Theo tướng Tuấn, việc tiêu diệt hai trùm ma túy nguy hiểm ở Tà Dê (Vân Hồ, Sơn La) rất dễ nhưng cần đặt vào bối cảnh địa phương miền núi, có đông đồng bào dân tộc sinh sống.
Tiêu diệt các đối tượng rất dễ, đơn giản nhưng...
Từ ngày 27 đến ngày 30/6, Công an tỉnh Sơn La đã triệt phá ổ nhóm lớn ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông. Đây là chuyên án đặc biệt với 300 cảnh sát, 7 xe bọc thép và nhiều phương tiện khác.
Sau 2 ngày vây ráp, đấu súng nghẹt thở, ban chuyên án đã triệt phá thành công ổ nhóm, tiêu diệt 4 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng đặc biệt nguy hiểm là Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận.
Nguyễn Thanh Tuân quê ở Thạch Thất, Hà Nội, có 4 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Nguyễn Văn Thuận, quê ở tỉnh Hà Nam, có 2 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Xung quanh chuyên án, một số ý kiến đã đặt vấn đề, hai "trùm ma túy" nguy hiểm Tuân và Thuận đã lập "sào huyệt" tại Tà Dê 4 - 5 năm nhưng đến nay mới phá án, xử lý các đối tượng.
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) cho rằng, nhiều người đặt câu hỏi tại sao giờ mới triệt phá "sào huyệt" của Tuân - Thuận nhưng cần đặt vào bối cảnh tình hình địa phương miền núi, địa hình khó khăn, hiểm trở với đông đồng bào dân tộc sinh sống "rất nhạy cảm".
"Tiêu diệt hai đối tượng này rất dễ, đơn giản và lực lượng công an chỉ cần sử dụng một vài biện pháp nghiệp vụ, bí mật có thể làm ngay.
Nhưng điều quan trọng hơn trong việc xử lý đối với vụ án này là phải làm thế nào vừa mang ý nghĩa đấu tranh phòng chống tội phạm lại mang ý nghĩa chính trị, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc rất nhạy cảm", tướng Tuấn nói.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Công an nhân dân.
Theo tướng Tuấn, như lãnh đạo Công an Sơn La đã trả lời, bản thân cán bộ, đảng viên của xã Lóng Luông và cán bộ cấp bản có nhiều con em phạm tội buôn bán ma túy, đây là một đặc điểm hết sức phức tạp khi phá án.
Ngoài ra, ở đây, tập trung đông dân, 100% đồng bào dân tộc Mông có quan hệ họ hàng, máu mủ nên lực lượng công an đã phải làm rất nhiều cuộc vận động với người dân, tạo chuyển biến trong chính quyền cơ sở.
"Bên cạnh đó, các đối tượng này đã vô hiệu hóa chính quyền cơ sở và mang theo nhiều vũ khí nguy hiểm, đe dọa khiến ai cũng sợ, không dám làm gì, trong khi người dân tộc thật thà, chất phác.
Do đó, chúng ta phải vận động để người dân ủng hộ lực lượng công an trong việc cô lập các đối tượng này và tiến hành tác chiến, xử lý", tướng Tuấn nêu.
Nguyên Cục trưởng Cục C47 chia sẻ thêm, trong quá trình phá án, lực lượng công an luôn thể hiện rõ tính nhân đạo, nhân văn khi thực hiện biện pháp vận động, tuyên truyền, đề nghị người dân địa phương, người thân của các đối tượng khuyên giải, thuyết phục ra hàng...
Thậm chí, lực lượng công an đã cho ô tô được bảo vệ an toàn chở mẹ của đối tượng Tuân vào sát hầm nơi tên tội phạm này đang lẩn trốn để thuyết phục. Tuy nhiên, các đối tượng đã không phối hợp, nhất quyết ngoan cố, tử thủ, do đó, lực lượng chức năng buộc phải tấn công, tiêu diệt.
Bài học lớn nhất từ việc huy động sức mạnh toàn dân
Trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm trực thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân nêu rõ, việc triệt phá "sào huyệt", tiêu diệt các đối tượng tội phạm ma túy ở bản Tà Dê đơn giản, không khó nhưng vấn đề phải đảm bảo tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn một khu vực khó khăn với đông đồng bào dân tộc ở.
Đồng thời, việc thực hiện chuyên án muốn thành công cần phải thu phục lòng dân và đảm bảo an toàn cho họ.
Trung tá Lan nêu rõ, trong quá trình phá các vụ án nói chung và vụ án ở Tà Dê nói riêng, lực lượng công an không có chủ trương sử dụng vũ trang như vậy.
Tuy nhiên, do lực lượng chức năng đã tuyên truyền vận động một thời gian dài, thậm chí, khi phá án, đã đưa cả người nhà đến thuyết phục, kêu gọi ra đầu thú nhưng không đạt được kết quả.
"Trước khi tấn công, lực lượng công an đã sử dụng loa phóng thanh, người thân đến thuyết phục các đối tượng ra hàng, đầu thú, thậm chí nếu ra có thể được khoan hồng, giảm một mức án nhưng các đối tượng không hợp tác.
Vũ khí thu được tại nhà hai trùm ma túy. Ảnh: Công an Sơn La cung cấp.
Vì thế, lực lượng chức năng buộc phải sử dụng vũ khí mạnh để tấn công và chuyên án đã thành công, đảm bảo an toàn cho người dân, các cán bộ, chiến sỹ tham gia phá án", Trung tá Lan nói thêm.
Vị chuyên gia tội phạm học khẳng định, việc triệt phá "sào huyệt" ma túy ở Tà Dê là chiến công mang tính chất tổng lực với sự tham gia của lực lượng công an, chính quyền, người dân.
"Kinh nghiệm lớn nhất sau chuyên án được phá này chính ở việc chúng ta đã huy động được tổng hợp sức mạnh toàn dân để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo an toàn cho người dân", Trung tá Lan chỉ rõ.