Tin mới

Từ vụ ngập lụt ở Chương Mỹ nhìn lại những trận "đại hồng thủy" lịch sử ở Việt Nam

Thứ tư, 01/08/2018, 10:04 (GMT+7)

Áp lực đê sông Bùi đã được giải tỏa, nhưng tình trạng ngập úng sẽ còn kéo dài cả tháng ở Chương Mỹ. Việc “biển nước” xuất hiện cuối tháng 7 ở Thủ đô khiến nhiều người nhớ lại trận lụt kinh hoàng tại Hà Nội năm 2008 và năm 1971.

Áp lực đê sông Bùi đã được giải tỏa, nhưng tình trạng ngập úng sẽ còn kéo dài cả tháng ở Chương Mỹ. Việc “biển nước” xuất hiện cuối tháng 7 ở Thủ đô khiến nhiều người nhớ lại trận lụt kinh hoàng tại Hà Nội năm 2008 và năm 1971. 

Đến trưa 31/7, mực nước sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ đã giảm 30cm so với ngày 30/7. Do mực nước đang dưới 7,35m, và phía Hòa Bình không mưa lớn nên sông Bùi vẫn an toàn. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt tiếp tục kéo dài ở vùng trũng huyện Chương Mỹ như xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến.

Nước tràn đê ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai. (Ảnh: Thanh Niên)

“Nếu nước sông Đáy xuống nhanh thì nước sông Bùi cũng sẽ thoát ra nhanh. Nếu vẫn mưa thì có thể phải 3 tuần đến 1 tháng nước mới rút đi được”, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết.

Ôn Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội lý giải, lượng nước lớn chảy từ tỉnh Hòa Bình và huyện Ba Vì (Hà Nội) về, tràn qua một số đê bao phân lũ, khiến khu vực các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thật ngập lụt sâu.

Nước vẫn ngập mái nhà, rác ngổn ngang khắp nơi ám ảnh người dân nơi đây. (Ảnh: Lao Động)

VTV đưa tin, chiều cùng ngày, Hạt quản lý đê điều đã phát hiện một vết nứt kéo dài khoảng 400m dọc mép đường nhựa trên đỉnh ven tuyến đê sông Hồng đoạn qua huyện Khoái Châu (Hưng Yên).

Sự cố nguy hiểm này có thể đe dọa đến sự an toàn của đê, nhất là đang trong mùa mưa lũ. Do đó, lực lượng chức năng đã cho gia cố tại chỗ, theo dõi và chờ khắc phục tuyến đê này.

Vỡ đê Bùi 2 – Chương Mỹ

Đoạn đê Bùi 2 bị vỡ không có thiệt hại về người. (Ảnh: VOV)

Ngày 12/10/2017, một đê Bùi 2 ở Chương Mỹ bị vỡ khiến 1.000 hộ dân tại 2 xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến bị cô lập trong biển nước, người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Lũ cũng gây thiệt hại lớn về tài sản, hàng trăm hecta hoa màu ngập và hàng nghìn gia súc gia cầm bị chết…

Quảng Ninh chìm trong bể nước sau cơn lũ lịch sử năm 2015

Cuối tháng 7/2015, Quảng Ninh hứng chịu trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua, với lượng mưa đo được lên tới 600mm, khiến hơn 10 người thiệt mạng, trong đó có 3 người cùng một gia đình.

Năm 2015, Quảng Ninh hứng chịu trận mưa lớn trong lịch sử

Những trận đại hồng thủy trăm năm có một ở Việt Nam trong vòng 20 năm qua-9

Mưa lớn cộng thêm triều cường dâng cao khiến Quảng Ninh ngập sâu trong bể nước, nhấn chìm 2.200 hộ dân, trường học, bệnh xá, có nơi ngập tới 2 mét, hơn 70 ha hoa màu bị phá hủy. Ước tính thiệt hại lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng.

Lũ kép lịch sử ở Hà Tĩnh tháng 10/2010

Tháng 10/2010, trận lũ lịch sử 100 năm qua chưa từng có đã nhấn chìm hàng ngàn hộ dân ở Hương Khê, Hà Tĩnh trong biển lũ. Mưa như trút nước khiến nước ở Hà Tĩnh lên nhanh chưa từng thấy.

Nhiều người phải thức trắng đêm trên nóc nhà, canh lũ và chờ cứu hộ

Một người dân kể lại: "Sáng sớm mới thấy nước lũ ngấp nghé ngoài bờ sông, nhưng đến trưa nước đã ngập đến tận nóc nhà. Chưa có năm mô lũ lên nhanh như ri. Nhà tui bị lũ cuốn trôi hết rồi. May mà cả nhà còn kịp thoát thân".

Mưa lũ nhấn chìm nhiều nhà dân

Trận lụt lịch sử cũng khiến hàng ngàn hộ dân ở Hương Khê rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", nhiều người phải thức trắng đêm canh lũ trên nóc nhà, cành cây trong mưa gió và nguy cơ bị lũ cuốn. Hơn 30 người chết và mất tích do mưa lũ.

Trận lụt lịch sử năm 2008

Năm 2008, Hà Nội hứng chịu đợt mưa lớn kéo dài khiến thành phố ngập nặng

Đêm 30/10/2008, trận mưa lớn kỷ lục biến Hà Nội thành biển nước, với lượng mưa lớn nhất trong vòng 100 năm. Hậu quả là 17 người thiệt mạng, tuyến đê sông Hồng bị sạt mái, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa nước đã tràn.

Trận lụt lịch sử năm 1999 nhấn chìm cố đô Huế

10 tỉnh thành miền Trung ngập trong bể nước, gần 600 người thiệt mạng, hơn 41.000 ngôi nhà bị hủy hoại - đó là những con số kinh hoàng về trận đại hồng thủy 100 năm mới có 1 lần năm 1999 ở nước ta.

Huế là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất

Sáng 1/11/1999, đất trời miền Trung bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa nặng hạt dần và không dứt, cho đến ngày hôm sau thì nước đã ngập lênh láng ở nhiều nơi.

Riêng tại Huế, lượng mưa suốt 2 ngày đêm hôm đó đã lên tới hơn 2.300 mm (bằng cả lượng mưa hằng năm ở nơi đây) khiến nước đầu nguồn sông Hương dâng lên hơn 1 mét vào mỗi giờ.

Ở hạ lưu sông Hương, nước đã vượt mức báo động 3 đến gần 3 mét. Các chuyên gia nhận định con số này chưa từng xảy ra suốt 100 năm qua. Nguyên nhân gây mưa lớn là do thời tiết phải chịu nhiều tác động cùng một lúc: khối Không khí lạnh mạnh kết hợp với dải áp thấp xích đạo cùng nhiễu động trên cao và áp thấp nhiệt đới.

Cơn mưa kéo dài từ 1/11 và đến tận ngày 6/11 mới dứt hẳn, gây lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam, trong đó thiệt hại nặng nhất là Huế. Ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 3.773 tỷ đồng (năm 1999).

Lụt kinh hoàng năm 1971

Theo Báo An Ninh Thủ Đô, tháng 8/1971, mưa lớn liên tiếp 10 ngày cùng với hoàn lưu sau bão, mực nước sông dâng cao đã tạo ra một cơn “đại hồng thủy” ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tại thủ đô Hà Nội, lo sợ cây cầu Long Biên huyết mạch bị nước lũ cuốn trôi, nhà chức trách đã phải đưa một đoàn tàu chất nặng đá hộc lên nằm yên trấn giữ mặt cầu.

Trận lụt kinh hoàng cách đây 47 năm cũng là lớn nhất trong vòng 3 thế kỷ trở lại đây xảy ra ở Bắc Bộ, đã gây thiệt hại nặng nề – có thống kê số thiệt mạng lên tới 10 vạn người.

Trận lũ này được liệt kê trong danh sách các trận lụt lớn nhất thế kỷ 20 của Cơ quan Quản trị Hải dương và Khí tượng Hoa Kỳ. Lũ lịch sử năm 1971 đứng hạng nhì sau trận lụt năm 1931 ở sông Dương Tử làm gần 3,7 triệu nguời thiệt mạng ở Trung Quốc.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news