Theo luật sư, việc quản lý người mắc bệnh tâm thần để họ không gây nguy hiểm cho người khác và thực hiện các thủ tục để chữa bệnh cho họ là việc quan trọng, cần phải thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cũng như để đảm bảo an toàn cho xã hội.
Những vụ trọng án đau lòng
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ trọng án kinh hoàng mà nghi phạm là những người tâm thần.
Gần đây nhất, khoảng 16h ngày 7/7 tại làng Pheo, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa xảy ra vụ án mạng khiến 2 cháu bé tử vong.
Nạn nhân là cháu Lê Minh Đăng (7 tuổi) và Lê Ngọc Chi (5 tuổi), đều ở làng Pheo, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc. Nghi phạm được xác định là Lê Văn Hồng (37 tuổi), chính là chú họ của các nạn nhân.
Hiện trường nơi hai cháu bé bị sát hại |
Sau khi gây án, Hồng dùng chuôi dao tự đâm vào bụng và chém vào đầu để tự sát nhưng bất thành.
Theo một số người thân trong gia đình đối tượng, trước khi xảy ra vụ việc, giữa Hồng và gia đình anh Hải không hề có mâu thuẫn, xích mích gì. Hàng ngày, Hồng vẫn thường sang nhà anh Hải để ăn cơm, chơi đùa với các cháu.
Tuy nhiên, trước khi xảy ra sự việc, Hồng có biểu hiện tâm lý không bình thường, tâm trí bấn loạn, hay kêu đau đầu và hoang tưởng có người đang đuổi chém mình và đã mua thuốc sâu về uống để tự tử, nhưng được mọi người phát hiện, khuyên can nên đã từ bỏ ý định.
Trước đó, một vụ án đau lòng khác xảy ra vào ngày 20/5 tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) khiến một người tử vong.
Theo thông tin trên báo Người lao động, khoảng 23h ngày 20/5, Hoàng Văn Nhật (SN 1989, trú tại xóm 11, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc) bất ngờ dùng dao đâm ông Hoàng Văn Châu (SN 1959, là bố đẻ của Nhật) khiến nạn nhân tử vong rồi bỏ trốn.
Nhật đã bị lực lượng công an bắt giữ khoảng 1h sau đó khi đang lẩn trốn tại Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc.
Được biết, trước khi án mạng đau lòng xảy ra, Hoàng Văn Nhật vốn có tiền sử bị bệnh tâm thần và được gia đình đưa đi điều trị. Thời gian gần đây, do thương con nên gia đình ông Châu đã đưa con về nhà thì xảy ra xự việc đau lòng trên.
Xử lý ra sao đối với người tâm thần gây án?
Những vụ án mạng thương tâm do người tâm thần gây án liên tiếp xảy ra khiến dư luận bàng hoàng. Độc giả rất quan tâm đến việc quản lý người tâm thần ra sao để ngăn ngừa những vụ án đau lòng tương tự?
Về vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
PV. Thời gian gần đây, có không ít vụ án do người bị bệnh tâm thần gây ra. Dưới góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận như thế nào về vấn đề người tâm thần gây án?
Luật sư Đặng Văn Cường: Nói tới "bệnh tâm thần" trong các vấn đề liên quan tới luật hình sự là nói tới năng lực trách nhiệm hình sự. Năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) là khả năng mà pháp luật hình sự quy định chủ thể đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, hay nói cách khác là một trong các điều kiện cần thiết để có thể xác định một người có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không.
Người có sự phát triển bình thường về tâm - sinh lý sẽ có năng lực TNHS khi đã đạt độ tuổi nhất định - tuổi chịu TNHS (theo BLHS hiện nay là từ đủ 14 tuổi). Tuy nhiên, có những trường hợp đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng họ bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức thì họ cũng không đủ năng lực để chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 13, Bộ luật hình sự 1999 quy định về tình trạng không có năng lực TNHS:
“1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Luật sư Đặng Văn Cường - văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội |
PV. Người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi phạm tội được chia làm những trường hợp nào và hướng xử lý ra sao thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Trường hợp người mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức thực hiện hành vi phạm tội (hành vi nguy hiểm cho xã hội) có thể chia làm hai trường hợp:
Thứ nhất, nếu người thực hiện hành vi phạm tội trong khi đang mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không nhận thức được hành vi của mình nên không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, trong trường hợp này họ chỉ phải chịu áp dụng biện pháp hành cưỡng chế hành chính là bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh thì họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, trong trường hợp khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có năng lực trách nhiệm hình sự, họ hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện, sau đó họ mới mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức thì bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, sau khi chữa khỏi bệnh thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình.
Như vậy, có thể nói rằng người mắc bệnh tâm thần là "nguồn nguy hiểm" cho xã hội, do họ không có khả năng nhận thức, không có khả năng điều khiển hành vi của mình nên họ có thể gây nguy hiểm cho xã hội bất cứ lúc nào. Người nào không may bị những người tâm thần gây án thì phải chịu thiệt thòi, pháp luật cũng sẽ không xử lý hình sự với người đang mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức mà chỉ bắt buộc họ chữa bệnh. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cũng khó mà có thể đảm bảo được cho người bị hại. Vì vậy, việc quản lý người mắc bệnh tâm thần để họ không gây nguy hiểm cho người khác và thực hiện các thủ tục để chữa bệnh cho họ là việc quan trọng, cần phải thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cũng như để đảm bảo an toàn cho xã hội.
PV. Theo luật sư, trong trường hợp người tâm thần gây án các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính Phủ quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì:
“Trong giai đoạn điều tra, khi có nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự, cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án gửi đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện Kiểm sát cùng cấp”.
Như vậy, trong quá trình điều tra nếu phát hiện người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu không có năng lực trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định pháp y kết luận người đó mắc bệnh tâm thần thì Cơ quan điều tra phải gửi đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cho Viện kiểm sát cùng cấp. Cùng theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Nghị định này thì:
“Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan điều tra đã, đang thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm tổ chức, phối hợp với lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, lực lượng Cảnh vệ tư pháp hoặc phối hợp với Trại tạm giam, Nhà tạm giữ (trong trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đang bị giam giữ tại Trạm tạm giam hoặc Nhà tạm giữ) đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần nêu trong Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.
Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý để xử lý người mắc bệnh tâm thần bị mất khả năng nhận thức đôi khi rất rắc rối. Ví dụ: Người mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức, đi lang thang, không xác định được lai lịch, mà người này thực hiện hành vi giết người. Khi bị phát hiện, bắt giữ thì cơ quan điều tra không thể "giao tiếp" được với họ, không xác định được tên tuổi, địa chỉ, quê quán... và các thông tin nhân thân khác của họ. Trong khi đó, vẫn phải thực hiện các thủ tục như tạm giữ, thủ tục bắt buộc chữa bệnh... trong các thủ tục đó phải ghi rõ người bị tạm giữ, bị bắt buộc chữa bệnh là ai, tên, tuổi, quê, quán... Khi đó, không thể có được thông tin để thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật. Trong trường hợp này, người bị tâm thần không khác gì "người ngoài hành tinh", họ không có thông tin về nhân thân, lí lịch để thực hiện các thủ tục tố tụng, thủ tục hành chính theo quy định.
Việc chữa bệnh cho những người này cũng là một quá trình lâu dài, phức tạp và việc xử lý hình sự sau đó cũng không thuận lợi như trường hợp người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, những người mắc bệnh tâm thần nhưng chưa mất khả năng nhận thức hoàn toàn, họ vẫn phần nào nhận thức được hành vi của mình thì việc xử lý với họ cũng gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi cho người bị hại.
PV. Đã có nhiều cảnh báo, song những vụ án do người tâm thần gây ra vẫn đang khiến dư luận nhức nhối. Phải chăng việc quản lý người tâm thần cần phải chặt chẽ hơn nữa? Luật sư nghĩ sao về vấn đề này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay, có không ít những vụ án do người tâm thần gây ra gây nhức nhối trong xã hội. Vấn đề đặt ra ở đây là việc chăm sóc, quản lý và chữa bệnh cho người tâm thần đã được quan tâm một cách đúng mức? Pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở quy định về việc trợ cấp cho người tâm thần mà số tiền trợ cấp ở đây là do người thân, cơ sở chăm sóc họ nhận.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là không phải người tâm thần nào cũng có gia đình chăm sóc và được hưởng tiền bảo trợ của Nhà nước. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều người tâm thần lang thang, không có nơi cư trú, họ bị gia đình ruồng bỏ, không nhận thức được hành vi của mình…
Nhiều trường hợp người tâm thần, đặc biệt là phụ nữ bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành hoặc tự mình thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng không có nhận thức. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, người tâm thần bị bắt giữ nhưng họ không thể cung cấp được thông tin về nhân thân của mình cho các cơ quan điều tra. Việc này gây khó khăn cho các cơ quan điều tra trong việc tìm hiểu thông tin, ra các quyết định liên quan đến người phạm tội, thậm chí là cả việc đưa người phạm tội đi giám định pháp y do hiện nay chưa có quy định nào của pháp luật về việc xử lý đối với người tâm thần phạm tội nhưng không biết rõ thông tin về nhân thân. Có thể thấy đây là một lỗ hổng pháp lý lớn cần phải khắc phục trong thời gian tới để quy định cụ thể hơn về cách thức xử lý đối với người tâm thần lang thang, không nơi cư trú, không có thông tin nhân thân.
Tiểu Phương