ĐH Sư phạm Hà Nội vừa đề xuất đổi mới chương trình đào tạo giáo viên. Điểm nhấn gây tranh luận là trường sư phạm có thể cấp bằng cao đẳng.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh đã trình bày đề án tại hội thảo bàn về đổi mới mô hình và chương trình đào tạo các trường đại học sư phạm ngày 27/4.
Trong đề án có nội dung đổi mới: Trên cùng một khung chương trình chung, tùy thuộc thời lượng và số lượng môn học, số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy, đơn vị đào tạo sẽ cấp bằng ĐH (với đủ điều kiện giảng dạy ở bậc THPT) hay bằng CĐ (với các yêu cầu đủ để giáo viên giảng dạy ở bậc THCS).
Theo đề án thay đổi cách đào tạo giáo viên của Trường ĐH Sư phạm, sinh viên có thể chọn chương trình cao đẳng hoặc đại học cho mình.
Bà Đào Thị Liên, trưởng khoa Giáo dục THCS, ĐH Sư phạm Thái Nguyên phản bác: “Tôi không tán thành việc làm cơ học như vậy. Việc đào tạo giáo viên THCS có những đặc thù riêng so với việc đào tạo giáo viên THPT bởi học sinh thuộc hai cấp, bậc học này có những đặc điểm tâm lý lứa tuổi hoàn toàn khác nhau”.
Đại diện khoa Hóa học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng đồng ý với quan điểm nêu trên và nhấn mạnh rằng việc đào tạo giáo viên THPT hiện đang giao cho hệ thống các trường CĐ địa phương đảm nhiệm. Do vậy với đề xuất này phải hết sức cân nhắc.
“Cách đào tạo vừa cấp bằng CĐ vừa cấp bằng ĐH như trên không khác gì là cách đi đường của một người có hành trình từ Hà Nội xuống Hải Phòng nhưng dừng chân lại ở Hải Dương. Đây là việc làm không thuyết phục”, quan điểm của đại diện của ĐH Sư phạm TP.HCM.
PGS.TS Lê Quang Sơn (trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho rằng: Việc đổi mới mô hình và chương trình đào tạo các trường đại học sư phạm cần phải đặt vấn đề đào tạo giáo viên trung học phổ thông (có trình độ đại học) và đào tạo giáo viên trung học cơ sở (có trình độ đại học) một cách độc lập.
“Chúng ta không thể xây dựng một chương trình đào tạo cử nhân sư phạm. Để từ đó hy vọng vào một kết quả phụ kéo theo là có luôn chương trình đào tạo bậc cao đẳng sư phạm,” ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cho rằng: “Chương trình đào tạo hiện nay chưa có những môn học, hoạt động cụ thể, chính thức để dẫn được đến những phẩm chất quan trọng của người giáo viên như tình yêu nghề, ý thức trách nhiệm trong công việc. Theo tôi, việc đổi mới mô hình và chương trình đào tạo của các trường sư phạm phải tập trung vào phương diện này”.
Đại diện trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cũng phân tích: “Mô hình, mục tiêu đào tạo của các trường đại học sư phạm lào giáo viên THPT. Nó khác hẳn với trình đào tạo giáo viên THCS. Nếu tôi học THCS cách dạy và học khác hẳn. Đề xuất như vậy 63 trường cao đẳng có đồng ý?. Do đó cần hết sức cân nhắc”.
Một số ý kiến cho rằng nếu cấp bằng cao đẳng cho sinh viên đã hoàn thành giai đoạn nhất định trong quá trình đại học cũng có thể là mặc định cho các em kém hơn nên mới phải học đến cao đẳng.
Tuy nhiên một số ý kiến lại đồng tình với đề xuất này.
GS Đỗ Đức Thái, trưởng khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội kể câu chuyện: “Cách đây không lâu, một phụ huynh khóc lóc đến gặp tôi xin cho cháu nghỉ 1 năm vì nhà quá nghèo. Họ không còn gì ăn, lấy đâu tiền cho con học. Tôi nói với bác nếu bác nói thật rằng chỉ vì thiếu tiền tôi sẵn sàng bỏ tiền túi cho cháu ăn học tiếp. Vậy giáo dục chúng ta không có cửa cho những số phận như thế có việc làm ngay?”
Tại hội thảo, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu: "Chuyện cấp bằng cao đẳng hay đại học cho sinh viên không quá quan trọng. Cái cần bàn là sinh viên ra trường năng lực dạy ra sao".
Theo ông Hiển: “Để giúp sinh viên được tuyển dụng đúng năng lực chuyên môn, chúng ta có thể tuyên bố với các Sở GD-ĐT rằng các em đã đạt trình độ này tức là có thể đảm nhiệm việc dạy THCS hay cao hơn, tức có thể là THPT.
Chương trình đào tạo sư phạm nếu càng linh hoạt càng tốt, đáp ứng được bậc THCS và THPT sẽ tốt hơn chỉ phục vụ một cấp, không phải chỉ dành cho các em không may bị cắt ngang. Tôi đồng tình một chương trình vừa đáp ứng đào tạo cao đẳng - đại học và đào tạo giáo viên sẽ tốt hơn”.
Ông Hiển cũng đặt ra vấn đề bức thiết: Cần tăng thời gian giảng dạy nghiệp vụ sư phạm cũng là việc làm cần thiết, trong đó nêu cao phẩm chất người giáo viên. Đồng thời, trong quá trình học tập, sinh viên sư phạm phải được trải nghiệm thực tế nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu công việc khi ra trường.