Tin mới

Tướng Thước: Cảnh báo sự hình thành “con đường tơ lụa” của TQ

Thứ bảy, 16/05/2015, 13:59 (GMT+7)

"Việc này đã được TQ tính toán từ trước và Việt Nam cùng các nước cần phải hết sức tỉnh táo và đoàn kết không để cho TQ có cơ hội biến đường lưỡi bò phi pháp thành hiện thực", tướng Thước nhấn mạnh.

"Việc này đã được TQ tính toán từ trước và Việt Nam cùng các nước cần phải hết sức tỉnh táo và đoàn kết không để cho TQ có cơ hội biến đường lưỡi bò phi pháp thành hiện thực", tướng Thước nhấn mạnh.

Trước những diễn biến phức tạp và có phần leo thang của phía Trung Quốc trên Biển Đông, dư luận quốc tế và Việt Nam hết sức quan ngại. Bên cạnh việc thời gian qua Trung Quốc đã liên tục tăng cường các hoạt động xây dựng, cải tạo các đảo đá ngầm thành những hòn đảo nổi nhân tạo có diện tích gấp nhiều lần, thì mới đây, nước này tiếp tục đưa giàn khoan nước sâu Hưng Vượng và Hải Dương 981 vào biển Đông.

Trong khi đó, phía Mỹ đang cân nhắc sẽ cử tàu chiến và máy bay tới áp sát các khu vực đảo nhân tạo mà TQ vừa tiến hành cải tạo trên một số đảo đá ngầm trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. TQ đã lớn tiếng cho rằng Mỹ đã góp phần làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông...

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông thời gian vừa qua, Phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Tư lệnh Quân khu IV về vấn đề này.

PV: Thưa Trung Tướng, ông đánh giá như thế nào về những động thái mới đây của phía TQ khi tiến hành cải tạo các đảo đá ngầm trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi cho rằng, đây là những bước đi được giới lãnh đạo nước này tính toán theo một chiến lược ý đồ từ rất lâu. Mục đích là nhằm tạo ra thế “sự đã rồi” nhằm làm thay đổi hiện trạng vùng tranh chấp. Sau đó, sẽ tạo áp lực với các quốc gia có tranh chấp (trong đó có Việt Nam) bằng sức mạnh quân sự và thực lực kiểm soát trên biển để tạo sức mạnh trên bàn đàm phán.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Tư lệnh Quân khu IV (Nguồn: Internet).

Việc cải tạo đảo đã được TQ tiến hành từ lâu nhưng thời gian hơn 1 năm trở lại đây thì tốc độ và quy mô đã được đẩy nhanh chóng mặt với tính chất công khai hơn. Theo nắm bắt, Trung Quốc từ đầu năm nay đã tăng tốc bồi đắp và cải tạo 7 đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Nước này cũng đang mở rộng trái phép hai đảo Phú Lâm và Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm giữ trái phép.

Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc hôm 8/5 còn cho rằng, TQ mở rộng diện tích tại tiền đồn họ chiếm gần 400 lần. Riêng trong 5 tháng qua, tổng diện tích tại các tiền đồn trên Biển Đông tăng 4 lần, từ khoảng 2 km2 vào tháng 12 lên hơn 8 km2. TQ tuyên bố sẽ sử dụng các đảo nhân tạo để cho mục đích dân sự và cả "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự của TQ".

Thực sự, TQ đã và đang thách thức các quốc gia khác bằng sự hung hăng, ngạo mạn của mình. Chiến lược của họ là “làm lặng lẽ và không có xung đột mà vẫn thắng”.

PV: Trong khoảng nửa tháng qua, một số trang mạng của TQ đưa tin nước này sẽ điều hai giàn khoan dầu nước sâu khổng lồ là Hải Dương 981 và Hưng Vượng xuống Biển Đông. Liệu đây có phải là “các con bài” trong cuộc chơi đầy phiêu lưu này của TQ trên Biển Đông không, thưa Trung tướng?

Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy TQ đã cải tạo và mở rộng bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: Digital Globe)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Hôm 6/5 vừa qua, website của Cục Hải sự quốc gia Trung Quốc (MSA) đã đăng tải "Thông báo về việc tác nghiệp của giàn khoan Hải Dương 981 tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1" từ ngày 6/5 tới 16/5/2015 tại tọa độ 17°03′44″.5 Bắc/109°59′02″.7 Đông, cách khoảng 75 hải lý về phía Đông Nam thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Trước đó, ngày 30/4 phía TQ cũng tuyên bố sẽ đưa thêm một giàn khoan nước sâu mang tên Hưng Vượng xuống Biển Đông. Tuy nhiên, vị trí hạ đặt của nó vẫn chưa được tiết lộ.

Trong cuộc họp báo chiều 14/5, đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã trả lời báo chí, VN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những động thái cũng như hướng di chuyển của các giàn khoan này để có những đối sách phù hợp trên tinh thần hòa bình nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh hải chính đáng của mình.

Theo tôi nhận định, đây chỉ là “con bài” trong cuộc chơi của TQ trên Biển Đông. Bởi nếu mà chúng ta quá quan tâm tới nó thì ở ngoài Trường Sa và Hoàng Sa, TQ đã có dư thời gian để tiếp tục công cuộc cải tạo đảo đá ngầm thành đảo nhân tạo mất rồi. Lúc đó, hiện trạng các vùng tranh chấp sẽ bị thay đổi sẽ gây rất nhiều bất lợi cho cả ta cũng như các nước khác có cùng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển trên. Cải tạo đảo mới là nước cờ nguy hiểm của TQ.

Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể thì việc tiếp tục theo dõi sát sao những động thái cũng như hướng di chuyển của hai giàn khoan trên cũng là rất cần thiết. Nếu nó xâm phạm vào vùng lãnh hải của ta thì phải kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển của chúng ta.

PV: Hiện nay, có thông tin cho rằng phía Mỹ đang có ý định điều động tàu chiến và máy bay tới gần khu vực TQ xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Theo trung tướng, liệu rằng có xảy ra đụng độ Mỹ - Trung hay không và âm mưu sâu xa của TQ là gì?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Về vấn đề này, cả Mỹ và TQ đều đã có cho mình những tính toán riêng.

Phía Mỹ, đương nhiên họ đến Biển Đông đầu tiên là để hỗ trợ và bảo vệ cho đồng minh thân cận ở Đông Nam Á là Philippines. Đồng thời sẽ góp phần tiết chế đi phần nào sự hung hăng và ngạo mạn của TQ trên Biển Đông nhằm duy trì tự do hàng hải, tự do giao thương tại vùng biển này.

Còn TQ, rõ ràng họ đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về luật biển năm 1982. Rất có thể họ sử dụng chính các hòn đảo vừa cơi nới, mở rộng ra để làm lãnh thổ quốc gia trên biển Đông. Điều này, sẽ cản trở tự do đi lại và có thể uy hiếp đồng minh Philippines của Mỹ.

Việc định hình một "con đường tơ lụa trên biển" đã được Trung Quốc tính toán từ trước và đang cố gắng hiện thực hóa (Nguồn: Internet).

Chiến tranh là điều mà cả Mỹ và TQ đều không muốn xảy ra. Trong trường hợp này, cả Mỹ và TQ đều chỉ mang tính dằn mặt nhau. Bộ Ngoại giao mới đây cũng đã lên tiếng ủng hộ các quốc gia có những nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, trong đó có Mỹ. Hơn nữa, việc các tàu nước ngoài hoạt động vô hại và đi lại trên vùng biển quốc tế là điều được quy định quốc tế cho phép.

Trung Quốc trước đây đã có con đường tơ lụa trên đất liền thì rất có thể, về sâu xa hơn họ sẽ tiếp tục xây dựng và định hình thêm một “con đường tơ lụa” ở trên biển ở thế kỷ 21 nhằm nối liền hệ thống cảng biển của Trung Quốc và Đông Nam Á, hình thành cộng đồng kinh tế, thương mại chung Á, Âu, Phi. Chiến lược “con đường tơ lụa” của Bắc Kinh được cho là cách đối phó trực diện với Chính sách tái cân bằng hay còn gọi là "xoay trục" về châu Á của Washington.

PV: Vậy trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần có những bước đi như thế nào trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải của Tổ quốc thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Điều quan trọng bây giờ, là chúng ta cần tiếp tục bám sát các diễn biến trên Biển Đông để đưa ra những phương án đấu tranh kịp thời, đúng đắn nhất.

Trong đó, tôi phải nhấn mạnh lại tới bài học từ sự kiện HD 981 từ hơn một năm trước. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tầng lớp nhân dân cần phải đoàn kết một lòng với sức mạnh kết nối của hơn 90 triệu trái tim để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế tại các diễn đàn đa phương có uy tín như ASEAN, LHQ… Và gần đây nhất sẽ là Hội nghị an ninh cấp cao Châu Á – Thái Bình Dương 2015 (tức Đối thoại Sangrila 2015) được tổ chức tại Singapore vào cuối tháng 5 này. Vấn đề Biển Đông sẽ cần được đưa ra trên bàn hội nghị này với những tiếng nói mạnh mẽ nhất nhằm kêu gọi các bên, đặc biệt là TQ phải tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy hình thành Bộ quy tắc ứng xử COC nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Việc ngăn chặn TQ hiện thực hóa cái gọi là “đường lưỡi bò” đầy phi pháp nhằm nuốt trọn tới hơn 80% diện tích Biển Đông sẽ cần phải áp dụng sức mạnh tổng lực của toàn dân. Đặc biệt là trên bình diện chính trị, ngoại giao. Chúng ta không muốn sử dụng tới sức mạnh quân sự và ưu tiên sử dụng các biện pháp đàm phán hòa bình để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình.

Muốn như vậy, mặt trận truyền thông cũng cần phải được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân rằng, bảo vệ chủ quyền không chỉ là nhiệm vụ cả Nhà nước hay quân đội riêng mà đó là nhiệm vụ của toàn dân. Kết hợp với sức mạnh của dư luận quốc tế cùng lên tiếng ủng hộ.

Theo N.M

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news