT+7)

Không may mắn được thừa kế gia sản kếch xù, những vị tỷ phú này đã vươn lên từ hai bàn tay trắng. Từ đạp xích lô chở bia, hay ăn cơm độn khoai sắn..., họ đã trở thành những người thành công và sở hữu khối tài sản khổng lồ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

 

 

Không may mắn được thừa kế gia sản kếch xù, những vị tỷ phú này đã vươn lên từ hai bàn tay trắng. Từ đạp xích lô chở bia, hay ăn cơm độn khoai sắn..., họ đã trở thành những người thành công và sở hữu khối tài sản khổng lồ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đường “bia” - đại gia dùng 140 cây vàng dát nhà vệ sinh

Năm ngoái, giới BĐS Hà Nội xôn xao khi ông Đường Bia - tên thật là Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty Hoà Bình (Hà Nội) - cho dát vàng thành lan can căn hộ, phào chỉ ở sảnh và cửa thang máy ở dự án Hoà Bình Green City.

Lúc đó, không ít người nghĩ đây chỉ là chiêu đánh bóng tên tuổi, nhưng ông Đường làm thật dù chi phí cho dát vàng thành lan can của mỗi căn hộ tốn thêm 20 triệu đồng và người mua nhà lại không phải trả tiền.

Nhưng đại gia vốn nổi tiếng về kinh doanh bia hơi còn khiến mọi người sốc hơn khi quyết định dát vàng cho cả … nhà vệ sinh của tất cả các căn hộ của toà nhà thứ 2 thuộc tổ hợp này. Theo đó, những chỗ nào làm bằng kim loại trong nhà vệ sinh như vòi nước, nút ấn, thanh treo đều được mạ vàng.

Nổi danh với những quyết định khác người, lại sở hữu nhiều bất động sản, nhưng ít ai biết được, trước đây ông Đường lại từng nổi tiếng vì bán bia hơi. Thời gian đó, ông Đường là người xích lô thứ 100 và cũng là người “khóa sổ” cho biên chế xích lô chở bia của Nhà máy Bia Hà Nội. Dù làm nghề không được cao sang như cán bộ công chức, nhưng ông nhanh chóng trở thành “người nổi tiếng” với biệt danh Đường “bia”. Đã 30 năm trôi qua, người Hà Nội vẫn không thể quên cái tên Đường “bia”, các cửa hàng bán bia và tín đồ bia hơi Hà Nội không ai không biết đến cái tên này. Không phải vì ông nấu bia giỏi hay uống bia tài, mà chính là uy tín của ông trong việc cung cấp bia.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi hành nghề, hầu như ông Đường đã “bao thầu” phân phối bia, bởi đơn giản một điều, bia ông cung cấp ngon hơn tất cả. Bí quyết đơn giản ở một chữ tín. Thông thường, mỗi lần súc rửa xong trong bom bia thường còn khoảng 2,3 lít nước lã, người cung cấp bia không đổ hết mà bơm bia vào rồi mang đi bán, vì vậy mà bia nhạt, nhanh chua. Còn ông thì khác, bom bia được súc sạch, đổ hết nước lã, nên bia ngon, thơm lâu. Chẳng thế mà các cửa hàng, đại lý ở Hà Nội cứ chiều chiều ngóng cổ chờ bia ông Đường chở đến. Có ngày, ông Đường kiếm được 5 chỉ vàng từ phân phối bia.

Những ai quen biết ông Đường từ thuở hàn vi đều hiểu rõ tính cách con người ông, cho dù lúc bĩ cực nhất hay lúc phong quang nhất, bao giờ ở con người ông cũng chĩnh chện một chữ “tín”, kể cả với người không quen biết.

Cuộc đời ông cũng chứng kiến nhiều lần thất bại đắng cay chỉ còn bàn tay trắng… Nhưng đọng lại tất cả trong già nửa đời người của người doanh nhân nhân hậu này là một chữ “tín” mà ông luôn tự hào: “Tôi chưa bao giờ thất tín với ai”.

Phạm Nhật Vượng – Tỷ phú số 1 Việt Nam

Không chỉ là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách do tạp chí Forbes của Mỹ công bố, Phạm Nhật Vượng còn là một trong 10 tỷ phú mới xuất sắc nhất thế giới năm 2013. Chủ tịch HĐQT Vingroup được ngưỡng mộ không hẳn vì sự giàu có, mà bởi ông đã làm được những điều mà không ai tin người Việt Nam có thể làm được.

Quê gốc ở Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, người đàn ông 47 tuổi này (ông sinh năm 1968) bắt đầu bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình vào năm 1987, khi thi đỗ Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và được chọn sang Nga du học.

Con đường kinh doanh của Phạm Nhật Vượng khởi đầu từ đây với những gói mỳ ăn liền - món thực phẩm hữu ích vào thời khó khăn, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Sau mỳ gói thương hiệu Mivina là bột canh và các sản phẩm gia vị, đồ ăn nhanh... Nhờ thế, Phạm Nhật Vượng đã được vinh danh là “Người sáng lập thị trường thức ăn nhanh” tại Ukraine. Tập đoàn Technocom do Phạm Nhật Vượng thành lập năm 1993 đã liên tục mở thêm nhà máy và không ngừng khuếch trương quy mô.

Và chính những gói mỳ ăn liền và các sản phẩm gia vị, thức ăn nhanh đã mang lại cho Phạm Nhật Vượng khối tài sản lớn để đầu những năm 2000, đầu tư Vinpearl Nha Trang.

Liên tiếp 4 năm liền ông đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt. Đi lên từ hai bàn tay trắng, Ông chủ của Tập đoàn Vingroup chưa khi nào nghĩ lại có được trong tay một tập đoàn đồ sộ như thế này. Tính đến ngày 28/2/2014, ông nắm giữ số cổ phiếu đạt 21.774 tỷ đồng. trong Vingroup, đây là tập đoàn có giá trị khoảng 74.980 tỷ đồng, tuyển dụng hàng nghìn nhân sự trực tiếp và gián tiếp.

Bầu Đức

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió. Những năm tháng dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.

Khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác. Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku.

Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, nó trở thành Công Ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG. Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2010 tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Liễu – Nữ đại gia “phố núi”

Nữ đại gia Hà Tĩnh này sở hữu khối tài sản cỡ nghìn tỷ và từng khiến dư luận “sốc” với đám cưới con trai tiêu tốn hơn 20 tỷ đồng cùng những dinh thự đẹp như mơ ở Hà Tĩnh và Hà Nội.

Tuy nhiên, để có số tài sản kếch sù như hiện tại, bà Liễu cũng đã trải qua không ít sóng gió. Chia sẻ với báo chí, bà Liễu tiết lộ, ngày xưa gia đình bà rất nghèo. Thấu hiểu cái nghèo từ bé, nên bà luôn muốn vượt qua cái nghèo. Bố mẹ đều là Việt kiều, bố gốc Lào, còn mẹ gốc Thái. Từ năm 11 tuổi, bà đã bắt đầu tạo dựng công việc kinh doanh của riêng mình.

Nhạy bén với việc kinh doanh, bà nhanh chóng trở thành một nữ thương gia có tiếng trong việc buôn bán đa ngành, liên quốc gia. Năm 1995, bà sang Thái Lan cùng bạn bè kinh doanh bất động sản rồi mở rộng thị trường sang Malaysia, Singapore, tập trung đầu tư vào xây dựng công trình, khách sạn. Sau đó, bà nhập quần áo Trung Quốc để bán vào thị trường các nước Áo, Đức, Tiệp; mua các đồ điện, máy móc đã qua sử dụng bán sang Thái Lan và xuất khẩu gạo từ Thái Lan sang Nigieria...

Hiện tại, nữ đại gia này kinh doanh khoáng sản và kim loại quý. Bà đang đầu tư vào rất nhiều mỏ khai khoáng đất hiếm ở Campuchia, Lào và Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bảo An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news