Tin mới

Hàng đồ cổ đơn sơ thu lãi hàng trăm triệu/tháng

Thứ sáu, 11/07/2014, 09:19 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Giã từ việc đồng áng, ông Ngọc đi buôn vôi, mua bán đồng nát rồi cuối cùng trở thành nhà buôn đồ cổ có tiếng trong vùng, doanh thu cả trăm triệu một tháng.

 

 

(Tinmoi.vn) Giã từ việc đồng áng, ông Ngọc đi buôn vôi, mua bán đồng nát rồi cuối cùng trở thành nhà buôn đồ cổ có tiếng trong vùng, Doanh thu cả trăm triệu một tháng.


Cửa hàng chuyên buôn bán đồ cổ Ngọc Hà nằm ngay mặt đường tỉnh lộ dẫn vào xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội). Hàng ngày, nơi đây đón hàng chục lượt khách từ khắp các tỉnh thành tới mua buôn, mua lẻ đồ cổ.

Ông chủ Nguyễn Văn Ngọc (52 tuổi, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) vốn là nông dân chính hiệu. Cuộc sống khó khăn nên vợ chồng ông đã đổi qua nhiều nghề như bán vôi tôi, dỡ nhà cũ rồi buôn đồng nát. Trên chiếc xe Honda 82 trông cà tàng nhưng bền bỉ, thêm chiếc loa chạy ắc quy, ông Ngọc đi khắp các làng xa gần trên địa bàn huyện Hoài Đức thu mua đồng nát và nhận dỡ nhà cũ, mua ngói cũ, bàn ghế cũ...

 

Kinh nghiệm nhiều năm buôn đồng nát, dỡ nhiều nhà ngói cổ giúp ông Ngọc nảy ra ý định thu mua đồ cũ, đồ cổ để bán cho những người thích sưu tầm và các cửa hàng làm nội thất. Ông chia sẻ, ban đầu vợ ông thấy chồng bỏ tiền mồ hôi nước mắt ra mua toàn chum vại cũ để chật nhà còn chê ông gàn dở, đòi bỏ ông. Ấy vậy mà chính ông cũng không ngờ sự "gàn dở" của mình cách đây 6 năm đã giúp vợ chồng ông kiếm cả trăm triệu một tháng chỉ trong thời gian ngắn sau đó.

 

Ông Ngọc cho biết, đồ chum vại là mặt hàng ông thu mua được nhiều nhất, mua giá bèo nhất nhưng bán ra cũng lãi cao nhất. Nhà nông từ xưa thường dùng chum vại để đựng thóc, tương, ngô đậu. Thậm chí, nhiều nhà chả biết làm gì còn vác ra vườn để... đựng nước tiểu. Trong số những chum vại này, ông Ngọc chọn mua được rất nhiều chum cổ có viền, có vấu, hoa văn đời Nguyễn. Thời gian đầu, nhà nông không biết nên chỉ muốn "tống khứ" cho đỡ chật nhà nên ông Ngọc mua được chum cổ với giá như cho, chỉ vài chục ngàn. Ông đem về bán lại cho dân buôn đồ cổ mỗi chum rẻ nhất cũng 1,5 triệu đồng/cái. Bà Hà, vợ ông khoe: "Hôm trước thì xuất cả 3 ô tô chum vại đi, mỗi ô tô cũng được 16 triệu. Hôm qua khách tới đông, mua sạch nhà rồi, giờ chỉ còn vài cái người ta trả tiền trước mà chưa tới lấy".

 

Bà Hà kể, có mấy ông đạo diễn phim là khách quen của cửa hàng, chỉ chờ báo có hàng là tới trả tiền luôn vì sợ nhà chủ bán mất. Chum vại sành chất đống lăn lóc, cũ kỹ như vậy nhưng lại là mặt hàng giúp vợ chồng bà kiếm được tới vài chục triệu/ tháng, chưa kể các mặt hàng khác. Cá biệt, nhà bà còn mua được không ít chum to, cao tới 1,6m với giá trên dưới 1 triệu nhưng bán ra không dưới 18 triệu đồng/chiếc. Những chiếc nhỏ hơn, cao khoảng 1,2 - 1,3m cũng có giá bán gần chục triệu từ năm 2000. Trong 6 năm buôn đồ cổ, ông bà đã mua bán được tới mấy nghìn chum vại đủ loại hình, kích cỡ.

 

Ông Ngọc cho biết, ngoài chum vại thì mặt hàng thu lãi khủng kế tiếp chính là đồ gỗ bao gồm bàn ghế, sập gụ tủ chè, tràng kỷ, hoành phi câu đối, án gian... Chia sẻ một cách đầy hăng say và sung sướng, ông Ngọc tiết lộ: "Nghề của tôi là cái nghề mua của người chán, bán cho người thèm. Nhưng sướng nhất ở chỗ: người chán ở đây lại là những người không am hiểu về đồ cổ và giá trị của nó nên sẵn sàng bán đi với giá rất rẻ còn người mua lại là những chuyên gia hoặc đại gia sẵn sàng bỏ cả đống tiền. Còn riêng tôi, ban đầu tôi dựa vào vận may, giờ có tí kinh nghiệm thì tôi dựa vào cả kinh nghiệm lùng đồ, định giá và khiếu kinh doanh". Như chiếc án gian cổ này, ông Ngọc tiết lộ, nó có tuổi hơn 200 năm, được ông mua của một nhà ở Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) với giá vài triệu và rao bán hơn 100 triệu. Ông khẳng định, đó là giá buôn, nếu nhiều khách đấu giá, có khi bán được gấp đôi như vậy.

 

Những chiếc tủ cổ cũng được ông Ngọc hào hứng giới thiệu, giá ông thu mua của các nhà dân trong vùng khoảng hơn chục triệu nhưng bán ra có những tủ được trả tới 50 - 60 triệu. Cửa hàng rộng tầm 60m2 nhà ông bày chật tủ cánh, tủ chè, án gian, đồng hồ gỗ cổ chồng chất lên nhau... giá trị cả tỷ đồng và hơn một nửa số tiền ấy là tiền lãi của ông bà Ngọc Hà bởi hầu hết đồ để trong cửa hàng đã có khách trả tiền chờ chở đi. Ông Ngọc chia sẻ, hàng hết thì lại có. Một mình ông thu mua đồ cổ trong vùng không xuể thì ông nhờ người giới thiệu và sẵn sàng trả hoa hồng cao.

 

Hơn một tiếng đồng hồ tiếp phóng viên Zing, ông Ngọc đồng thời cũng tiếp nhiều lượt khách tới xem và mua hàng. Khách mua đồ cổ thường xem hàng và trả giá rất nhanh, ít có sự mặc cả kì kèo như các mặt hàng khác. Bộ tràng kỷ 35 năm tuổi này được ông Ngọc bán buôn với giá 35 triệu. Ông nói luôn: "Lãi khoảng chục triệu thôi nhưng bán buôn thì phải thế. Còn người ta tới mua buôn mà bán lẻ ra thì giá cũng vô cùng lắm, gặp khách ham có khi lãi hơn nhiều!"

 

Ngoài chum vại và đồ gỗ, ông bà Ngọc Hà cũng nhặt nhạnh và bán buôn nhiều đồ cổ khác. Bà Hà chia sẻ: "Những đồ này lãi có vài ba trăm một món thôi nhưng lại đắt hàng vì hợp túi tiền với nhiều khách thích sưu tầm, trang trí nhà cửa". Bà cho biết, những đồ cổ có giá và đặc biệt quý, hiếm thường được ông bà cất giữ ở nhà trong, mà cũng không kịp đem ra cửa hàng trưng bày vì luôn có khách quen chỉ chờ tin báo là có mặt ngay, trả giá nhanh rồi mang đi.

 

Từ "chuyên gia đồng nát" thành nhà buôn đồ cổ, thu nhập hơn trăm triệu một tháng nhưng cửa hàng bán vôi từ những ngày đầu lập nghiệp vẫn được ông bà Ngọc giữ lại, làm kho, làm nơi trưng bày và duy trì để nhắc mình không quên những ngày khốn khó, để chuyên tâm làm ăn, tránh bị cái giàu che mờ mắt.

 Quỳnh Hoa

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news