Tin mới

Từ vụ 3 nữ sinh Ngoại thương tử nạn: Không hề được cảnh báo nguy hiểm?

Thứ hai, 04/07/2016, 12:41 (GMT+7)

Theo tìm hiểu, hầu hết sinh viên tham gia tình nguyện mùa hè thiếu thông tin cảnh báo và kỹ năng nhận biết nguy hiểm. Công việc sinh viên làm khi tham gia chủ yếu là dùng sức, và là những việc chưa từng làm trước kia như trộn bê tông làm đường, phát rẫy ...

Theo tìm hiểu, hầu hết sinh viên tham gia tình nguyện mùa hè thiếu thông tin cảnh báo và kỹ năng nhận biết nguy hiểm. Công việc sinh viên làm khi tham gia chủ yếu là dùng sức, và là những việc chưa từng làm trước kia như trộn bê tông làm đường, phát rẫy ...

Sự ra đi đột ngột của 3 nữ sinh Đại học Ngoại thương do bị lũ cuốn trôi trong đợt tình nguyện Mùa hè xanh ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh khiến nhiều người đau xót. Cùng đồng cảm với sự mất mát của gia đình các nữ sinh, nhiều người kỳ vọng sẽ có những chuyến đi tình nguyện an toàn tuyệt đối cho các sinh viên.

Bạn Hồ Thị Xuân, sinh viên năm nhất Khoa Kiểm toán, Trường Học viện Tài Chính, chia sẻ về chuyến tình nguyện đầu tiên trong đời mình đang diễn ra tại xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An: "Em đang tham gia tình nguyện thuộc Đội sinh viên tình nguyện Đồng hương Nghệ An Học viện Tài Chính dưới sự quản lý của nhà trường. Chúng em đang trải qua 11 ngày tham gia mùa hè xanh tại địa phương gồm có những hoạt động như tiếp sức mùa thi tại trường THPT Đô Lương I, tham gia dạy học cho các em học sinh tiểu học và làm một số công trình nông thôn mới tại địa phương.

Sinh viên trường Học viện Tài chính thuộc Đội tình nguyện đồng hương Nghệ An tham gia dọn kênh mương tại xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Hiện chúng em gồm 35 người, và ở tại trường tiểu học của địa phương. Trước khi đi bọn em đã được tuyển chọn, phỏng vấn, kiểm tra thể lực và có nội quy rõ ràng.

Em rất lấy làm tiếc với sự việc khiến ba bạn nữ ở trường Ngoại thương tử nạn khi làm nhiệm vụ, cũng từ đó em và các thành viên trong đoàn đều tự nhủ an toàn phải được đặt lên hàng đầu, luôn tuân thủ nội quy và tuyệt đối không được tách đoàn".

Là người có nhiều kinh nghiệm quản lý cũng như tham gia các hoạt động tình nguyện Đoàn, thầy Phạm Công Tuyên, Bí thư đoàn trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho biết, một số sự cố sinh viên có thể gặp khi tham gia tình nguyện như bị xây xát chân tay khi trộn bê tông làm đường, bị cảm sốt do thời tiết hoặc không hợp khí hậu, đau bụng vì thói quen sinh hoạt bị thay đổi, và tắm suối. 

"Hiện trường mình có 14 khoa, mỗi khoa đều có một câu lạc bộ tình nguyện riêng, gọi là câu lạc bộ công tác xã hội. Chiến dịch lớn năm nay có hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh làm đường bê tông và nhiều phần quà cho bà con ở thôn Nhiêu Phong, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam mới kết thúc hôm 27/6.

Trước mỗi đợt đi, đoàn trường đều phải quán triệt, tự chuẩn bị hành trang, vật dụng cá nhân. Ngoài ra, mỗi đoàn đều có một thành viên là cán bộ y tế đi theo, chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc, bông băng. Trong quá trình hoạt động trưởng đoàn luôn phải điểm danh, và tuyệt đối hạn chế việc các bạn đi tắm suối. Và các bạn đều phải ký vào bản cam kết nội quy của đoàn. Khi phỏng vấn các tình nguyện viên chúng tôi có trao đổi về địa bàn và công việc cụ thể. Để đảm bảo cho chuyến đi các thành viên trong ban tổ chức đã khảo sát địa bàn và phân bổ nơi ăn chốn ở cho các thành viên", thầy Tuyên cho biết.

Các em nhỏ còn lưu luyến các sinh viện Đoàn viên trường ĐH Duy Tân trong chiến dịch Mùa hè xanh 2016. Ảnh Fanpage đoàn trường

Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thanh Tình (cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế, hiện đang công tác tại Báo Đà Nẵng), người có kinh nghiệm tình nguyện nhiều năm khi còn là sinh viên cho rằng, quá trình thanh niên, sinh viên tham gia tình nguyện không nguy hiểm nếu tuân thủ theo đúng nội quy đề ra.

"Mình từng tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện như dạy học cho trẻ em nghèo, hiến máu ...nhưng đợt đi nhớ nhất là dịp lên huyện A Lưới (một huyện miền núi của Thừa Thiên - Huế) vào năm 3, đợt đó đi khoảng 60 người. Chuyến đi đó rất ý nghĩa và mình đã học hỏi được rất nhiều điều.

Thực ra công tác tình nguyện này cũng khá đơn giản, các thành viên tham gia đều phải qua vòng phỏng vấn, là những người có sức khỏe đảm bảo, ý thức và có nhiều hoạt động tích cực. Và trước khi đi các thành viên được phổ biến những công việc mình sẽ làm như làm đường, dạy học, hay làm công tác vệ sinh cho địa phương,...

Trong quá trình tham gia, mình không thấy có gì là nguy hiểm vì nếu tuân thủ theo nội quy của đoàn, chỉ dẫn của đoàn, nhất là việc tắm suối là tuyệt đối không tắm. Mình được biết, đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra ví dụ sinh viên chủ quan về sức khỏe, ngày đi làm nắng nóng về lại tắm suối lại bị cảm, hoặc tắm suối bị té chân trượt ngã".

Cũng theo chị Tình, hoạt động tình nguyện rất thiết thực, không chỉ có ý nghĩa về vật chất và tinh thần với người dân nơi mình tham gia, mà qua mỗi đợt đi người tham gia sẽ được trải nghiệm, rèn cho mình nhiều kĩ năng như tính tự lập, giao tiếp, sự chia sẻ và rất nhiều mối quan hệ tốt.

Như tin tức đã đưa, trước đó, khoảng 17h chiều 2/7, một nhóm sinh viên tình nguyện của trường Đại học Ngoại thương gồm 4 người đi qua khu vực cầu Pác Hoóc, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh thì bất ngờ bị lũ cuốn trôi.

Tại thời điểm xảy ra sự việc, một sinh viên đã được cứu thoát, còn 3 sinh viên khác mất tích gồm gồm Vũ Thị Xoa (20 tuổi, quê Hải Dương); Nguyễn Thị Hải (19 tuổi, quê Nghệ An) và Nguyễn Thị Ngân (19 tuổi, quê Hà Nội). Đến hơn 2h sáng nay lực lượng chức năng đã tìm thấy cả 3 nữ sinh trên.

Dã Quỳ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news